Xét xử vụ án liên quan ông Trần Bắc Hà: Sợ cách chức, lãnh đạo ngân hàng phải giải ngân

Xét xử vụ án liên quan ông Trần Bắc Hà: Sợ cách chức, lãnh đạo ngân hàng phải giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trước tòa, bị cáo Trần Lục Lang khai đã đề nghị tăng vốn tự có, bổ sung tài sản bảo đảm đối với Công ty Bình Hà nhưng ông Trần Bắc Hà không đồng ý, dọa cách chức.

Cuối giờ chiều ngày 26/10, phiên tòa xét xử vụ án thất thoát hơn 1.600 tỷ đồng liên quan ông Trần Bắc Hà bắt đầu phần thẩm vấn.

HĐXX đã hỏi bị cáo Trần Lục Lang, nguyên Phó Tổng giám đốc BIDV. Bị cáo khai giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc từ 6/2011, từ năm 2013 bị cáo được giao phụ trách mảng quản lý rủi ro.

Đối với khoản vay của Công ty Bình Hà, bị cáo thừa nhận có một phần trách nhiệm. Theo bị cáo, việc cho vay có nhiều bước, nhiều thành phần tham gia. Bị cáo chỉ tham gia một công đoạn trong đó nhưng vai trò mờ nhạt.

Theo lời khai của bị cáo, Tổ thẩm định chung tiến hành thẩm định và có báo cáo thẩm định. Sau đó bộ phận quản lý rủi ro tiến hành phân tích rủi ro của dự án. Bị cáo tham gia sau khi có báo cáo quản lý rủi ro.

Khi nhận được hồ sơ, báo cáo, bị cáo nhận thấy dự án có rủi ro, tài sản bảo đảm thiếu, vốn tự có chưa đủ. Bị cáo yêu cầu bổ sung tài sản bảo đảm, kiểm soát vốn tự có, tránh rủi ro lấy tiền ngân hàng góp vốn. Nhưng ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV (đã mất) không đồng ý.

“Ông Hà nói nếu không thẩm định được thì cách chức” – bị cáo Trần Lục Lang khai.

Do đó, bị cáo chỉ trình báo cáo lên HĐQT mà không có đề xuất gì. Việc quyết định là của HĐQT, bị cáo chỉ có trách nhiệm trình.

Công ty Bình Hà có 8 lần sửa điều kiện cho vay, bị cáo chỉ thông báo lại cho HĐQT. Bị cáo không đề xuất sửa đổi mà từ chi nhánh đề xuất, Ban quản lý rủi ro cho ý kiến. Bị cáo có ý kiến đồng ý 1 lần.

Cáo trạng truy tố bị cáo Trần Lục Lang đã có hành vi ký phê duyệt các báo cáo đề xuất cấp tín dụng và thay đổi điều kiện cấp tín dụng. Bị cáo đã ký các văn bản chỉ đạo chi nhánh cho vay, giải ngân, sửa đổi 8 lần điều kiện cấp tín dụng, cho công ty Bình Hà hưởng các điều kiện ưu đãi trái quy định gây thiệt hại cho BIDV số tiền 799 tỷ đồng.

Bị cáo Đoàn Ánh Sáng, nguyên Phó Tổng giám đốc BIDV khai bị cáo chịu sức ép của Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà nên phải ký.

“Đáng lẽ bị cáo không phải ký, khi đó bổ nhiệm người mới, không thể vừa ký thẩm định vừa ký Phó Tổng giám đốc nên phân công bị cáo ký”, bị cáo Đoàn Ánh Sáng nói.

Theo bị cáo Đoàn Ánh Sáng, truy tố của cơ quan công tố là đúng. Bị cáo có nhận thấy Công ty Bình Hà chưa đủ điều kiện cho vay. Tuy nhiên ông Hà nói cứ thẩm định theo thực trạng, quyền quyết định là của HĐQT.

Bị cáo Kiều Đình Hòa, nguyên Giám đốc chi nhánh Hà Tĩnh khai tham gia quá trình cho vay từ khâu tiếp nhận hồ sơ. Công ty Bình Hà tiếp xúc với hội sở trước. Hội sở chấp thuận cho vay rồi mới giới thiệu đến chi nhánh.

Bị cáo là một thành viên của Tổ thẩm định nhưng không tham gia thực tế, chỉ ký vào đuôi vào báo cáo, bị cáo không biết nội dung phía trên là gì.

“Bị cáo vô tình phạm tội, không phải cố ý. Bị cáo tin vào cấp trên, đây là dự án lớn, chi nhánh chưa bao giờ được tiếp xúc", bị cáo Hòa nói.

Bị cáo Kiều Đình Hòa khai, quá trình giải ngân, vay vốn chi nhánh phát hiện một số vướng mắc của khách hàng nên ngừng giải ngân.

Nhưng Công ty Bình Hà đã phản ứng gửi đơn lên ông Trần Bắc Hà. Ông Hà đòi cách chức giám đốc, yêu cầu chi nhánh hỗ trợ khách hàng. Do bị sức ép nên chi nhánh đề nghị Hội sở quyết định đổi một số điều kiện về hồ sơ pháp lý, tỷ lệ vốn tự có...

Tin bài liên quan