Unifarm đã phát triển được gần 150 ha trồng rau quả, cây cảnh, dược liệu... với năng suất cao tính đến tháng 8.2013.

Unifarm đã phát triển được gần 150 ha trồng rau quả, cây cảnh, dược liệu... với năng suất cao tính đến tháng 8.2013.

Xem Unifarm làm nông

Tập trung vào nhóm các giải pháp là cách mạng về kỹ thuật nông nghiệp, phát triển tiềm lực con người và phổ biến tiêu chuẩn Global GAP là thành công bước đầu của Unifarm về một mô hình nông nghiệp hiện đại tại Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Alan Phan cho rằng có hai ngành nghề mà ông tin là Việt Nam có thể dẫn đầu tại ASEAN nếu biết phát triển đồng bộ và sáng tạo. Thứ nhất là nông nghiệp công nghệ cao và thứ hai là công nghệ thông tin.

 

Theo ông Alan, với nông nghiệp công nghệ cao, để thành công thì bước đầu cần phải tạo ra những sản phẩm xanh, sạch, an toàn được đảm bảo bởi những cơ quan kiểm phẩm lớn trên thế giới. Bước thứ hai là giáo dục huấn luyện cho nông dân những công nghệ mới, những quy trình dùng công nghệ thông tin để điều hòa và tiếp liệu, sử dụng đội ngũ tiếp thị trẻ và nhạy bén để tạo nên một làn sóng thay đổi bộ mặt của nông thủy sản Việt Nam.

 

Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I (Unifarm) là một trong những trường hợp hiếm hoi đang làm được những điều như ông Alan nói.

 

Năm 2008, khi tỉnh Bình Dương chú trọng phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, đô thị, ông Mai Hữu Tín, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư U&I, lại xin Bình Dương đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Mặc dù xác định là đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với chiến lược kêu gọi của tỉnh Bình Dương, nhưng nhiều người vẫn mơ hồ về nông nghiệp công nghệ cao và không dám tin tưởng vào sự thành công của mô hình này.

 

5 năm sau, những cánh đồng rau, hoa quả với hiệu quả kinh tế cao tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái, huyện Phú Giáo của Unifarm đang dần thay thế những cánh đồng khoai mì và tre lấy măng có giá trị kinh tế thấp. Tính đến tháng 8.2013, Unifarm đã phát triển gần 150 ha trồng rau, quả, cây cảnh, dược liệu... với năng suất rất cao (dự án An Thái có tổng diện tích 466,7 ha). Sản phẩm của Unifarm đều đạt chứng nhận tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu - Global GAP.

 

Unifarm đã tạo ra nhiều mô hình cho thu nhập vượt trội so với những loại cây trồng khác tại địa phương như cao su, mía... Mô hình trồng dưa và ớt chuông bên trong nhà kính - nhà lưới, chẳng hạn, cho doanh thu 600 triệu đồng/ha/vụ và lãi 350 triệu đồng/ha/vụ.

 

Xem Unifarm làm nông ảnh 1Doanh thu ớt chuông và cà tím

 

Công ty không chỉ đưa rau quả sạch vào các siêu thị lớn như Metro, Co.op Mart, Big C mà từ năm 2012 đã ký thỏa thuận cung cấp cà tím, đậu bắp và một số mặt hàng khác để Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải xuất sang Nhật.

 

Có thể coi đó là thành công bước đầu của một mô hình nông nghiệp hiện đại - điều không hề dễ dàng ở Việt Nam . Vậy Unifarm đã làm như thế nào?

 

“Chúng tôi đã quyết định tập trung vào nhóm các giải pháp là cách mạng về kỹ thuật nông nghiệp, phát triển tiềm lực con người và phổ biến tiêu chuẩn Global GAP”, ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Unifarm, nói.

 

Unifarm đã nghiên cứu, áp dụng và phát triển các kỹ thuật canh tác mới của thế giới, đặc biệt là chuyển giao công nghệ từ Israel, nước được mệnh danh là “thung lũng Silicon” của thế giới trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghệ nước. Từ đầu năm 2010, Unifarm đã ký hợp đồng với Sade & Vegh, một công ty sản xuất rau sạch đạt tiêu chuẩn Global GAP và Organil hàng đầu của Israel, để chuyển giao công nghệ trồng trọt.

 

Unifarm cũng mời các chuyên gia trong nước và nước ngoài có kinh nghiệm trong việc trồng trọt cây ăn trái và hoa màu theo tiêu chuẩn Global GAP để quản lý nông trại, đào tạo ban giám đốc, kỹ sư và công nhân. “Tất cả mọi thứ cần làm, chúng tôi luôn làm ngay từ đầu theo tiêu chuẩn Global GAP”, ông Liêm nói.

 

Tiêu chuẩn này không chỉ được Unifarm phổ biến trong Công ty mà còn được giới thiệu cho những người có quan tâm đến nông nghiệp. Ông Liêm cho biết Unifarm đang đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật và công nghệ trồng trọt cho các trang trại và nông hộ trong khu vực để hình thành một vùng nông nghiệp lớn của Bình Dương với thương hiệu Unifarm.

 

“Một khi đã xây dựng được vùng nguyên liệu, chúng tôi sẽ tập trung vào việc đầu tư nhà máy để thu mua nguyên liệu, chế biến - xuất khẩu, góp phần tạo giá trị gia tăng cho hàng nông sản Việt Nam”, ông nói.

 

Việc liên kết với nông dân để tăng tính quy mô trong sản xuất nông nghiệp đã được nhiều doanh nghiệp làm, nhưng rất ít người thành công do không kiểm soát được chất lượng sản phẩm cũng như không thay đổi được cách làm việc manh mún của nông dân. “Chúng tôi có cách làm riêng của mình”, ông nói.

 

Cách làm riêng đó là mở trung tâm đào tạo nghề nông cho trang trại và nông hộ. Tại đây, ngoài vấn đề về kỹ thuật trồng trọt thì ý thức sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao để tạo ra sản phẩm chất lượng là vấn đề mà trung tâm sẽ hướng đến cho học viên.

 

Với những hoạt động này, ông Liêm cho rằng dù hiện tại không có nhiều nông trại ở Việt Nam được công nhận chứng chỉ Global GAP, nhưng theo thời gian, ngày càng có nhiều người quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo tiêu chuẩn này.