Xung đột Nga - Ukraine: Biến số mới của nền kinh tế

Xung đột Nga - Ukraine có thể là một biến số mới, ảnh hưởng tới xu hướng phục hồi của nền kinh tế.
Nếu cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến nguồn cung dầu khí bị ngắt quãng, giá dầu tăng cao thì sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Nếu cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến nguồn cung dầu khí bị ngắt quãng, giá dầu tăng cao thì sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Tiếp tục xu hướng phục hồi

Không quá khó để nhận ra xu hướng phục hồi của nền kinh tế thông qua số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm mà Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố.

Dễ thấy nhất là thương mại hàng hóa vẫn tiếp tục xu hướng tích cực. Chỉ sau 2 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã vượt mốc 100 tỷ USD, ước đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.

“Triển vọng xuất khẩu của Việt Nam rất tích cực, khi nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam đang phục hồi kinh tế và nhiều quốc gia cũng vẫn thực hiện các gói kích thích kinh tế. Khi nhu cầu thị trường tăng lên, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực”, đại diện Bộ Công thương đã nói như vậy tại cuộc họp của Tổ công tác điều hành vĩ mô 1317 vào sáng 28/2.

Thậm chí, khá lạc quan, vị này cho rằng, không chỉ xuất khẩu, mà cả sản xuất công nghiệp cũng có nhiều triển vọng tích cực khi cầu nội địa phục hồi, thu nhập của người dân được cải thiện sau khi trở lại làm việc bình thường. “Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đang thực hiện cũng sẽ tác động tích cực tới tất cả các lĩnh vực”, vị này nói.

Đúng là sản xuất công nghiệp đang trong xu thế phục hồi. Hai tháng đầu năm, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 6,1%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 6,5%... Các chỉ số trên tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm ngoái, IIP chung tăng 6,8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 9,4%), song vẫn là con số tích cực.

Đầu năm ngoái, nền kinh tế có đà phục hồi khá mạnh mẽ sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt vào năm 2020. Tuy cuối tháng 1/2021, đợt dịch Covid-19 thứ ba bùng phát, song chưa tác động nhiều tới sản xuất, xuất khẩu của 2 tháng đầu năm. Còn năm nay, sản xuất công nghiệp chưa thể phục hồi mạnh mẽ do tác động của đợt dịch Covid-19 thứ tư vẫn còn khá nặng nề.

Mặc dù vậy, Tổng cục Thống kê cho rằng, những giải pháp, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ thời gian qua đã tạo sự yên tâm, tin tưởng cho cộng đồng doanh nghiệp. Cũng vì thế, trong 2 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường đã tăng tới 46,2% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính riêng số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 22.300 doanh nghiệp, thì mức tăng lên tới 102,5%.

Cũng nhờ trạng thái “bình thường mới” đã được thiết lập, nên không chỉ sản xuất - kinh doanh phục hồi, mà đầu tư công cũng được cải thiện. Hai tháng qua, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 46.300 tỷ đồng, bằng 8,8% kế hoạch năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 8% và tăng 13,6%). Kết quả này sẽ đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế năm 2022.

Biến số mới của nền kinh tế

Xu hướng của nền kinh tế là tích cực, song những thách thức phía trước vẫn còn rất lớn. Và thách thức này không chỉ đến từ biến số vẫn được nhắc tới lâu nay - là dịch Covid-19 - vẫn đang diễn biến phức tạp, mà còn vì một biến số mới vừa xuất hiện: cuộc chiến Nga - Ukraine.

“Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine sẽ ảnh hướng lớn tới kinh tế toàn cầu và cả kinh tế Việt Nam”, ông Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia nói.

Theo ông Khôi, dù có thể không ảnh hưởng trực tiếp, nhưng những ảnh hưởng gián tiếp của cuộc chiến này tới kinh tế Việt Nam là không nhỏ. Chỉ một ví dụ, nếu cuộc chiến khiến nguồn cung dầu khí bị ngắt quãng, giá dầu tăng cao thì ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

“Theo tính toán của chúng tôi, nếu giá dầu ở mức 100 USD/thùng, sẽ làm tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm 0,2%. Nếu giá dầu ở mức 140 USD/thùng, mức giảm có thể lên tới 0,4%. Mà đây mới chỉ là kịch bản đối với giá dầu, còn nhiều tác động khác liên quan tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu, tới các chuỗi cung ứng hàng hóa, thị trường tài chính toàn cầu...”, ông Khôi nói.

Tất nhiên, tác động của biến số này đến đâu còn phụ thuộc vào những căng thẳng trong xung đột Nga - Ukraine, xung đột chính trị toàn cầu. Trong bối cảnh rủi ro tăng trưởng chậm lại đang hiện hữu, thì cuộc chiến này, có thể nói, sẽ “bồi” thêm một đòn cho kinh tế toàn cầu, vốn đang chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19. Kinh tế Việt Nam theo đó sẽ bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, điều khiến không ít chuyên gia kinh tế quan tâm, đó là trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng hiện nay, Việt Nam có giữ vững cam kết mở cửa thị trường hay không. Nếu duy trì cam kết mở cửa, thì khả năng đạt mức tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay không phải là quá khó.

“Năm nay, áp lực lớn nhất đối với nền kinh tế chính là giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu giữ được ổn định vĩ mô, đi kèm với mở cửa thị trường, thì đà tăng trưởng sẽ quay trở lại. Năm ngoái, TP.HCM tăng trưởng âm 6,78%, chỉ cần đầu tàu kinh tế này hồi phục, thì tăng trưởng chung của nền kinh tế đã tích cực hơn”, ông Đặng Đức Anh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói.

Không chỉ phụ thuộc vào biến số mới, trên thực tế, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô cũng vẫn cho thấy tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn. Một trong số đó là sức cầu của nền kinh tế vẫn chưa hồi phục mạnh mẽ.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 2 tháng đầu năm nay chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì giảm 0,3% (cùng kỳ năm 2021 tăng 0,7%). Bên cạnh đó, nhập siêu đã quay trở lại, với con số của tháng 2 ước tính là 2,34 tỷ USD, tính chung 2 tháng là 937 triệu USD.

Và ngay cả khu vực doanh nghiệp, dù con số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là tích cực, song thực tế 2 tháng qua, vẫn có 32.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 51,3% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, còn có 8.900 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 6,3% và gần 3.300 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 9,4%. Như vậy, bình quân một tháng vẫn có 22.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Một chỉ số khác có thể viện dẫn để chứng minh cho xu hướng phục hồi của nền kinh tế, đó là thu ngân sách 2 tháng đầu năm đạt 323.800 tỷ đồng, bằng 22,9% dự toán năm và tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. “Theo tiến độ dự toán, sau 2 tháng chỉ cần thu được 17%, nhưng nay đã thu được 22,9%. Đây là con số tích cực. Năm nay, chúng ta có nhiều dư địa để tăng thu”, Bộ Tài chính cho biết.

Tin bài liên quan