Hầu hết NĐT cá nhân chỉ có thể tiếp cận thông tin qua con đường chính thống.

Hầu hết NĐT cá nhân chỉ có thể tiếp cận thông tin qua con đường chính thống.

3 góp ý để xóa khoảng cách thông tin từ DN ra công chúng

Trong thời gian vừa qua, bản thân tôi cũng rất ngạc nhiên khi công bố thông tin (CBTT) không đồng nhất giữa HOSE, doanh nghiệp và một số trang thông tin.

Cụ thể, trên 1 trang điện tử (không phải báo điện tử), ngày 30/7/2009 đã có thông tin về BCTC hợp nhất quý II của cổ phiếu PVT (báo cáo này được ký ngày 24/7/2009). Tuy nhiên, BCTC hợp nhất quý II này đến tận ngày 4/8/2009, mới thấy đăng trên website của HOSE và sang đến ngày 6/8/2009, mới đăng lên website của DN.

TIN LIÊN QUAN

* Sẽ xóa khoảng cách thông tin từ DN ra công chúng

* Vì sự minh bạch: 3 yêu cầu cần làm ngay!

Một câu hỏi đặt ra là, khoảng thời gian lên tới 11 ngày kể từ khi có thông tin đến khi được công bố chính thức trên Sở như vậy có phải là hợp lý? Và tại sao lại có chuyện trang thông tin điện tử kia (không phải là báo điện tử nên không thể coi là kênh  đăng CBTT ra công chúng hợp pháp) lại đăng tải thông tin quan trọng về DN trước 5 ngày (tương đương 3 ngày giao dịch) so với thông tin công bố chính thức, vậy tính công bằng về việc CBTT cho NĐT có đảm bảo?

Vừa qua, tôi có đọc bài phỏng vấn bà Trần Anh Đào, trong đó có giải thích về quy trình thông tin từ khi Sở tiếp nhận đến khi được công bố vẫn có độ trễ do quy trình xử lý còn mang nặng tính thủ công.  Do đó, theo tôi, nếu DN đã thực hiện việc gửi báo cáo về Sở bằng dữ liệu điện tử, thì Sở nên coi đó là một kênh thông tin chính thống, đồng thời tiến hành xử  lý và CBTT luôn thay vì phải chờ đến khi nhận được văn bản.

Thực tế, với những DN ở gần TP. HCM thì thư từ có thể nhanh hơn, nhưng với một DN ở đầu phía Bắc của Tổ quốc thì thời gian văn bản đến tay Sở chắc chắn không thể dưới 1 ngày. Đã từng xảy ra tình trạng, thư chuyển phát nhanh đi giữa 2 khu phố liền kề mất tới 15 ngày,  vậy với quy trình “chờ văn bản”, liệu NĐT có phải nhận thông tin trễ đến như vậy không?

Để giải quyết tình trạng này, theo cá nhân tôi, DN nên song song gửi dữ liệu CBTT cho NĐT và Sở dưới dạng fax hoặc scan bản cứng để Sở thuận tiện theo dõi và giám sát, kịp thời CBTT, còn NĐT thì được cập nhật thông tin cũng như thuận tiện trong tổng hợp giữ liệu. Văn bản gửi về Sở chỉ nên có tính chất “hậu kiểm” và làm tài liệu lưu trữ, thay vì yếu tố cần có trước khi Sở CBTT.

Bên cạnh việc thay đổi yêu cầu nhận thông tin từ phía DN của Sở, để đảm bảo thông tin DN được thông suốt, tôi nghĩ rằng, kênh thông tin trực tiếp từ DN thông qua website của họ cũng nên được tận dụng tốt hơn.

Một yếu tố thứ ba, theo tôi không kém phần quan trọng để góp phần rút ngắn khoảng thời gian CBTT của DN đó là kênh báo chí, truyền thông đại chúng.

Trong Luật Chứng khoán cũng quy định rõ, nếu việc chào bán cổ phiếu thông qua một trang thông tin đại chúng thì cũng được coi là phát hành qua công chúng, đủ hiểu, các phương tiện thông tin đại chúng có tính phổ cập cao. Mỗi NĐT cá nhân như chúng tôi luôn phải tìm kiếm thông tin trên các báo chuyên sâu như Báo Đầu tư Chứng khoán để có thông tin mới và cập nhật về DN. Tôi nghĩ rằng, nếu DN đồng thời gửi công bố thông tin qua Sở, website của mình và thông tin thông qua báo chí thì NĐT sẽ có nhiều kênh thông tin hơn để tiếp cận với thông tin chính thống. Thêm vào đó, qua báo chí, những thông tin dạng “thô”, còn được xử lý mang tính phản biện, phân tích vấn đề sâu hơn.

Với những suy nghĩ của cá nhân mình, tôi hy vọng cơ quan quản lý thị trường có thể dành thời gian lắng nghe và tiếp nhận, bởi đó là nguyện vọng của nhiều NĐT cá nhân như tôi, những người chỉ có thể tiếp cận thông tin qua con đường chính thống chứ không phải sự quen biết nào.