Ý kiến được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu trong phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội, ngân sách sáng 23/5 của Quốc hội.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng, nguyên Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh là vấn đề mang tính chất quyết định với tăng trưởng.
Theo ông Đồng, các nghị quyết của của Bộ Chính trị (Nghị quyết 57, 66, 68) đều nêu rất rõ yêu cầu này, nhưng phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy, vướng mắc bất cập trong môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều.
“Nếu không có đột phá về môi trường kinh doanh thì rất khó khăn để đạt được mục tiêu tăng trưởng dài hạn hai con số trong hai thập kỷ tiếp theo".
Ông Hà Sỹ Đồng cũng cho biết, các báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gần đây (như báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và Dòng chảy pháp luật kinh doanh) cho thấy rằng, việc đầu tư các dự án có sử dụng đất của Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với cả “rừng thủ tục”, từ việc xin quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định thiết kế, môi trường, phòng cháy chữa cháy, tiền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, nghiệm thu công trình…
Khảo sát của VCCI cũng cho thấy vấn đề tiếp cận đất đai hay xây dựng nhà xưởng của doanh nghiệp ngày càng khó khăn. Nếu như năm 2021 có 55% doanh nghiệp gặp thuận lợi khi tiếp cận mặt bằng kinh doanh thì năm 2024 chỉ còn 33%. Trong đó vướng mắc lớn nhất là kéo dài thời gian làm thủ tục, đặc biệt là thủ tục xác định giá đất. Hầu hết các thủ tục khi thực hiện đều bị kéo dài hơn quy định hoặc phải làm đi làm lại nhiều lần - vị đại biểu Quảng Trị thông tin thêm.
![]() |
Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại tổ . |
Cho rằng với tình trạng trên thì không thể huy động được đủ đầu tư tư nhân để phục vụ tăng trưởng, ông Đồng phân tích, theo tính toán, tỷ lệ đầu tư phải trên 40% thì mới có thể duy trì tăng trưởng cao. “Làm sao có thể đầu tư nhiều như vậy nếu thủ tục đầu tư bị chậm trễ, kéo dài. Trong lĩnh vực bất động sản, thủ tục bị kéo quá dài còn khiến các dự án bất động sản bị đình lại, làm chậm nguồn cung nhà ở và kéo giá nhà ở tăng mạnh thời gian qua”, đại biểu nhấn mạnh.
Từ đó, ông Đồng cho rằng, tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư phải được coi là "trọng tâm của trọng tâm" khi muốn đặt mục tiêu tăng trưởng cao liên tục nhiều năm. Đại biểu “đề nghị Chính phủ phải rất quyết liệt trong việc này. Cần lập tổ công tác gồm nhiều chuyên gia kinh tế và pháp luật để đề xuất tháo gỡ, đơn giản hóa thủ tục về đầu tư dự án, tập trung vào việc cắt giảm, hợp nhất hoặc liên thông thủ tục hành chính”.
Cũng góp ý về cải cách thể chế và thủ tục hành chính, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng cần bãi bỏ tối thiểu 30% điều kiện kinh doanh không còn phù hợp; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng tối thiểu 50%; đẩy nhanh số hóa và liên thông cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp, dân cư.
Vị đại biểu Trà Vinh kiến nghị ban hành luật khung về kinh tế thị trường định hướng XHCN làm cơ sở để thống nhất các điều kiện kinh doanh, chính sách ưu đãi và quy tắc can thiệp của nhà nước đối với các loại hình doanh nghiệp.
Tham gia thảo luận tổ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội ủng hộ những vấn đề Chính phủ đang trình, đặc biệt là về phân cấp phân quyền, đi đôi với đó là phân bổ nguồn lực, kết hợp với công cụ giám sát, kiểm tra.
Khi Quốc hội phân cấp cho Chính phủ, Chính phủ sẽ phân cấp cho các địa phương, các bộ, các ngành. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, thiết kế công cụ giám sát, tăng cường năng lực thực thi và năng lực giám sát. Như vậy, sẽ tránh được lãng phí thời gian và cơ hội.
“Hai cái lãng phí rất lớn là lãng phí cơ hội và lãng phí thời gian. Chúng ta lại chưa đánh giá hết được cái này. Cơ hội đến và đi rất nhanh, xong được thủ tục thì cơ hội đã đi mất”.
Vì thế, Thủ tướng mong muốn các đại biểu ủng hộ việc cải cách thủ tục hành chính, ủng hộ phân cấp, phân quyền. “Ai làm tốt thì phân cấp, ai gần dân nhất thì phân cấp, ai hỗ trợ được người dân theo tinh thần chủ động phục vụ nhân dân thì chúng ta phân cấp”, Thủ tướng bày tỏ quan điểm.