ACB ra mắt AI Bot - ứng dụng trí tuệ nhân tạo thế hệ mới

ACB ra mắt AI Bot - ứng dụng trí tuệ nhân tạo thế hệ mới

ACB: Lợi nhuận tăng trưởng tích cực nhờ đẩy mạnh số hóa

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân ở tốp đầu, Ngân hàng TMPC Á Châu (ACB) luôn giữ vững đà tăng trưởng lợi nhuận bằng việc đẩy mạnh chuyển đối số để gia tăng nguồn thu ngoài lãi, đóng góp tích cực vào lợi nhuận chung của Ngân hàng.

Thu ngoài lãi tăng mạnh

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 vừa công bố, trong 9 tháng đầu năm, hoạt động chính của ACB đem về 17.079 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng như lãi từ dịch vụ tăng 21% (2.599 tỷ đồng), lãi từ hoạt động khác gấp 12 lần (849 tỷ đồng). Đồng thời, ACB được hoàn nhập 180 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng trong kỳ.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng đầu năm 2022 của ACB đạt hơn 13.500 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành hơn 90% kế hoạch cả năm. Theo đó, chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của Ngân hàng tiếp tục nằm trong tốp dẫn đầu thị trường, đạt trên mức 27%.

Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của ACB tăng 6% so với đầu năm, lên mức 561,113 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh 77% (đạt 7.285 tỷ đồng), tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng 37% (đạt 60.017 tỷ đồng), cho vay khách hàng tăng 11% (đạt 402.250 tỷ đồng)… Danh mục tín dụng tập trung chủ yếu vào mảng bán lẻ với tỷ lệ lên đến 94%. Đáng chú ý, 98% các khoản vay đều có tài sản đảm bảo và tỷ lệ LTV (cho vay trên giá trị) bình quân danh mục liên tục duy trì trên 52%. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục được đảm bảo ở mức thấp 1%.

Các tổ chức xếp hàng tín dụng uy tín như Moody’s hay Fitch Ratings đều đánh giá ACB là ngân hàng có chất lượng tài sản vững chắc, nằm trong tốp dẫn đầu về quản trị rủi ro và có mô hình quản lý rủi ro hiệu quả. Theo đánh giá từ Công ty Chứng khoán VNDirect, ACB được biết đến là một ngân hàng có chiến lược kinh doanh “thận trọng” với danh mục đầu tư lành mạnh, không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp và dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ nên ít chịu tác động bởi chính sách kiểm soát chặt trái phiếu doanh nghiệp cũng như tín dụng bất động sản của cơ quan quản lý.

Tính đến hết quý III/2022, tỷ lệ an toàn vốn và tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 riêng lẻ của ACB đạt lần lượt 12% và 12,5%, vượt xa yêu cầu tối thiểu 8% của Ngân hàng Nhà nước, qua đó dự trữ đủ “đệm vốn” an toàn cho hoạt động bình thường cũng như khi thị trường căng thẳng thanh khoản.

ACB hiện nằm trong nhóm các ngân hàng cổ phần tư nhân dẫn đầu thị trường với tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động) đạt mức 83%, đảm bảo tuân thủ tỷ lệ thanh khoản theo quy định, đồng thời được Ngân hàng Nhà nướcxếp hạng cao nhất khi đánh giá theo Phương pháp CAMEL. Ngân hàng tiếp tục triển khai dự án nâng cấp công tác quản trị an toàn vốn theo Basel III (đang được rà soát mức độ tuân thủ bởi bên tư vấn độc lập KPMG), đáp ứng các chuẩn mực quản trị rủi ro quốc tế, đảm bảo lợi ích cao nhất cho khách hàng và cổ đông.

“Trái ngọt” từ đẩy mạnh số hóa

ACB luôn đẩy mạnh các chương trình dành cho khách hàng trên không gian số. Thực tế, được đầu tư nghiêm túc từ nhiều năm trước, nhưng năm 2022 là năm đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ trong cả chiến lược và quá trình thực hiện chuyển đổi số của ACB, nổi bật là sự ra mắt của hệ sinh thái ngân hàng số ACB ONE bao gồm ACB One Biz (dành cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa), ACB One Pro (dành cho khách hàng doanh nghiệp lớn) và ACB One (dành cho khách hàng cá nhân). Trong đó, ACB One đã hoàn thiện 100% hành trình số hóa cho khách hàng, từ mở tài khoản đến thực hiện giao dịch.

Theo đó, khách hàng cá nhân sau khi mở tài khoản trực tuyến (eKYC) có thể ngay lập tức nâng cấp tài khoản qua phương thức định danh Video Call Face Identity. Các dịch vụ gồm chuyển tiền hạn mức 300 triệu đồng/ngày, mở thẻ ghi nợ trực tuyến, gửi tiết kiệm trực tuyến, thanh toán bằng mã QR... Đối với dịch vụ nộp thuế, khách hàng có thể nộp trực tuyến trên ACB One hoặc qua eTax Mobile với ưu đãi miễn phí chuyển tiền liên ngân hàng. Với khách hàng doanh nghiệp, ACB mang đến nhiều gói giải pháp dựa trên các nhu cầu, từ đơn giản đến phức tạp. Đơn cử, ACB One Pro với tính năng phân quyền chuyên sâu, mua bán ngoại tệ tùy biến, phù hợp với doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tập đoàn hoặc sản xuất, phân phối theo chuỗi...

Các gói giải pháp của ACB đều không thu phí, giúp khách hàng giao dịch nhanh chóng, tối ưu chi phí hoạt động như phí vận hành trên không gian số. Đại diện ACB cho biết, mọi kế hoạch đều hướng đến hiệu quả từ góc nhìn khách hàng (customer first strategy). Các sản phẩm, dịch vụ của ACB đều được đầu tư phát triển dựa trên nghiên cứu chuyên sâu về nhu cầu khách hàng, đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng. Kết hợp ứng dụng số đảm bảo giao dịch nhanh chóng, dễ sử dụng và an toàn trên môi trường intrenet. Điều này cũng phù hợp với ý nghĩa của Ngày chuyển đổi số quốc gia (ngày 22/4 hàng năm), góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Mới đây, ACB ra mắt AI Bot - ứng dụng trí tuệ nhân tạo thế hệ mới để chăm sóc khách hàng với khả năng tương tác thông minh, khả năng tự học và phát triển liên tục. AI Bot có khả năng thấu hiểu và nhận diện cảm xúc giúp cho trải nghiệm khách hàng trên không gian số tự nhiên, thân thiện hơn.

Chuyển đổi số ở ACB không chỉ là “số hoá” đơn thuần, mà còn là sự thay đổi về tư duy của mỗi thành viên trong tổ chức. Hơn 12.000 nhân viên của ACB liên tục được tham gia các khóa đào tạo/workshop trải nghiệm các công nghệ tiên tiến, gần đây nhất là sự kiện kích hoạt tài chính 2022 có chủ đề “Digitalization”. Lãnh đạo ACB cho biết, Ngân hàng luôn chủ động cải tiến để phục vụ khách hàng tốt hơn. Việc đầu tư những công nghệ triệu đô là hoàn toàn xứng đáng để mang tới cho khách hàng những trải nghiệm hoàn thiện nhất. ACB đã và đang thay đổi tư duy người lao động và văn hóa nội bộ theo hướng chuyển đổi số, từ đó cùng nhau làm chủ công nghệ và tạo ra những sản phẩm mang lại thành công cho khách hàng. Hạ tầng, dữ liệu và con người phải phát triển đồng thời và kết nối với nhau - đó là phương châm chuyển đổi số của ACB.

Những quy trình vận hành nội bộ ACB cũng được thay đổi theo hướng tự động hoá như tái cấu trúc quy trình tại kênh phân phân phối, tự động thiết lập biểu mẫu giao dịch, tự động hóa quản lý hồ sơ tài sản… Từ đó, có thể thấy được rằng, chính việc có một chiến lược đúng đắn khi đồng bộ trong hạ tầng, dữ liệu và con người giúp ACB kiên định với định hướng dẫn đầu về trải nghiệm khách hàng, duy trì tăng trưởng doanh thu bền vững, thể hiện bản chất cốt lõi “lấy khách hàng làm trọng tâm”.

Vì thế, lợi nhuận năm 2022 của ACB được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo phân tích của các chuyên gia chứng khoán, nhờ vào kết quả kinh doanh 9 tháng tăng trưởng khả quan cũng như kiểm soát chi phí tốt, khả năng lợi nhuận trước thuế năm 2022 của ACB sẽ tăng 1,5-2 lần so với năm 2021. Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, ACB có thể đạt tới 18.272 tỷ đồng lợi nhuận năm 2022 (gấp 1,5 lần năm 2021) dựa vào tăng cường công nghệ trong vận hành, giúp Ngân hàng kiểm soát chi phí tốt hơn trong năm 2022 cũng như những năm tới.

Tin bài liên quan