Ai tiếp tay cho làm giá, thao túng giá chứng khoán?

Ai tiếp tay cho làm giá, thao túng giá chứng khoán?

(ĐTCK-online) Tuy bị lên án và bị xử lý nghiêm ngặt, nhưng hiện tượng làm giá, thao túng giá vẫn diễn ra trên TTCK Việt Nam. Vậy ai tiếp tay cho hành vi này?

Thời gian trước, tôi thấy các nhà đầu tư, các thành viên thị trường và các phương tiện truyền thông đều đề cập và lên án hành vi làm giá, thao túng giá. Hiện tượng này đã được cơ quan quản lý xử lý khá nghiêm (tuy là chưa nhiều), như việc lần đầu tiên trên TTCK Việt Nam, đã có người bị khởi tố vì hành vi thao túng giá chứng khoán. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc xử lý của cơ quan quản lý trong thời gian vừa qua cũng chỉ là giải quyết hậu quả, mà chưa thể ngăn chặn tận gốc rễ của việc thao túng, làm giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam.

Thời gian gần đây, nhất là từ cuối năm 2010 đến nay, chúng ta lại thấy một hiện tượng khác của TTCK Việt Nam, nhất là trên sàn HOSE, đó là việc "làm giá" chỉ số VN-Index thông qua một số mã blue-chip có mức vốn hóa lớn, có ảnh hưởng mạnh với VN-Inhdex. Chính việc này đã khiến cho chỉ số VN-Index bị "méo mó", không phản ánh đúng thực trạng của thị trường, khiến cho nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư nhỏ lẻ như tôi rất lúng túng và mất phương hướng trong việc lựa chọn đầu tư. Nhìn thấy thị trường tăng điểm, trong khi tài khoản của mình thì lại cứ vơi dần, nhưng không biết phải đầu tư như thế nào khiến những nhà đầu tư như tôi cảm thấy mất niềm tin vào thị trường. 

Theo tôi, để ngăn chặn tới mức tối đa hiện tượng làm giá cổ phiếu và làm giá chỉ số, cơ quan quản lý, nhất là Sở GDCK TP. HCM, cần phải có thay đổi trong cung cách quản lý thị trường. Trước đây, tôi cũng đã được đọc trên Báo Đầu tư Chứng khoán và các diễn đàn mạng ý kiến của nhiều bạn kiến nghị về việc thay đổi phương pháp tính chỉ số VN-Index. Tôi cho rằng, đó cũng là những ý kiến hay, nhưng theo tôi, việc cần làm ngay và dễ thực hiện hơn cả là HOSE cần thay đổi phương thức giao dịch. Chính phương thức giao dịch hiện tại của HOSE đã vô tình tiếp tay cho các hành vi trên.

Theo tôi, việc sàn HOSE có 2 đợt khớp lệnh định kỳ, nhất là đợt giao dịch định kỳ xác định giá đóng cửa (ATC) đã tạo điều kiện cho hành vi làm giá, đánh lên, đánh xuống của các nhà đầu cơ, nhất là đối với một thị trường có tính đầu cơ cao như TTCK Việt Nam. HOSE nên bỏ 2 đợt khớp lệnh này và chỉ áp dụng một phương thức khớp lệnh liên tục giống như sàn HNX. Theo tôi, việc chỉ áp dụng khớp lệnh liên tục sẽ hạn chế việc thao túng giá cổ phiếu và làm giá chỉ số.

Ngoài ra, tôi cũng thấy, các công ty chứng khoán, các nhà đầu cơ lớn thời gian qua đã thông qua công cụ truyền thông đã định hướng thị trường. Họ muốn đánh xuống thì họ nói thị trường còn xuống sâu nữa, hãy đứng ngoài thị trường, hãy tăng tỷ lệ tiền mặt...Còn khi đánh lên, họ lại hô hào là thị trường đang quá rẻ nên mua vào, hãy nhanh chân nếu không muốn mất cơ hội… Theo tôi được đọc ở một bài viết đăng trên Báo Đầu tư Chứng khoán của một tác giả từ Mỹ nói rằng, ở Mỹ và các nước khác không có tình trạng này, các nhận định thị trường chỉ là tài liệu nội bộ không đăng tải tràn lan như ở ta. Vậy tại sao không có văn bản cấm giống như các nước!?

Theo tôi, chính phương thức giao dịch chưa hợp lý và việc để cho các công ty chứng khoán, các tổ chức đầu cơ tận dụng các phương tiện thông tin truyền thông để phát tán các báo cáo nhận định chủ quan của mình đã vô tình tiếp tay cho việc làm giá, thao túng giá chứng khoán.