Nhu cầu tiêu thụ nhóm hàng nông sản, thủy sản trong 3 tháng cuối năm dự kiến đạt 3,05 tỷ USD.

Nhu cầu tiêu thụ nhóm hàng nông sản, thủy sản trong 3 tháng cuối năm dự kiến đạt 3,05 tỷ USD.

Xuất khẩu gồng mình

(ĐTCK-online) Thông tin từ Vụ Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2009 ước đạt 41,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2008. Quý cuối cùng của năm được dự báo còn không ít khó khăn, đòi hỏi cơ chế ưu đãi mạnh mẽ hơn về chính sách để DN tận dụng cơ hội ở các thị trường hồi phục.

Ước tính đến hết tháng 9, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 3,02 tỷ USD, giảm 9,64% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gạo xuất khẩu đạt gần 5 triệu tấn (tăng 33%), trị giá 2,244 tỷ USD; cà phê đạt 884.000 tấn, trị giá 1,307 tỷ USD; cao su đạt 491.000 tấn, trị giá 734 triệu USD; chè gần 100.000 tấn (tăng 25%), trị giá khoảng 126 triệu USD. Theo Vụ Xuất nhập khẩu, nhu cầu tiêu thụ nhóm hàng nông sản, thủy sản trong 3 tháng cuối năm dự kiến đạt 3,05 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch cả năm lên 12,4 tỷ USD, giảm 5,9% so với năm 2008.

Tuần qua, Bộ Công Thương đã có cuộc họp với các hiệp hội ngành nghề để bàn giải pháp thực hiện mục tiêu xuất khẩu 3 tháng cuối năm. Tại cuộc họp, lãnh đạo Vụ Xuất nhập khẩu cho rằng, cần tìm hướng đẩy mạnh xuất khẩu bằng việc tìm lợi thế ở hiệp định thương mại tự do với các nước. Từ ngày 1/10/2009, Hiệp định kinh tế Việt Nam - Nhật Bản chính thức có hiệu lực, ít nhất 86% hàng nông - lâm - thủy sản của Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế. Việc khai thác các thị trường cũng cần được xúc tiến mạnh hơn như Hàn Quốc, Nga và Trung Đông. Đây là những thị trường tiềm năng của DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam.

Đại diện Vụ Xuất nhập khẩu dẫn chứng, hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa các khối với các nước và giữa Việt Nam với các nước đã có tác động tích cực cho hoạt động xuất khẩu năm 2009, chính các DN cũng nhận thấy rõ điều này khi kim ngạch xuất khẩu cũng như thị trường được mở rộng hơn. Đơn cử như 8 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN - Trung Quốc tăng xấp xỉ 200%; xuất khẩu sang ASEAN - Hàn Quốc tăng 41%; xuất khẩu sang ASEAN - Nhật Bản đạt gần 1,1 tỷ USD. Để giúp DN tận dụng cơ chế mới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các hiệp hội phổ biến lợi ích của FTA với DN.

Về phần mình, các hiệp hội tiếp tục đề xuất cơ chế hỗ trợ. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) bày tỏ, hiện tại nguyên liệu cho các nhà máy chế biến của Việt Nam chỉ đủ 50% công suất. Nếu như thuế nhập khẩu cá và nguyên liệu giảm xuống 0% và được áp dụng ngay thì có thể kéo kim ngạch xuất khẩu thủy sản 3 tháng cuối năm lên. Hiện Trung Quốc cũng đã áp thuế nguyên liệu thủy sản 0% từ lâu.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản cho biết, dù khuyến khích dân trồng rừng, nhưng Nhà nước đánh thuế 10% trên nguyên liệu từ rừng trồng khiến DN gỗ gặp khó khăn. Hiệp hội đã có kiến nghị, nhưng cơ quan nhà nước chậm trễ giải quyết.

Trước những kết quả đã và dự kiến sẽ đạt được trong năm 2009, Bộ Công Thương đã đưa ra một số kế hoạch cơ bản cho hoạt động của ngành trong năm 2010. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng từ 6% trở lên, đạt 62,54 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu là 75 tỷ USD.

Bộ Công Thương chủ trương chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh các mặt hàng có giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao như dệt may, giày dép, đồ gỗ, linh kiện điện tử, sản phẩm nhựa... Tận dụng tốt hơn lợi thế từ các hiệp định thương mại, nhất là thị trường Nhật Bản và các nước trong khu vực, gắn thị trường xuất khẩu với nhập khẩu. Thông qua đó đẩy mạnh xuất khẩu, giảm nhập siêu ở các thị trường hiện có mức nhập siêu lớn (nhất là Trung Quốc). Triển khai hệ thống cảnh báo sớm đối với một số thị trường có nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng hóa xuất khẩu, đồng thời chủ động tham gia giải trình, vận động hành lang để giải quyết các vụ kiện nước ngoài.

Ngoài ra, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, củng cố thị trường truyền thống, chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường mới, đối tác mới (trong đó có Lào, Campuchia)… Trong năm 2010, dự kiến sẽ có trên 200 đề án xúc tiến thương mại được phê duyệt, với kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ là 250 tỷ đồng, tăng 45% so với thực hiện năm 2009.