Để bảo vệ an toàn tài sản nhà đầu tư, nhà đầu tư chỉ cần UBCK buộc CTCK tách bạch tài khoản tiền gửi của họ tại ngân hàng. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

Để bảo vệ an toàn tài sản nhà đầu tư, nhà đầu tư chỉ cần UBCK buộc CTCK tách bạch tài khoản tiền gửi của họ tại ngân hàng. (Ảnh chỉ mang tính minh họa)

An toàn tài sản nhà đầu tư, cách nào?

(ĐTCK-online) Để bảo vệ an toàn hệ thống thị trường, UBCK phải mạnh tay buộc các CTCK đảm bảo an toàn tài chính. Nhưng để bảo vệ an toàn tài sản nhà đầu tư, nhà đầu tư chỉ cần UBCK buộc CTCK tách bạch tài khoản tiền gửi của họ tại ngân hàng.

Thông điệp trên Báo ĐTCK của Chủ tịch UBCK về việc cơ quan này đang làm mạnh hơn những gì thị trường cảm nhận để giữ an toàn hệ thống cho khối CTCK, đã mang đến sự vững tin hơn cho các thành viên thị trường.

Giữ an toàn hệ thống cho CTCK là yêu cầu cốt lõi để giữ an toàn thị trường và nhiều ý kiến mong rằng, UBCK sẽ thực hiện một cách mạnh mẽ, minh bạch vì quyền lợi của số đông. Nhưng muốn giữ an toàn hệ thống, điều quan trọng nhất là phải nắm được thông tin thực tế về sức khỏe tài chính của CTCK. Đây là một vấn đề nan giải trong bối cảnh hiện nay.

Trong email gửi về ĐTCK, một bạn đọc viết, mảng tự doanh của một số CTCK lỗ trầm trọng, có thể khiến CTCK rơi vào tình trạng “chết” mà nhà đầu tư không biết. Thực tế, nếu CTCK đầu tư cổ phiếu trên sàn thì còn có cơ sở báo cáo, nhưng tự doanh OTC thì không, vì cho đến thời điểm này, Bộ Tài chính vẫn chưa ban hành hướng dẫn việc trích lập dự phòng đầu tư OTC. Chính vì chưa có quy định, nên đa số CTCK chọn cách ghi nhận nguyên giá ban đầu, trong khi thực tế, giá nhiều mã cổ phiếu trong danh mục tự doanh này đã mất đến 70%, thậm chí nhiều hơn thế.

Bên cạnh đó, phản ánh của nhà đầu tư còn cho thấy, nhiều CTCK đang tiến hành những hoạt động kinh doanh ngoài luồng mà UCBK rất khó kiểm soát. Môi giới vay chứng khoán để bán là một ví dụ. Nhà đầu tư khi có nhu cầu bán trước chứng khoán, CTCK sẵn sàng đáp ứng với điều kiện nhà đầu tư phải chịu lãi suất ở mức cao. Để đáp ứng được nhu cầu này, CTCK phải đàm phán vay mượn chứng khoán trong các tài khoản nhàn rỗi, với lãi suất trả cho các chủ tài khoản có thể lên đến 25-30%/năm. Nguồn cung hàng luôn sẵn sàng vì lãi suất rất hấp dẫn, còn nguồn cầu hàng cũng không thiếu, bởi rất nhiều nhà đầu tư muốn thử vận may với xu hướng thị trường xuống triền miên. Nhưng chính vì sự dễ dàng trong việc vay chứng khoán để bán này, mà bên lề hoạt động của CTCK đang manh nha tồn tại một hệ thống tín dụng đen, sẵn sàng cho nhà đầu tư vay tiền với lãi suất cả 100%/năm để “đánh quả”.

Trong bối cảnh sức khỏe tài chính của CTCK chưa minh bạch và tồn tại những hình thái kinh doanh mới nằm ngoài tầm kiểm soát, từ nghĩa vụ báo cáo theo Thông tư 226/2010/TT-BTC, UBCK làm thế nào để hiểu rõ và ép được các CTCK vào khuôn khổ an toàn tài chính? Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là thách thức với UBCK trong mục tiêu giữ gìn an toàn hệ thống thị trường.

Nhưng với nhà đầu tư, an toàn tài chính của CTCK không phải là vấn đề thiết thực nhất. Nhà đầu tư Hồ Trọng Thảng (h43thang@ymail.com) cho rằng, nhà đầu tư nhỏ lẻ không quan tâm đến CTCK lớn hay nhỏ, mà chỉ quan tâm đến sự tiện lợi trong giao dịch. Nếu các CTCK tuân thủ đúng quy định về tách bạch tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư tại các ngân hàng, thì dù CTCK đó có lâm vào tình trạng mất an toàn tài chính, với nhà đầu tư, tài sản vẫn được đảm bảo. Lý do là tiền  nhà đầu tư để tại ngân hàng quản lý, chứng khoán thì được ghi nhận và lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Nếu CTCK nơi nhà đầu tư mở tài khoản có vấn đề, họ chỉ cần làm thủ tục chuyển tài khoản sang CTCK khác là xong.

Để bảo vệ an toàn hệ thống thị trường, UBCK phải mạnh tay buộc các CTCK đảm bảo an toàn tài chính. Nhưng để bảo vệ an toàn tài sản nhà đầu tư, nhà đầu tư chỉ cần UBCK buộc CTCK tách bạch tài khoản tiền gửi của họ tại ngân hàng.