Vượt qua thách thức thuế và tài chính doanh nghiệp, cách nào?

Vượt qua thách thức thuế và tài chính doanh nghiệp, cách nào?

(ĐTCK) Ông Đinh Đức Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa Opec chia sẻ, 9 năm trước, khi bắt đầu khởi sự doanh nghiệp (DN), ông đã dành 2 năm và rất nhiều tâm sức tìm hiểu, nghiên cứu về ngành. Khi đã quyết định chọn ngành nhựa, ông và các cộng sự dồn mọi tâm huyết và nguồn lực, quyết tâm khởi nghiệp. Theo ông Thắng, việc chọn đúng ngành để khởi nghiệp quyết định 50% thành công của một DN, doanh nhân. Khi đã chọn đúng ngành thì công việc tiếp theo là phải giải được bài toán về tài chính và thuế.

Vốn: Những câu hỏi DN cần tìm ra câu trả lời

Với vai trò điều phối cuộc Hội thảo đảm bảo tài chính bền vững cho DN tổ chức ngày 23/5/2018, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho rằng, trong kỷ nguyên tăng trưởng của nền kinh tế, khởi nghiệp là một trọng tâm được Nhà nước và xã hội rất quan tâm phát triển.

Tuy nhiên, các doanh nhân khởi nghiệp luôn bị vướng bởi một bài toán khó khăn, đó là tìm đâu ra vốn và làm thế nào để xây dựng được bức tranh dự báo tài chính tối ưu trong “giấc mơ” khởi nghiệp của mình?

Theo đánh giá của Tổng giám đốc MB, câu chuyện của Nhựa Opec khởi nghiệp sau 9 năm đạt đến doanh thu 500 triệu USD với trên 1.000 nhân sự, xếp thứ 62 trong TOP 100 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam là một thành công đáng nể. Trên quãng đường đi đến thành công, người lãnh đạo DN đã phải giải không ít bài toán hóc búa, trong đó bài toán tài chính là trọng tâm.

Giáo sư Eric Mais, Giám đốc Chương trình MBA toàn cầu của Đại học Hawaii, Mỹ chia sẻ, ông từng trải qua các vị trí công việc ở ngân hàng đầu tư, từng làm M&A, quản trị doanh nghiệp, đầu tư chứng khoán… và ông nhận ra rằng, DN muốn thành công phải trả lời tốt cả 3 câu hỏi: Nhu cầu vốn của DN là gì? Làm cách nào để huy động vốn? Lợi nhuận dành cho nhà đầu tư như thế nào?

Dù có trả lời được 3 câu hỏi căn bản này thì thực tế vẫn có rất nhiều chủ doanh nghiệp của các công ty có lợi nhuận, tăng trưởng nhanh lại bị bối rối trước sự thật là dường như không có đủ tiền mặt để duy trì dòng chảy tài chính ổn định tại DN. Khởi nghiệp đã khó, giữ được DN bước đi lâu dài còn khó hơn.

Trên con đường dài, Giáo sư Eric Mais cho rằng, DN cần xây dựng được những giả định, ước tính được chu kỳ kinh doanh, dự báo doanh thu và sử dụng doanh thu để tạo ra bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Cùng với đó là dự báo các nhân tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến dự báo của DN. Tất cả những yếu tố này là những công cụ tiện cần thiết để người lãnh đạo DN nhìn ra tổng nhu cầu tiền mặt cần sử dụng, cần duy trì trong mỗi kỳ kinh doanh và theo Giáo sư Eric, đây chính là yếu tố quyết định đến sự thành công của một DN trên đường dài.

Định nghĩa một cách khái quát, Giáo sư Eric cho rằng, một DN thành công là DN tạo ra được dòng tiền dương. Những người có khát vọng khởi nghiệp cần thấu hiểu ý niệm này để cân nhắc các bước đi trên thương trường cho bớt vướng vào những khoảng hụt, những lỗ hổng về dòng tiền, rất có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền khác.

Từ việc dự báo được bức tranh tài chính tương lai, câu hỏi thường trực với các DN là làm cách nào để gọi được vốn? Theo Giáo sư Eric, việc đi vay hay tìm kiếm các nguồn lực cho sự vận hành của DN bằng vốn chủ sở hữu đều có ưu và nhược điểm. Không phương án nào hoàn hảo và đây là lý do đòi hỏi tài năng của người lãnh đạo DN trong việc nhận diện và quyết định chọn cách nào để tạo ra nguồn lực tài chính và biến nguồn lực thành dòng tiền.

Thuế: DN không nên duy trì 2 loại sổ sách

Thuế là câu hỏi khó tiếp theo với các DN, sau câu hỏi thứ nhất về dòng tiền và điểm cân bằng của tài chính DN. Dẫn lại câu nói nổi tiếng “Trên đời này tất cả những điều bất định đều có, trừ thuế và cái chết”, ông Bùi Tuấn Minh, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam cho rằng, DN rất nên đi tìm phương án thuế tối ưu và không nên trốn thuế. Nếu coi thuế là một vấn đề phải giải quyết thì khi đối diện với sự khó khăn, DN nên nhờ đến nhà tư vấn.

Về phía Nhà nước, ông Minh chia sẻ để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, Chính phủ Việt Nam có định hướng hỗ trợ DN vừa và nhỏ, trong đó có chính sách về thuế. Tuy nhiên, việc giảm thuế với một tỷ lệ cụ thể, chẳng hạn 2 hay 3% cho DN không phải là một ưu đãi quá quan trọng mà quan trọng hơn là Nhà nước cần tiếp tục những nỗ lực cải cách thủ tục thuế, đồng thời bản thân các DN cũng cần hiểu chính sách và có cách ứng xử thông minh.

Thực tế, nhiều DN coi thuế là 1 loại chi phí, nên DN thường ứng xử bằng cách có 2 sổ sách kế toán. Một loại sổ phục vụ cho công tác ghi nhận, điều hành nội bộ. Một sổ phục vụ cho mục tiêu đối phó với cơ quan thuế.

Theo ông Minh, cách tư duy này rất không phù hợp với những DN có khát vọng phát triển dài hạn. Tình huống thường xảy ra trong thực tế là khi DN muốn có một hoặc một số đối tác chuyên nghiệp tham gia cùng phát triển, hoặc DN cần chào bán cổ phần ra công chúng, câu chuyện 2 sổ sách tại DN là một hình ảnh xấu cho sự chân thực của người lãnh đạo.

Cùng với đó, trong quá khứ, DN đã từng làm 2 sổ sách sẽ khiến các nhà đầu tư tiềm năng nghi ngờ việc DN có thể sẽ tiếp tục “văn hóa” này trong tương lai. Sự nghi ngại và suy giảm niềm tin là cái giá vô hình, nhưng rất lớn mà lãnh đạo các DN 2 sổ phải đối diện khi chọn cách làm này để trốn tránh các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, hoặc thực hiện các mục tiêu riêng theo nhu cầu của lãnh đạo DN.

Một nguy cơ khác của việc 2 sổ là chế tài khi các sai phạm bị phơi bày. Theo ông Minh, thuế là một bài toán cụ thể, nhưng bài toán này lại nằm trong tổng thể bức tranh tài chính của DN. “Khi chúng tôi tiếp xúc với các DN, điều chúng tôi thường khuyên DN là làm thế nào để tạo dựng và duy trì một hệ thống tài chính bền vững hơn là việc chỉ lo tối ưu hóa dòng tài chính trong ngắn hạn”, ông Tuấn nói và cho rằng, dù khởi nghiệp hay DN đã bước trên thương trường thì việc tuân thủ chính sách thuế nên được thực thi chuẩn mực.

“DN luôn cần lường trước việc Cơ quan thuế có thể thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế sau 3-5 năm, vì thế DN chỉ nên hướng đến việc tối ưu hóa thuế chứ không nên trốn thuế”, ông Minh chia sẻ.

Giải bài toán tài chính và bài toán thuế với các DN khởi nghiệp là những câu hỏi hóc búa nhất. Giáo sư Eric chia sẻ, Mỹ duy trì mô hình cung cấp vốn và tư vấn đầu tư cho các doanh nhân có khát vọng khởi nghiệp từ một tổ chức có tên “Nhà đầu tư thiên thần”.

Tổ chức này hoạt động phi lợi nhuận, hàng tháng sẽ có cuộc gặp các DN có ý tưởng khởi nghiệp, lắng nghe và giúp đỡ họ về kiến thức, kinh nghiệm và tài chính khi những ý tưởng được đánh giá khả thi cao.

Ông Eric cho rằng, mô hình này rất hữu ích và Việt Nam cũng đang bắt đầu manh nha hình thành sự hỗ trợ này thông qua mạng lưới doanh nhân thành đạt được kết nối giữa TP. HCM và Hà Nội. Cùng với tổ chức “Nhà đầu tư thiên thần”, nước Mỹ có hệ thống “Vườn ươm khởi nghiệp”.

Các mô hình vườn ươm này thường kết nối với một trường đại học lớn, ý tưởng từ những doanh nghiệp trẻ sẽ được thẩm định, tư vấn tại trường để sàng lọc trước khi bắt tay vào thực hiện.

Tại Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, khối DN khởi nghiệp chính là nguồn động lực cho cộng đồng DN phát triển. Tuy nhiên, làm thế nào để giúp DN trả lời được các câu hỏi cụ thể để từng bước đi lên là vấn đề mà nhiều doanh nhân thành đạt và những người có tâm huyết với sự phát triển chung đang đặt ra.

Một trong những câu danh ngôn được nhiều doanh nhân nhắc nhớ là: “Về cơ bản, có ba loại người: người không thành công, người thành công trong chốc lát và người thành công bền vững. Sự khác biệt nằm ở nghị lực”. Với các doanh nhân khởi nghiệp, bí quyết của thành công là hãy bắt đầu. Bí quyết để bắt đầu là chia nhỏ các công việc nặng nề, phức tạp thành những việc nhỏ dễ quản lý hơn, rồi bắt đầu bằng việc đầu tiên.

Tin bài liên quan