Ai sợ thôn tính doanh nghiệp?

Ai sợ thôn tính doanh nghiệp?

(ĐTCK)  Những vị trí điều hành chủ chốt trong doanh nghiệp bị thôn tính sẽ được sắp xếp theo hướng không đủ năng lực sẽ bị điều chuyển.

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) vừa có bản phân tích về thực tế M&A và các trường hợp thâu tóm doanh nghiệp. Theo đó, nền kinh tế trong tình trạng gặp khó khăn, khủng hoảng thì M & A càng có điều kiện và cơ hội phát triển mạnh mẽ . Việc mua bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp…có thể diễn ra theo phương thức tự nguyện hay không tự nguyện.

 

Tổng kết từ thực tiễn  thì các thương vụ M & A theo phương thức tự nguyên đang ngày càng phát triển và mang tính hội nhập, chiếm trên 90% các thương vụ mua bán hợp nhất sáp nhập doanh nghiệp, những thương vụ M & A này thường diễn ra suôn sẻ thuận lợi và tất cả các bên đều có lợi, duy chỉ có vài chức danh như Giám đốc điều hành, Phó giám đốc… của doanh nghiệp bị M & A là có thể  phải thay đổi công việc. Với những người này nếu có năng lực thì được giữ lại hoặc điều chuyển về công ty mẹ, nếu không đủ năng lực sau M & A thì phải ở vị trí công tác thấp hơn…   

 

Hình thức M & A theo phương thức không tự nguyện có đặc điểm:

 

- Bên mua thường là đối tác cùng ngành nghề với doanh nghiệp, có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm quản trị  hơn nhiều so với đối tượng mua ;

 

- Khi thực hiện mua cổ phần, họ phải tính toán nhiều phuơng án để có lợi nhất, nếu không tính kỹ, quá trình thực hiện không suôn sẻ thì họ sẽ gặp bất lợi ;

 

- Để thực hiện mua cổ phần chi phối, trước tiên họ phải nhờ công ty chứng khoán hay công ty tư vấn đi thương lượng mua cổ phần từ các cổ đông lớn, nhưng nếu thực hiện mua từ các cổ đông lớn thì bao giờ giá cũng rất cao hơn so với giá thị trường niêm yết ;

 

- Tiến trình mua không hề đơn giản vì phải thương lượng và thỏa thuận với rất nhiều cổ đông để đạt được mức cổ phần chi phối nhưng như vậy thì cũng chưa đủ vì chỉ cần cổ đông nhà nước hay 1 nhóm cổ đông nắm giữ khoảng 20%/vốn điều lệ là họ có quyền phủ quyết để phủ quyết những quyết định gây bất lợi cho người đi mua ;

 

- Trên thực tế của thị trường chứng khoán Việt Nam, có nhiều doanh nghiệp yếu kém, kinh doanh không hiệu quả, với những đối tượng này thường không có cổ đông lớn tham gia mà chỉ bao gồm cổ đông cá nhân nhỏ lẻ và cổ đông nhà nước . Nhà đầu tư chiến lược lựa chọn trong nhóm này những doanh nghiệp không có nợ nhiều, không có cổ đông nhà nước hay tỷ lệ cổ phần nhà nước ở mức thấp để thực hiện chiến dịch thu góm cổ phiếu và trong khoảng thời gian không dài, họ có thể làm chủ doanh nghiệp để thực hiện chiến lược tái cơ cấu nhằm phục hồi phát triển doanh nghiệp ;

 

- Cũng có 1 số trường hợp, nhà đầu tư chiến lược tham gia mua khoảng từ 10- 30%/vốn điều lệ của doanh nghiệp theo các đợt phát hành riêng lẻ nhằm mục tiêu ban đầu là đầu tư tài chính hoặc được ưu tiên cung cấp hàng hoặc ưu tiên mua hàng theo giá thị trường….Trong quá trình là cổ đông lớn, có thể   doanh nghiệp gặp khủng hoảng, khó khăn do Ban điều hành yếu kém năng lực hay do tham nhũng của ban điều hành….giá cổ phiếu liên tục lao dốc thì để cứu lấy mình và có thể theo đề nghị của các cổ đông lớn, đối tác chiến lược đó sẽ tăng mua tỷ lệ cổ phần và thực hiện M & A.

 

Ai không có lợi trong các thương vụ thôn tính doanh nghiệp? Theo VAFI, đó là - những vị trí điều hành chủ chốt trong doanh nghiệp bị thôn tính sẽ được sắp xếp theo hướng những nhân sự không đủ năng lực sẽ bị điều chuyển sang vị trí công việc phù hợp. Tổ chức này cho rằng, trong bất kỳ doanh nghiệp nào cũng nên có cổ đông chiến lược có uy tín , cổ đông là nhà đầu tư tài chính thường chỉ có vai trò lớn là đóng góp vốn còn góp ý cụ thể về cung cách điều hành sản xuất, chiến lược sản xuất kinh doanh là không có nhiều khả năng. Sự có mặt của cổ động chiến lược trong nhiều công ty sẽ làm tăng tính an toàn cho các khoản đầu tư tài chính, trong những lúc doanh nghiệp lâm nguy, cổ đông chiến lược có thể nhanh chóng giúp toàn thể cổ đông trực tiếp điều hành sản xuất , kinh doanh….Tránh cho việc quản trị doanh nghiệp chỉ phụ thuộc vào vài người…

 

Trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp đang kêu gọi phải tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp hay phải cải tổ doanh nghiệp hơn nữa nhưng theo hướng nào ? VAFI cho rằng, Nhà nước cần phải tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi để dễ dàng cải tổ cấu trúc cổ đông doanh nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng cổ đông tổ chức, cổ đông chiến lược trong từng doanh nghiệp, giảm nhanh tỷ trọng cổ phần nhà nước, cổ phần nhà đầu tư cá nhân nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi trong thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp cũng như dễ dàng trong huy động vốn.