Theo nội dung của thỏa thuận hợp tác chiến lược, trong vòng 05 năm, ABBANK và SVF sẽ phối hợp triển khai các dự án hướng đến mục tiêu xây dựng mạng lưới các nguồn lực và triển khai chương trình can thiệp để xây dựng và hình thành một cộng đồng đạt tới 10.000 tác nhân chuyển hóa. Đây là những chủ doanh nghiệp, chuyên gia, người trẻ và những cá nhân có chung động lực sống, làm việc, cống hiến vì một Việt Nam phát triển vươn tầm và bền vững.
Sứ mệnh của dự án hợp tác giữa ABBANK và SVF cũng như của 'cộng đồng tác nhân chuyển hóa' bám sát tinh thần Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, từ đó gia tăng nhận thức về sức mạnh của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh – kinh tế tuần hoàn.
Các hoạt động kiến tạo sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực cá nhân thông qua cung cấp kiến thức, kỹ năng về phát triển xanh, đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ 4.0 trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống; đồng thời tôn vinh và dưỡng trưởng tình yêu, trách nhiệm, sự tự hào đối với các giá trị văn hóa, di sản của dân tộc.
Với việc tập trung đầu tư vào con người, ABBANK và SVF kỳ vọng sẽ nuôi dưỡng và lan tỏa những tư duy xanh – sáng tạo, hành động tích cực cho xã hội và môi trường, đồng thời hướng tới việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản – đặc biệt là di sản làng nghề truyền thống. Sự kết hợp giữa di sản văn hóa và các làng nghề truyền thống tạo nên một nguồn tài nguyên văn hóa vô giá, là nền tảng vững chắc để xây dựng một nền công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển.
Trong khuôn khổ hợp tác, hai bên sẽ cung cấp các hình thức hỗ trợ đa dạng, thúc đẩy các mô hình kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cộng đồng, tạo sinh kế, đóng góp vào sự phát triển chung của Đất nước.
Dự kiến, hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ hợp tác giữa ABBANK và SVF sẽ được khởi động trong quý II/2025 tập trung vào các làng nghề truyền thống tại Huế, nhằm lan tỏa giá trị văn hóa và thúc đẩy kinh tế xanh tại địa phương, góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa công nghiệp và sáng tạo.
Trước đó, công tác thực thi chiến lược phát triển bền vững đã được ABBANK khởi động từ tháng 11/2024 với việc triển khai dự án “Hệ thống Quản lý Môi trường và Xã hội” (Environmental and Social Management System - ESMS) dành riêng cho nghiệp vụ Tài trợ Thương mại.
Tháng 01/2025, ABBANK thành lập Uỷ ban Chiến lược Phát triển bền vững ESG với sự tham gia của các nhân sự cấp cao, có tầm nhìn sâu rộng và giàu kinh nghiệm trong Ban Lãnh đạo Ngân hàng.
Song song, ABBANK cũng để lại nhiều dấu ấn tích cực trên thị trường thông qua rất nhiều các chiến dịch chung tay cùng cộng đồng vì một tương lai Việt Nam phát triển và bền vững: dự án trồng rừng “Xanh An Bình – Xanh Việt Nam” từ năm 2021 - 2025 góp phần chống sạt lở, xói mòn, tạo sinh kế cho người dân; hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi; xây dựng công trình giáo dục trọng điểm cho học sinh vùng cao; đóng góp ngân sách xây nhà cho các đối tượng ưu tiên đặc biệt…