APH đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2022 tăng 71%

APH đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2022 tăng 71%

An Phát Holdings (APH) đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2022 tăng 71%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2022, APH đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 16.500 tỷ đồng, tăng 11,4%, lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỷ đồng tăng 71 % so với thực hiện 2021.

Theo dự báo sơ bộ mà An Phát Holdings công bố, năm 2022 công ty đặt kế hoạch doanh thu 16.500 tỷ đồng (tăng 11,4% so với thực hiện 2021), lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỷ đồng (tăng 71 % so với thực hiện 2021). Trong đó, kết quả tăng trưởng dự báo đến từ mảng kinh doanh khu công nghiệp, ước tính đóng góp 850 tỷ doanh thu và 310 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế nhờ dự án Khu công nghiệp An Phát 1 đi vào hoạt động.

Mảng bao bì, nhựa kỹ thuật, nhựa xây dựng và nguyên vật liệu dự kiến đạt 15.650 tỷ doanh thu và 425 tỷ lợi nhuận trước thuế. Trong đó, mảng nhựa kỹ thuật được kỳ vọng phục hồi tăng trưởng sau đại dịch và tăng tỷ trọng bao bì công nghiệp, bao bì tự hủy có biên lợi nhuận cao.

Ngoài ra, biên lợi nhuận ròng sẽ cải thiện trong năm 2022 nhờ giảm chi phí logistics và các chi phí phòng chống dịch Covid-19.

Năm 2021, APH ghi nhận doanh thu hợp nhất và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt đạt 14.805 tỷ đồng và 342 tỷ đồng, tăng 74% và 18% so với năm 2020. Trong đó, quý IV/2021, doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 4.572 tỷ đồng và 96 tỷ đồng, tăng 87% và 24% so với cùng kỳ 2020. Doanh thu tăng trưởng mạnh do giá hạt nhựa tăng dẫn tới doanh thu mảng sản xuất và thương mại đều tăng trưởng mạnh, đồng thời Công ty đẩy mạnh khai thác bất động sản khu công nghiệp.

Lợi nhuận gộp năm 2021 đạt 1.698 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ 2020, đóng góp chủ yếu bởi hoạt động thương mại hạt nhựa, sản xuất bao bì, nhựa xây dựng và khai thác khu công nghiệp.

Như vậy, với kết quả doanh thu 14.805 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 237 tỷ đồng, APH hoàn thành 123% kế hoạch doanh thu và 40% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.

Nguyên nhân chủ yếu APH không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm do chi phí vận tải tăng, làm tăng chi phí bán hàng. Ngoài ra, việc tích cực tham gia vào các hoạt động phòng, chống Covid-19, bảo đảm phúc lợi người lao động đã làm tăng chi phí quản lý trong năm 2021.

Tiền và tương đương tiền tại ngày 31/12/2021 đạt 2.176 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với mức 1.133 tỷ đầu năm 2021. Tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu giảm từ 1,1 đầu năm 2021 xuống còn 0,8 tại ngày 31/12/2021.

Mới đây, APH đã động thổ Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất chất dẻo phân huỷ sinh học PBAT, nhà máy đầu tiên và có quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Với quy mô đầu tư lên đến 120 triệu USD, khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ đáp ứng 100% nhu cầu nguyên liệu của Tập đoàn An Phát Holdings, đồng thời phục vụ mục tiêu xuất khẩu quốc tế.

Tin bài liên quan