AAS khởi đầu chu kỳ phát triển mới, đẩy mạnh phát triển khách hàng cá nhân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần chứng khoán SmartInvest (AAS - UPCoM) đang có bước chuyển mình đột phá, đặc biệt là sau khi tăng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng. 

Ông Lê Mạnh Cường, Chủ tịch HĐQT AAS chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán về chiến lược kinh doanh trong chu kỳ phát triển mới.

Xin ông cho biết, vì sao AAS đạt được kết quả lợi nhuận tăng trưởng đột phá trong tháng 7?

Trong tháng 7, Công ty đạt 68,8 tỷ đồng doanh thu. Lợi nhuận trước thuế đạt 30,4 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 24,3 tỷ đồng.

Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, AAS đạt lợi nhuận trước thuế là 37 tỷ đồng, tăng 203% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 29,6 tỷ đồng, tăng 335,2% so với cùng kỳ. So với kế hoạch kinh doanh năm 2021, AAS đã thực hiện đạt 200% kế hoạch doanh thu và 100% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Lợi nhuận tháng 7, cũng như đến cuối năm sẽ tăng trưởng mạnh sau khi Công ty hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng, nâng cao nguồn lực tài chính giúp hoạt động môi giới trái phiếu hiệu quả hơn khi công ty nắm giữ trái phiếu đến ngày nhận lãi.

Trụ sở mới của AAS.

Trụ sở mới của AAS.

Là công ty chứng khoán nhỏ, đi sau, không có ưu thế cạnh tranh về nguồn vốn vay margin với lãi suất thấp so với các công ty chứng khoán lớn khác, AAS làm thế nào để phát triển?

CTCP Chứng khoán Smart Invest tiền thân là CTCP Chứng khoán Gia Anh, được thành lập 26/12/2006 theo quyết định số 38/UBCK-GPKD với số vốn điều lệ ban đầu là 22 tỷ đồng. Năm 2016 công ty tăng vốn lên 310 tỷ đồng và đến năm 2017 được UBCK cấp phép đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán: Môi giới chứng khoán, Tự doanh chứng khoán, Tư vấn và đầu tư chứng khoán, Bảo lãnh phát hành chứng khoán. Bối cảnh lúc đó đặt ra cho HĐQT và Ban lãnh đạo công ty nhiều thách thức.

Thời điểm đó, chúng tôi không có nhiều lựa chọn các phương án kinh doanh. Cách thông thường là tập trung nguồn lực tài chính để lấy thị phần môi giới bằng cách cung cấp đòn bẩy (margin) cao cho các nhà đầu tư và phí hoa hồng cao cho nhân viên môi giới, hoặc một cách khác là tập trung vào nghiệp vụ tự doanh cổ phiếu bằng vốn tự có.

Khi phân tích kỹ lưỡng chúng tôi cho rằng cả hai chiến lược đó đều rất rủi ro. Thứ nhất, nếu tập trung nguồn lực tài chính đẩy mạnh cho vay lấy thị phần chúng tôi sẽ không có lợi nhuận từ hoạt động môi giới và chịu rủi ro từ hoạt động tín dụng với tỷ lệ đòn bẩy cao cho khách hàng. Hoạt động này cũng cần đầu tư lớn vào hạ tầng công nghệ thông tin mới có thể quản trị được rủi ro. Chiến lược này đã được thực tế chứng minh là không hiệu quả trên thị trường trong nhiều năm qua.

Thứ hai, việc tự doanh cổ phiếu sẽ khiến công ty chịu rủi ro theo biến động thị trường và điều này có phần mâu thuẫn với chức năng là một tổ chức tài chính trung gian, cung cấp dịch vụ cho hoạt động của cả bên mua và bên bán.

Thời điểm đó, chúng tôi lựa chọn hướng đi khác biệt là tập trung vào hoạt động ngân hàng đầu tư mà cụ thể là trái phiếu, hưởng lợi nhuận từ trái tức và mua bán chênh lệch giá trái phiếu trên thị trường. Chúng tôi nghĩ rằng đây là bước đi hoàn toàn đúng đắn khi doanh thu của AAS tăng trưởng mạnh và bền vững qua các năm.

Năm 2020, doanh thu đạt 503,4 tỷ đồng, tăng trưởng 273,5% % so với năm 2019. Doanh thu nửa đầu năm 2021 tăng gần 80% so với cùng kỳ, lên 316,5 tỷ đồng. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận lãi lỗ (FVTPL) đóng góp tỷ trọng đến hơn 90% tổng doanh thu, trong đó chủ yếu là các khoản trái tức nhận được. Chúng tôi đã từng bước gia tăng tổng tài sản của mình và đạt con số hơn 1.000 tỷ đồng sau khi tăng vốn vào tháng 7/2021.

AAS vừa hoàn tất quá trình tăng vốn điều lệ lên 800 tỷ thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ. Ông có thể chia sẻ chiến lược kinh doanh mới trong giai đoạn tới?

Tháng 7/2021, AAS phát hành riêng lẻ thành công 49 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 310 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng. Việc tăng vốn giúp AAS tăng quy mô hoạt động, đẩy mạnh phát triển mảng môi giới khách hàng cá nhân, tăng quy mô giao dịch cho nhà đầu tư trái phiếu, bổ sung nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán phái sinh để đón những cơ hội kinh doanh mới cùng sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Dự kiến tháng 9/2021, chúng tôi sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành giải pháp xây dựng hệ thống phần mềm giao dịch chứng khoán Core Securities mới nhằm đáp ứng tiêu chuẩn theo hệ thống phần mềm giao dịch KRX mà HOSE làm đầu mối xây dựng chuẩn bị đưa vào vận hành cuối năm nay.

Với hệ thống công nghệ mới và nguồn lực tài chính được nâng cao, chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển mảng khách hàng cá nhân trong giai đoạn tới. Theo quan điểm của AAS, với quy mô thị trường như hiện tại (giá trị giao dịch từ 800 triệu USD tới 1,2 tỷ USD/phiên), các công ty chứng khoán sẽ có kết quả kinh doanh khả quan nhờ hoạt động môi giới và việc quản trị rủi ro cho vay sẽ không chịu áp lực như thời gian trước.

Chúng tôi đã bắt đầu đẩy mạnh phát triển khách hàng cá nhân trong thời gian qua và đạt được kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Dư nợ margin trong tháng 7 của AAS đã đạt gần 90 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cuối năm ngoái và hệ thống quản trị rủi ro được vận hành một cách trơn tru.

Công ty hiện còn hơn 600 tỷ đồng nguồn vốn sẵn sàng cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng cá nhân. Chúng tôi đã tiếp cận được nguồn vốn từ các định chế tài chính trung gian với lãi suất rất cạnh tranh. Dự kiến, AAS có thể tăng dự nợ cho vay lên 500 tỷ đồng khi Core chứng khoán mới đi vào vận hành và có thể đạt mức 1.600 tỷ đồng trong năm 2022 với các giải pháp phát triển toàn diện.

Với nguồn lực tài chính dồi dào như hiện nay, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh mảng Ngân hàng đầu tư trái phiếu, bổ sung nguồn vốn cho vay margin lãi suất cạnh tranh, tiếp tục mở rộng thị phần môi giới chứng khoán với mục tiêu lọt vào top 10 các công ty chứng khoán có hoạt động kinh doanh trái phiếu và thị phần môi giới chứng khoán lớn nhất thị trường.

Hiện Công ty đã mở văn phòng đại diện tại TP.HCM để từng bước tiếp cận thị trường kinh doanh trái phiếu, khởi đầu bằng việc ký hợp đồng hợp tác với một đối tác kinh doanh bất động sản lớn tại TP.HCM để phát hành và phân phối trái phiếu cho doanh nghiệp này với kỳ vọng có thể tạo ra một tệp khách hàng đủ lớn trong tương lai.

Khi các điều kiện phát triển đã hội tụ đầy đủ, năm 2022 sẽ là năm phát triển vượt bậc của AAS khi các nguồn lực tài chính, công nghệ đã sẵn sàng cho cất cánh.

AAS đã đầu tư xây dựng Tòa nhà văn phòng tại địa chỉ 222 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội và vừa chuyển trụ sở chính về đây. Điều này có ý nghĩa như thế nào trong chặng đường phát triển mới của công ty?

Tháng 5/2021, AAS đã chuyển trụ sở về tòa nhà Smart Invest Tower địa chỉ 222 Nguyễn Lương Bằng, phường Quang Trung, quận Đống Đa, TP. Hà Nội. Tôi nghĩ đây là điểm nhấn đánh dấu bước phát triển mới của Công ty.

Trụ sở mới giúp tăng khả năng nhận diện thương hiệu của Công ty và giúp chúng tôi có thể thu hút thêm nhiều nhân tài tới làm việc trong một môi trường làm việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: chuyên nghiệp, hiện đại, không gian xanh thân thiện với môi trường. Biểu tượng con bò tót làm bằng đồng tại trụ sở mới của công ty như thông điệp mang tới sự may mắn và thịnh vượng cho các khách hàng của AAS.

Tin bài liên quan