An Phát Holdings: Đằng sau kế hoạch xây dựng nhà máy nguyên liệu xanh đầu tiên tại Việt Nam

An Phát Holdings: Đằng sau kế hoạch xây dựng nhà máy nguyên liệu xanh đầu tiên tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhà máy nguyên liệu sinh học phân huỷ hoàn toàn công nghệ cao AnBio (Anbio) là dự án trọng điểm của Tập đoàn An Phát Holdings (mã chứng khoán APH), hướng tới tự chủ công nghệ và sản xuất nguyên liệu, sản phẩm thân hiện môi trường. 

Chia sẻ tại buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư APH: “Tập đoàn nhựa đầu ngành – Đón đầu xu hướng xanh”, lãnh đạo công ty khẳng định, động lực tăng trưởng của APH sẽ đến từ dòng sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn thông qua đầu tư cho nhà máy nguyên liệu sinh học phân huỷ hoàn toàn đầu tiên tại Việt Nam.

Nhà máy có công suất dự kiến 20.000 tấn/năm đặt tại Đình Vũ, vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, trong đó 50% vốn chủ, 50% vốn vay và đều đã có đối tác cam kết đồng hành. Năm 2020, APH sẽ hoàn thành huy động 80% lượng vốn cần thiết, phần còn lại sẽ huy động trong năm 2021 chủ yếu dưới hình thức vay thương mại hoặc trái phiếu trơn.

Theo tiến độ, năm 2021, APH sẽ khởi công nhà máy và tiến hành xây dựng trong 18 tháng. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ tăng tỉ trọng sản phầm sinh học phân huỷ hoàn toàn từ 10% đến 40-50% trong cơ cấu doanh thu bao bì của APH, đảm bảo đủ nguyên liệu xanh cho xuất khẩu và phát triển thị trường nội địa. Đồng thời, giúp APH tự chủ đầu vào sản xuất, tiết kiệm khoảng 30% chi phí sản xuất cho công ty con trong khi công ty mẹ có thể hưởng biên lợi nhuận gộp từ  25-30% từ dự án này.

Hiện APH có sẵn tệp khách hàng lớn từ EU, Mỹ ổn định và gắn bó với công ty nhiều năm nay, đều là các nhà thương mại, bán lẻ trực tiếp nên nhu cầu sử dụng sản phẩm như của An Phát gần như là “thiết yếu” – đó cũng là lý do giúp An Phát không quá bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh covid vừa qua.

Ông Đinh Xuân Cường, Tổng giám đốc APH cho biết, Công ty đã nghiên cứu sản phẩm và cả thị trường, từ đó tìm kiếm được dư địa mới để đầu tư.

Khi nghiên cứu thị trường EU và Mỹ thấy rằng, xu hướng sử dụng sản phẩm nguyên liệu sinh học thay đổi rất nhanh do ý thức về bảo vệ môi trường 2-3 năm gần đây rất mạnh mẽ. Theo thống kê, có 127 quốc gia cấm và đang có kế hoạch cấm sử dụng sản phẩm nhựa truyền thống không có khả năng phân hủy sinh học đối với những sản phẩm 1 lần. Điều này dẫn đến cầu tăng vọt nhưng cung không kịp, dẫn đến giá thành sản phẩm nguyên liệu xanh khá cao. Giai đoạn hiện tại, các công ty có sở hữu trí tuệ đều đang gấp rút mở rộng sản xuất để đáp ứng.

Thông thường, xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu cần 18 tháng – 2 năm, nên “cung” sẽ bị chậm trong thời gian tới, đó vừa là cơ hội cũng là thách thức cho APH phải tập trung triển khai sản xuất và phát triển sản phẩm này sớm.

“Nhờ thời gian 2 năm đó, chúng tôi có thời gian xây dựng kế hoạch, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm và đáp ứng được các khách hàng EU, Mỹ”, ông Cường chia sẻ.

Ngoài ra, để tận dụng tốt cơ hội từ hiệp định EVFTA, APH cũng xây dựng chiến lược phát triển cả về số lượng, mạng lưới khách hàng ở các quốc gia, mục tiêu là khi nhà máy Anbio đi vào sản xuất nguyên liệu thì đã có đủ lượng khách hàng cần thiết đáp ứng sản lượng nhà máy trong tương lai.

Tiến Sĩ Nguyễn Lê Thăng Long - chỉ đạo trực tiếp trung tâm nghiên cứu phát triển của Công ty chia sẻ, Tập đoàn đã phải nghiên cứu, tìm tòi, rồi hợp tác cùng đối tác ở Hàn Quốc có 20 năm kinh nghiệm sản xuất dòng sản phẩm đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU, Mỹ, nhưng lại chưa phát triển tại Việt Nam.

Nguyên nhân là chi phí nhập nguyên vật liệu cao dẫn đến giá thành sản phẩm sẽ rất cao. Sau quá trình tìm hiểu, HĐQT, Lãnh đạo công ty nhận thấy có thể chủ động sản xuát nguyên liệu hạt sinh học ở Việt Nam nếu sở hữu công nghệ, bằng sáng chế.

“Thông qua việc M&A công ty Hàn Quốc, chúng tôi đã chuyển giao các bằng sáng chế về Việt Nam, tin rằng 2 -3 năm tới chủ động được nguồn nguyên liệu xanh, giảm giá thành”, ông Long nói.

APH đã làm việc với các cơ quan về tiêu chuẩn đo lương chất lượng để được công nhận, cấp chứng chỉ, đảm bảo không có hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng đi vào thị trường trong lĩnh vực sản xuất nguyên vật liệu, cũng như thành phẩm bao bì tự hủy, thân thiện môi trường.

Hiện An Phát đang phát triển dòng sản phẩm Aneco, có mặt ở thị trường nội địa và ở 20 quốc gia khác.

Năm 2020, APH đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận ròng đạt 12.000 tỷ đồng và 650 tỷ đồng. Đồng thời, APH dự kiến phát hành 20 triệu cổ phiếu mới, tương đương 14% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.

Trong cơ cấu doanh thu 12.000 tỷ đồng thì bao bì chiếm tỷ trọng 30-35%, nhựa kỹ thuật 15% -17%, thương mại 30-35%, bất động sản 6%, phụ gia nguyên liệu 6-7%. Còn cơ cấu lợi nhuận gộp, bao bì 40%, nhựa kỹ thuật 12%, thương mại 10%, bất động sản 20% và nhựa phụ gia 5-7%.

Theo lãnh đạo APH, tương lai sẽ hơi khác, doanh thu hướng đến tăng trưởng mạnh ở nhựa kỹ thuật tăng mạnh nhất, còn bao bì doanh thu tăng trưởng 10-15%, nhựa phụ gia tương tự, bất động sản đi ngang, thương mại tăng chậm hơn, tăng khoảng 5%/năm. Về lợi nhuận 4-5 năm tới thì mảng bao bì sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với doanh thu, cụ thể, năm 2022-2023 khi có nguyên liệu, lợi nhuận ròng bao bì tăng gấp đôi, đóng góp trong lợi nhuận gộp khoảng 50%.

Việc vừa là nhà sản xuất, vừa làm thương mại cũng tạo lợi thế cạnh tranh cho APH, chẳng hạn 1 tháng APH nhập 8.000 tấn nguyên liệu, 8.000 tấn nhựa nguyên sinh để làm thương mại, tổng cộng lấy 16.000-17.000 tấn thì có lợi thế đàm phán giá tốt hơn. Và khi có tồn kho, thì nhà máy sản xuất sẽ tiêu thụ cho chính nguyên liệu chưa bán hết cho mình.

Với việc mở rộng quy mô sản xuất, dự báo dòng tiền tăng trưởng khả quan, ổn định, thông tin minh bạch và lịch sử tín dụng tốt, APH kỳ vọng sẽ tìm được nhà đầu tư chiến lược song hành trong thời gian sắp tới.

Tin bài liên quan