Ẩn số kinh tế Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2023, nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, khiến việc dự báo chính sách lãi suất của Mỹ trở nên khó khăn.

Cuối năm 2021, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chỉ dự định tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022, đưa lãi suất lên mức 0,9%/năm. Nhưng thực tế, trong năm qua, Fed đã có 7 lần tăng lãi suất, trong đó có 4 lần liên tiếp tăng với mức 0,75%/năm/lần, đưa lãi suất cơ bản lên 4,25 - 4,5%/năm. Lý do được đưa ra là lạm phát cao bất ngờ.

Cứ sau vài tháng, Fed lại điều chỉnh mạnh dự báo về hướng đi của nền kinh tế, đồng thời hạ thấp kỳ vọng về các chỉ số quan trọng như lạm phát, tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động.

Theo các lãnh đạo Fed, việc dự báo kinh tế ngày càng trở nên khó khăn. Chính sách tăng lãi suất cũng có độ trễ và không có gì chắc chắn về việc liệu nền kinh tế có đang hướng tới suy thoái hay sẽ "hạ cánh mềm".

Fed bắt đầu đưa ra các bản dự báo từ năm 2007 tại các cuộc họp vào tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12 hàng năm. Chúng phản ánh ước tính trung bình (của 19 người trong Ủy ban Thị trường mở liên bang thuộc Fed) về GDP, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất tham chiếu. Các dự báo này không mang tính ràng buộc, nhưng là chìa khóa để truyền thông điệp của Fed, nhằm giảm thiểu những bất ngờ cho hệ thống tài chính. Trong những thời điểm bình thường - không có đại dịch hay chiến tranh, các dự báo sẽ không thay đổi nhiều. Nhưng 2022 không phải là năm bình thường.

Những người theo dõi Fed ngày càng cho rằng lãi suất sẽ lên trên 5%/năm trong năm 2023. Claudia Sahm - cựu chuyên gia kinh tế của Fed nhận định trong vòng một năm kể từ khi bắt đầu tăng lãi năm nay, Fed sẽ tăng lãi suất thêm tổng cộng 5%/năm.

“Mức độ và tốc độ tăng lãi suất của Fed rất bất ngờ”, ông đánh giá.

Thước đo lạm phát ưa thích của Fed là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI). Năm 2021, các nhà kinh tế cho rằng PCEPI lõi sẽ giảm xuống 2,5% vào cuối năm 2022. Thực tế là, chỉ số này hiện đã tăng lên mức 5%, gấp đôi tốc độ đó. Các nhà dự báo kỳ vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt xuống còn 3% vào cuối năm 2023.

Một lý do để tin rằng lạm phát sẽ dịu bớt trong năm 2023 là chuỗi cung ứng. Một năm trước, các nhà kinh tế đã hy vọng rằng những nút thắt trong hoạt động vận tải và sản xuất hàng hoá toàn cầu sẽ sớm được giải quyết, giúp cung - cầu cân bằng trở lại, cản đà tăng của giá cả. Dự đoán đó quả thực đã thành hiện thực, nhưng sự phục hồi của chuỗi cung ứng cũng mất nhiều thời gian hơn để tác động đến giá tiêu dùng. Sau nhiều tháng để chuỗi cung ứng phục hồi, người tiêu dùng giờ đã dần cảm nhận được lợi ích. Giá ô tô đã qua sử dụng đã bắt đầu giảm đáng kể trong dữ liệu lạm phát tháng 10/2022, giá nội thất và hàng may mặc cũng đi xuống. Dự kiến, giá cả sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong năm 2023.

Tuy nhiên, nếu chỉ mỗi giá hàng hoá sụt giảm thì Mỹ không thể quay trở lại giai đoạn lạm phát thấp như trước, bởi giá dịch vụ đang tăng nhanh. Chi phí cho dịch vụ, từ bữa ăn nhà hàng đến tiền thuê nhà hàng tháng, chiếm khoảng một nửa lạm phát tiêu dùng tháng 10/2022, theo Bloomberg. Cách đây một năm, tỷ lệ này chỉ vào khoảng một phần ba.

Nhiều loại lạm phát dịch vụ có mối liên hệ chặt chẽ với những gì đang xảy ra trên thị trường lao động. Khi nhân công khan hiếm và tiền lương tăng nhanh, doanh nghiệp thường sẽ phải tăng giá bán để cố gắng trang trải chi phí lao động đắt đỏ hơn. Điều đó đồng nghĩa rằng tỷ lệ thất nghiệp rất thấp hiện nay và tốc độ tăng trưởng tiền lương nhanh bất thường có thể khiến lạm phát duy trì ở mức cao, dù thị trường việc làm không phải là động lực lớn khơi mào lạm phát ban đầu.

Đây là lúc chính sách của Fed có thể phát huy tác dụng. Doanh nghiệp chỉ có thể tính giá cao hơn nếu khách hàng có thể và sẵn lòng chi trả. Fed có thể ngăn phản ứng dây chuyền này bằng cách nâng lãi suất để hạ nhu cầu.

Năm 2023, vẫn còn rất nhiều yếu tố không thể lường trước có thể xảy ra khiến việc dự báo trở nên khó khăn. Ví dụ, các xung đột về địa chính trị đang leo thang ở châu Âu có thể gây áp lực mới lên giá khí đốt. Hoặc sự trở lại của người tiêu dùng Trung Quốc sau thời gian phong toả dài có thể kích thích sự cạnh tranh trên thị trường hàng hoá toàn cầu. Đơn giản là mọi thứ có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến để trở lại bình thường. Đó là một phần câu chuyện đã xảy ra với lạm phát trong năm 2022.

Tin bài liên quan