40% CTCK chưa minh bạch thông tin quý II

40% CTCK chưa minh bạch thông tin quý II

(ĐTCK) Ít nhất trên 40% trong số CTCK phải công bố báo cáo tài chính quý II/2012 trước ngày 21/7 theo quy định tại Thông tư số 52 chưa công bố báo cao.

Theo quy định tại Thông tư số 52/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc công bố thông tin trên TTCK, các công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn (vốn từ 120 tỷ đồng và có 300 cổ đông trở lên) phải công bố báo cáo tài chính quý II/2012 trước ngày 21/7/2012. Tuy nhiên, ít nhất có trên 40% trong số “CTCK phải minh bạch” này chưa công bố báo cáo.

 40% CTCK chưa minh bạch thông tin quý II ảnh 1

Công bố nhanh và chậm

Theo Thông tư 52, báo cáo tài chính quý phải được công bố đầy đủ trên trang thông tin điện tử của công ty và trên phương tiện công bố thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Sở GDCK. Tuy nhiên, theo khảo sát của Đầu tư Chứng khoán đến cuối ngày 20/7 tại website của hơn 100 CTCK, UBCK và hai Sở GDCK, mới chỉ có 27 CTCK thực hiện việc công bố trên.

Tính đến hết ngày 20/7/2012, trên website của UBCK (ssc.gov.vn) mới chỉ có 8 CTCK công bố báo cáo tài chính quý II/2012 là CTCK Sài Gòn Tourist (STSC), CTCK Sài Gòn (SSI), CTCK Xuân Thành (VIX), CTCK Phú Hưng (PHS), CTCK Rồng Việt (VDS), CTCK TP. HCM (HSC), CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS), CTCK FPT.

Trong số 26 CTCK niêm yết trên cả hai sàn, có 24/26 CTCK công bố báo cáo tài chính quý II, 2 CTCK chưa công bố báo cáo là CTCK Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) và CTCK SME.

Trong số 39 CTCP chứng khoán có vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng trở lên (bao gồm cả CTCK đã niêm yết), mới có 22 CTCK công bố báo cáo tài chính quý II. Trong đó, một số CTCK như Thiên Việt (TVS) có gần 900 cổ đông, Thành Công (TCSC) hơn 500 cổ đông, thuộc diện công ty đại chúng quy mô lớn, nhưng cũng chưa công bố. Trừ một số CTCK xác định được có ít hơn 300 cổ đông như Morgan Stanley Hướng Việt (MSG), Tân Việt (TVSI), Bản Việt (VCSC) nên không phải công bố. Còn lại, nhiều CTCK có vốn điều lệ lớn, nhưng không công bố số lượng cổ đông, khiến nhà đầu tư không rõ công ty có phải công bố báo cáo tài chính quý hay không?

Tuy nhiên, cũng có 3 CTCK không thuộc diện bắt buộc phải công bố báo cáo tài chính quý là FPTS, Sài Gòn Tourist (STSC) và Bảo Minh (BMSC) lại đi đầu trong việc công bố.

Trong khối CTCKnói chung, “nhanh nhạy” nhất có lẽ là CTCK Kim Long (KLS) khi đã công bố báo cáo tài chính kiểm toán 6 tháng đầu năm 2012 từ ngày 16/7/2012, trong khi hạn chót phải công bố báo cáo có kiểm toán là ngày 14/8/2012.

 40% CTCK chưa minh bạch thông tin quý II ảnh 2

Chất lượng báo cáo còn yếu

Theo quy định, báo cáo tài chính quý bao gồm bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và bản thuyết minh báo cáo tài chính. Trong đó, bản thuyết minh báo cáo tài chính phải trình bày đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật về kế toán, kèm các phụ lục nếu có. Trường hợp lợi nhuận sau thuế của kỳ công bố so với cùng kỳ năm trước có biến động từ 10% trở lên hoặc kết quả kinh doanh trong quý bị lỗ, tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn phải giải trình rõ nguyên nhân trong báo cáo tài chính quý đó.

Tuy nhiên, ngay cả những công ty công bố báo cáo tài chính quý II/2012 đúng hạn, thì không phải công ty nào cũng công bố đầy đủ thông tin. Đơn cử, CTCK Maritime Bank (MSBS) ra thông tin về “Báo cáo tài chính quý II” rất sớm trên website từ ngày 13/7/2012, nhưng nội dung thông tin chỉ là một phụ lục Tài sản có - Tài sản nợ trong bản báo cáo tài chính. Chính vì vậy, bức tranh tài chính của MSBS chỉ được hé lộ một phần nhỏ, còn lại tất cả vẫn còn là bí ẩn. CTCK Hải Phòng thì thiếu báo cáo lưu chuyển tiền tệ và thuyết minh báo cáo tài chính.

 

Bức tranh lợi nhuận

Theo thống kê của Đầu tư Chứng khoán trên số liệu báo cáo của 27 CTCK, tổng doanh thu trong quý II/2012 mà các công ty này đạt được là 1.650,95 tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu từ hoạt động môi giới đạt 250,48 tỷ đồng, chiếm 15,2% tổng doanh thu. Tổng lợi nhuận trước thuế trong quý II mà các công ty này đạt được là 431,85 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận trước thuế là hơn 997,65 tỷ đồng.

Trong số 27 CTCK này, có 6 công ty bị lỗ trong quý II/2012 là KLS, SHS, TAS, ORS, SVS và PHS. Lũy kế 6 tháng đầu năm, thêm 1 công ty bị lỗ là VIG do thua lỗ nặng từ quý I, mặc dù quý II có lãi gần 20 tỷ đồng, trong khi SHS và KLS vẫn có lãi nhờ lợi nhuận từ quý I.

Mặc dù để mất vị thế số 1 về thị phần môi giới chứng khoán vào tay HSC, nhưng SSI vẫn đứng đầu danh sách các CTCK có lợi nhuận lớn nhất, với 348,42 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Trong khi đó, HSC chỉ đạt 204,22 tỷ đồng lợi nhuận.

Theo một số chuyên gia tài chính, lợi nhuận của các CTCK phần lớn đến từ mảng cung cấp các dịch vụ hỗ trợ tài chính cho nhà đầu tư như giao dịch ký quỹ (margin), chứ không phải là phí môi giới giao dịch chứng khoán. Một số CTCK được hưởng lợi nhờ việc hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán như BVS 24,5 tỷ đồng, VND 52,9 tỷ đồng, nhưng cũng có những CTCK thua lỗ nặng do phải trích lập dự phòng như KLS, SVS, SHS. CTCK PHS giải trình việc quý II/2012 thua lỗ gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ năm trước chủ yếu là do phát sinh khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi lớn (26,4 tỷ đồng).