Xuất khẩu đã bắt đầu những chuyển biến tích cực từ tháng 5 đến nay.

Xuất khẩu đã bắt đầu những chuyển biến tích cực từ tháng 5 đến nay.

Xuất khẩu khó về đích

(ĐTCK-online) Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra nhận định, với mức tăng trưởng âm (-) 10,1% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ, trong khi thương mại thế giới tuy được cải thiện nhưng vẫn trong tình trạng giảm sút, để có tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 3% như chỉ tiêu Quốc hội thông qua thì 6 tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu phải tăng khoảng 16%. Đây là điều khó có khả năng đạt được.

Tổng hợp từ các bộ, ngành cho thấy, xuất khẩu đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực từ tháng 5 đến nay. Với những tín hiệu sáng sủa ban đầu của kinh tế thế giới, cùng với việc mở lại thị trường xuất khẩu thủy sản sang Liên bang Nga và Braxin, mở thêm một số thị trường mới và phát triển thị trường cũ như: xuất khẩu gạo sang châu Phi, xuất khẩu gỗ sang Trung Đông và châu Phi, xuất khẩu sản phẩm dệt may sang Trung Đông, Nga và Nam Phi..., tình hình xuất khẩu dự kiến sẽ được cải thiện. Một số mặt hàng xuất khẩu như nông, lâm, thủy sản..., đang có chiều hướng gia tăng cả về lượng và giá. Các mặt hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử…, có khả năng tăng trưởng trong những tháng cuối năm do nhu cầu thị trường và giá cả tăng lên. Giá dầu thô, một mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn, từ mức dưới 30 USD/thùng, nay đã tăng lên tới khoảng 70 USD/thùng và có thể còn tăng cao hơn cùng với sự phục hồi kinh tế thế giới và nhu cầu nhiên liệu tăng thêm vào cuối năm.

Dựa trên các số liệu tổng hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2009 dự kiến đạt khoảng 62,7 tỷ USD, tương đương với năm 2008. Tuy nhiên, trước những dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2009 có thể đạt 64,55 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2008, Bộ cho rằng, khả năng này khó đạt được. Ở thời điểm hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của nhiều nước trên thế giới giảm sút, dẫn đến hầu hết quốc gia đều thực hiện các chính sách khuyến khích xuất khẩu, nhất là những nước trong khu vực có các mặt hàng tương tự như Việt Nam; đồng thời gia tăng bảo hộ mậu dịch, kể cả ở một số nước lớn, làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Hữu Hào cho biết, xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2009 giảm sút chủ yếu do giá xuất khẩu giảm mạnh, dù lượng hàng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước. Riêng về xuất khẩu gạo, nếu sản lượng trong nước năm nay đạt 10 triệu tấn, Chính phủ và Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xem xét cho xuất khẩu thêm 1 - 2 triệu tấn nữa, bù vào lượng kim ngạch thiếu hụt do giá thấp.

Tuy nhiên, theo ông Hào, để xuất khẩu tăng trưởng 3% như mục tiêu đề ra trong năm 2009 là rất khó. Kể cả kim ngạch xuất khẩu 2009 đạt trên 62 tỷ USD như năm 2008 đã là rất thành công trong lúc tình hình thị trường xuất khẩu vẫn còn rất khó khăn, do nhiều nước chưa vượt qua đáy khủng khoảng, nhu cầu tiêu dùng vẫn thấp. Hơn nữa, việc không đạt tăng trưởng xuất khẩu 3% cũng không ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng GDP 5% trong năm nay.

Để tăng kim ngạch xuất khẩu cuối quý III, quý IV, giải pháp chủ lực được đưa ra vẫn là tập trung thúc đẩy hoạt động xúc tiến thương mại theo phương thức hỗ trợ trực tiếp cho các mặt hàng và hợp đồng xuất khẩu lớn, quan tâm đến các thị trường lớn, truyền thống và các thị trường tiềm năng như Bắc Phi, Trung Đông, Mỹ - La tinh ở cả cấp Chính phủ và DN. Đặc biệt, một số giải pháp được đề cập là điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ theo hướng có lợi cho xuất khẩu; tiếp tục xem xét giãn thời gian nộp thuế nhập khẩu các mặt hàng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu, tạo điều kiện cho DN giảm chi phí sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa.

Nhu cầu nhập khẩu trong các tháng tới có thể tăng lên khi các biện pháp hỗ trợ sản xuất phát huy tác dụng. Kim ngạch nhập khẩu năm 2009 có thể vào khoảng 73 tỷ USD, giảm 9,5% so với năm 2008. Dự báo nhập siêu năm 2009 khoảng 10,3 tỷ USD, tương đương với khoảng 16,4% kim ngạch xuất khẩu.

Tại cuộc họp giao ban mới đây của Sở Công Thương Hà Nội, sự khó khăn của các ngành hàng xuất khẩu trong những tháng cuối năm vẫn được nhiều DN đề cập. Theo đó, dù kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, song các đối tác nước ngoài vẫn khá dè dặt với những đơn hàng do các DN Việt Nam cung cấp. Để tháo gỡ khó khăn, các DN kiến nghị sớm sửa đổi cách tính giá điện giờ cao điểm; cải cách hành chính, nhất là việc tiếp nhận và giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của DN... liên quan đến các thủ tục xuất khẩu hàng hóa.       

Dự kiến kết quả thực hiện một số chỉ tiêu

STT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Chỉ tiêu Quốc hội

Ước thực hiện  2009

1.  

Tổng sản phẩm trong nước (GDP)

%

5,0

5,0 - 5,5

2.  

Tổng kim ngạch xuất khẩu

%

3

Khoảng 0%

3.  

Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP

%

39,5

41,5

4.  

Chỉ số giá tiêu dùng

%

<10

<10