Nền kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều bứt phá trong năm 2017

Nền kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều bứt phá trong năm 2017

2018, “lượng và chất” nền kinh tế sẽ song hành

(ĐTCK) Đánh giá cao về những chuyển biến của nền kinh tế trong năm 2017, nhất là sự tăng trưởng của chỉ số VN-Index, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu tin tưởng rằng, năm 2018, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước tiến ngoạn mục cả về chất và lượng. 

Gần đây, theo phương án cổ phần hóa và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước đã được Chính phủ phê duyệt, quy định tỷ lệ bán cho đối tác chiến lược là khá cao, tối thiểu 49%. Ông đánh giá thế nào về quy định này?

Việc Nhà nước tăng tỷ lệ bán cho nhà đầu tư chiến lược, theo đánh giá của cá nhân tôi, là rất quan trọng. Bởi, nhà đầu tư nhỏ lẻ khi mua cổ phiếu chủ yếu là để tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn, nên thường xuyên mua đi-bán lại, nhất là khi thị trường biến động. Điều này không chỉ ảnh hưởng kém tích cực đến giá cổ phiếu, mà còn tới hoạt động của doanh nghiệp.

Trong khi đó, với nhà đầu tư chiến lược, họ thường đồng hành lâu dài cùng doanh nghiệp, từ 5-10 năm. Hơn nữa, nhà đầu tư chiến lược thường có tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu lớn, có thể tạo sự ổn định về giá cổ phiếu. Điều này có lợi cho các nhà đầu tư, cũng như sự phát triển của doanh nghiệp.

Còn về đề xuất gia tăng tỷ lệ bán ra công chúng thì sao, thưa ông?

Doanh nghiệp nào phục vụ đại chúng cũng cần sự ủng hộ của đại chúng. Bởi vậy, Chính phủ nên dành một tỷ lệ cổ phần đáng kể cho người dân. Do đó, bên cạnh việc bán lớn cho nhà đầu tư chiến lược, cũng nên dành tỷ lệ đáng kể cho nhà đầu tư nhỏ lẻ, dân chúng và người lao động trong doanh nghiệp.

Mặc dù đã rốt ráo thoái vốn trong thời gian qua, nhưng hiện tại, tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp vẫn còn rất lớn. Tôi cho rằng, Nhà nước cần thoái vốn mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, có thể giảm sở hữu xuống 10% tại các doanh nghiệp. Với tỷ lệ này, Nhà nước vừa giữ vị thế cổ đông lớn, vừa cho thấy mình không can thiệp sâu vào doanh nghiệp.

Liên quan đến nhà đầu tư chiến lược, có quan điểm cho rằng, nhà đầu tư chiến lược phải là nhà đầu tư có cùng ngành nghề lõi với doanh nghiệp, nhưng cũng có ý kiến ngược lại vì cho rằng, các tập đoàn lớn thường có màu sắc đa ngành. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Theo tôi, tùy từng trường hợp cụ thể mà đưa ra nhận định. Chẳng hạn, đối với Lọc hóa dầu Bình Sơn, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lọc hóa dầu, thì nhà đầu tư chiến lược nên là các đơn vị hoạt động trong cùng ngành và cần là những công ty hóa dầu hàng đầu thế giới, bởi họ có công nghệ hiện đại, trình độ quản trị chuyên nghiệp và năng lực tài chính tốt, chứ không nên là các nhà đầu tư tài chính, đầu tư vì cổ tức cao hay giá cổ phiếu lên…

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu 

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp gặp sai lầm khi chọn đối tác chiến lược và tụt lùi sau cổ phần hóa. Tất nhiên, có nhiều lý do khiến doanh nghiệp tụt hậu, nhưng khi chọn sai nhà đầu tư sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Bởi khi nhà đầu tư chiến lược vì lý do nào đó muốn rút vốn khỏi doanh nghiệp, với lượng lớn cổ phiếu được bán ra ồ ạt sẽ dễ tạo cảm giác nhà đầu tư đang thất vọng về doanh nghiệp, về thị trường Việt Nam. Khi ấy, sự thay đổi cổ đông không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp, mà có thể tới cả nền kinh tế. Các cổ đông khác cũng sẽ chịu thiệt hại vì giá cổ phiếu có thể lao dốc nhanh.

Nói tóm lại, với mỗi trường hợp đặc thù có thể có những câu chuyện khác nhau, nhưng nhà đầu chiến lược phải hiểu được doanh nghiệp, có thị trường để giúp doanh nghiệp phát triển và vươn ra thế giới, đặc biệt là có uy tín, năng lực tài chính và đồng hành lâu dài với doanh nghiệp.

Thực tế thoái vốn, cổ phần hóa đang cho thấy có những chiêu thức lách room được sử dụng để nhà đầu tư ngoại mua được số lượng cổ phần đủ để chi phối doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông, chúng ta cần chấp nhận cuộc chơi và cởi mở hơn, hay nên siết chặt lại?

Tôi cho rằng, chúng ta nên chấp nhận cuộc chơi. Trong bối cảnh hiện tại, tôi không nghĩ giới hạn tỷ lệ đầu tư là hợp lý. Chúng ta cần sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, bởi họ không chỉ bỏ tiền, mà còn là công nghệ quản trị, nên cần mạnh dạn với họ.

Một khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, họ cũng nằm trong sự kiểm soát của pháp luật Việt Nam, nên không dễ để họ có thể lũng đoạn thị trường, khuynh đảo hoạt động của doanh nghiệp. Bởi thế, tôi cho rằng, nên có tư duy mở với hầu hết ngành nghề, trừ một số lĩnh vực đặc biệt như an ninh quốc phòng và an sinh xã hội.

Thực tế cho thấy, kinh tế Việt Nam đã ghi nhận nhiều bứt phá trong năm 2017. Theo ông, đâu là điểm nhấn chính?

Tôi cho rằng, điểm ấn tượng nhất là nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới. Việc tổ chức thành công Hội nghị APEC 2017 đã chứng tỏ vị thế của Việt nam ngày càng quan trọng hơn trên trường quốc tế. Một điểm nhấn nữa đến từ kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, đưa Việt Nam từ nước nhập siêu năm 2016, trở thành xuất siêu năm 2017.

Tôi tin rằng, trong thời gian tới, sự hội nhập kinh tế Việt Nam với toàn cầu sẽ ngày một sâu rộng hơn, đưa vị thế của Việt Nam trong mậu dịch thế giới càng ngày càng tăng.

Trong lĩnh vực tài chính, điều khiến tôi bất ngờ nhất là đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán. Vào đầu năm, theo dự báo của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu, chỉ số VN-Index “căng lắm” cũng chỉ đạt 800 điểm, nhưng kết thúc năm đã lên tới 984,24 điểm, tức tăng tới hơn 48% so với cuối năm 2016 (664,87 điểm). Có thể, mốc 1.000 điểm sẽ sớm được phá và các kỷ lục mới sẽ được xác lập.

Bên cạnh đó còn phải kể tới nhiều thống kê ấn tượng khác như giá trị giao dịch bình quân phiên trong năm 2017 cũng tăng trên 63% so với năm 2016, đạt khoảng 5.000 tỷ đồng/phiên, vốn hóa thị trường chứng khoán chiếm khoảng 75% GDP, tổng giá trị mua ròng của khối ngoại trong năm đạt hơn 1,2 tỷ USD…

Còn về hạn chế thì sao, thưa ông?

Theo tôi, điểm tồn tại đáng kể nhất là nền kinh tế Việt Nam chưa được quốc tế công nhận là nền kinh tế thị trường. Theo đánh giá của Moody, Ficht & Rating và Standard & Poor, cả 3 hãng đánh giá tín nhiệm uy tín này đều cho rằng, nền kinh tế Việt Nam còn mang tính đầu cơ, chưa thực sự khuyến khích đầu tư. Chúng ta phải cải thiện điều này trong thời gian tới. Một khi điểm tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được nâng lên, dòng vốn đầu tư ngoài nước ắt sẽ gia tăng mạnh hơn nữa.

Thống kê cho thấy, tăng trưởng vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam năm 2017 rất tích cực, ước đạt 40%. Tuy nhiên, Việt Nam mới thu hút mạnh đầu tư từ khu vực châu Á, trong khi các khu vực khác như Mỹ và châu Âu còn khá yếu, đặc biệt khi đây là 2 thị trường xuất khẩu lớn của doanh nghiệp Việt. Do đó, chúng ta cũng cần chú trọng tìm kiếm các nhà đầu tư đến từ châu Âu và Mỹ.

Năm 2018, ông mong chờ điều gì với nền kinh tế Việt Nam?

Kỳ vọng rằng, kinh tế Việt Nam trong năm 2018 tiếp tục tăng trưởng và mục tiêu GDP tăng 6,5-6,7% có thể đạt được. Bên cạnh đó, đời sống của người dân phải được tăng cao, không chỉ là sự tăng trưởng về số học, mà là chất lượng đời sống, y tế, thực phẩm, môi trường, chăm sóc sức khỏe và thu nhập của người lao động được cải thiện.

Tin bài liên quan