Ấn tượng về những cuộc chuyển giao

Ấn tượng về những cuộc chuyển giao

(ĐTCK) Ồn ào như sự trở lại của CEO FPT, kín tiếng nhưng đọng mãi dư âm của BPM, kịch tính tại VCG và đầy thông tin hoài nghi tại VNM.

Ấn tượng về những cuộc chuyển giao  ảnh 1Bầu ban lãnh đạo mới của công ty luôn là mối quan tâm lớn của cổ đông

CEO FPT tốn nhiều giấy mực

Tốn nhiều giấy mực của giới báo chí nhất có lẽ là cuộc trở lại vạch xuất phát sau hơn 3 năm thực hiện chiến lược chuyển giao thế hệ lãnh đạo tại FPT với sự trở lại của “cụ” Trương Gia Bình (cách gọi của nhân viên FPT với Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FPT Trương Gia Bình, năm nay 57 tuổi - PV). Sự ra đi của tướng trẻ Trương Đình Anh sau 18 tháng điều hành FPT và sự trở lại của ông Trương Gia Bình tạo ra nhiều luồng ý kiến, khen có, chê có, nhưng tựu trung đều thể hiện không mấy thán phục về việc đào tạo người kế nhiệm của tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam.

Còn bản thân người trong FPT nghĩ gì? Một người khá nổi tiếng tại đây chia sẻ, không ai thích những điều bất thường, nhất là ở những vị trí có sức chi phối mạnh mẽ đến sự phát triển của Tập đoàn. Thế nhưng, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Người ta phải học cách chấp nhận và tôn trọng sự thay đổi.

Sự thay đổi ấy với con mắt của người bên trong và người bên ngoài cũng đầy khác biệt. Người bên trong lo lắng cho sức khỏe của “Cụ”, hơi có phần hoang mang về những thay đổi đột ngột. Còn người bên ngoài đánh giá dựa trên tiếng tăm và vị thế của cá nhân người lãnh đạo.

“Có người lo những ‘kỷ luật thép’ sẽ bị bãi bỏ khi “Cụ” trở lại (bởi tính ông Trương Gia Bình vốn thoải mái - PV). Nhưng cá nhân tôi luôn tâm niệm rằng, dù người lãnh đạo là ai, tổ chức vẫn cứ phải đạt những mục tiêu nhất định và theo quy trình xác định. Cứ chiếu vào đó mà làm thì cũng chỉ thay đổi tý chút mà thôi”, người FPT đó nói.

Sự trở lại của “cụ” Bình có dẫn dắt FPT trở lại giai đoạn hoàng kim, với tốc độ tăng trưởng 50%/năm như trước đây? Sẽ là rất khó khi quy mô FPT đã gấp hàng chục lần, song thời gian sẽ cho câu trả lời tốt nhất, còn kết quả kinh doanh năm 2012 của FPT vẫn làm cổ đông khá hài lòng, EPS duy trì gần 6.000 đồng.

 

Dư âm CEO BMP

Cũng giống như 3 cuộc chuyển giao trước đó, sự chuyển tiếp thế hệ lãnh đạo tại CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) diễn ra khá lặng lẽ, nhưng để lại nhiều cảm xúc cho người trong cuộc. Người viết có dịp đến thăm BMP vào ngày làm việc cuối cùng trên cương vị Tổng giám đốc của ông Lê Quang Doanh, kiêm Chủ tịch HĐQT. Hiếm có vị CEO nào mà tất thảy người lao động đều dành tình cảm thân thương, rưng rưng nước mắt khi nhận cái bắt tay chào tạm biệt như ông Doanh.

Nhân viên trong Công ty nhận xét rằng, sếp Doanh là người tài ba, chèo lái con tàu Nhựa Bình Minh vững vàng phát triển lên tầm cao mới (Công ty liên tục được xếp hạng hoạt động hiệu quả nhất trong ngành cao su, nhựa và giấy) và sống rất tình cảm, quan tâm đến tất cả người lao động trong Công ty.

Nói là làm, đúng vào lễ kỷ niệm 35 năm ngày thành lập BMP, ông Doanh đã chuyển giao và giới thiệu Tổng giám đốc mới. Kế nhiệm ông Doanh là ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật. Ông Ngân 50 tuổi, được đào tạo, thử thách ở nhiều vị trí, từng được biệt phái ra Bắc điều hành Nhựa Bình Minh miền Bắc vài năm và đã chứng minh năng lực bằng việc doanh nghiệp hoạt động rất hiệu quả. Ông Ngân được tin tưởng sẽ tiếp tục đưa thương hiệu nhựa Bình Minh tỏa sáng. Truyền thống đoàn kết và tâm huyết trách nhiệm của ông Lê Quang Doanh, người lãnh đạo cao nhất trong việc đào tạo và chuyển giao công việc cho đội ngũ kế thừa có năng lực đã tạo ra sự tiếp nối bài bản và thông suốt ở BMP.

   

Kịch tính tại VCG

Cuộc chuyển giao vị trí lãnh đạo tại Tổng công ty Vinaconex được những người hiểu chuyện nhận xét là đầy kịch tính. Là doanh nghiệp lớn, tỷ lệ sở hữu nhà nước tại đây vẫn còn tới hơn 51%, trong đó có 2 cổ đông lớn là SCIC và Viettel. HĐQT Vinaconex hết nhiệm kỳ và được bầu mới vào năm 2012. Ghế chủ tịch HĐQT đúng như dự đoán, song ghế CEO thì ngược lại. Trước khi Đại hội diễn ra, nhiều người trong Tổng công ty tin chắc rằng, một phó tổng giám đốc vốn năng nổ, xông xáo trong chuyên môn sẽ được bầu vào HĐQT và được đề bạt chức vụ Tổng giám đốc. Vậy nhưng, người được bầu cuối cùng lại là ông Vũ Quý Hà.

Dẫu vậy, ghế CEO quá “nóng” khi năm 2012 được coi là vất vả ngoài dự kiến với Vinaconex. Tổng công ty này thua lỗ, khi phải gánh lỗ tới cả nghìn tỷ đồng cho Xi măng Cẩm Phả, dù cắt giảm chi phí, “thắt lưng, buộc bụng” đến mức bị cho là “keo kiệt”.

 

Cuộc chuyển giao không thành tại VNM

Không mấy người biết được rằng, năm 2012, trong lòng Vinamilk (VNM) - "đại gia” sữa lớn nhất Việt Nam có một cuộc chuyển giao vị trí lãnh đạo không thành. Năm 2012, nhiệm kỳ 5 năm của HĐQT Vinamilk dưới sự dẫn dắt của nữ Chủ tịch Mai Kiều Liên kết thúc. Bà Liên được đánh giá là một lãnh đạo xuất sắc, vẫn còn dư tài trí và sức khỏe để lãnh đạo Vinamilk chinh phục các đỉnh cao mới, song tuổi tác không chừa một ai, năm 2012, bà Liên đến tuổi nghỉ hưu. Trước khi ĐHCĐ thường niên diễn ra đã có một sự sắp đặt để vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc được chuyển giao cho một nhân vật khác trong Công ty. Song nhân vật mới chưa đủ tài và lực để nhận chuyển giao một trọng trách quá lớn, một doanh nghiệp hàng năm đóng góp tới hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách. Qua ĐHĐCĐ thường niên năm 2012, cổ đông vẫn tiếp tục tín nhiệm và bầu lại bà Liên làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk trong nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo. Do đó, bà Liên trở thành nữ lãnh đạo doanh nghiệp hiếm hoi tiếp tục đảm nhận vị trí cao nhất khi đã quá tuổi lao động.

Tại Việt Nam, Vinamilk không có đối thủ và tham vọng của Công ty rất lớn khi đặt mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2017, tức là gấp 3 lần trong vòng 5 năm. Dưới tài dẫn dắt của bà Mai Kiều Liên, nhiều người tin Vinamilk sẽ chinh phục được đỉnh cao đó, song sau những sóng gió của năm 2012, ai sẽ là người được bà Liên tin tưởng đào tạo vị trí kế nhiệm, thật khó tìm được câu trả lời.

Không ai là không thể thay thế, song thay thế như thế nào để tạo ra sự tiếp nối và phát triển mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp luôn là mối quan tâm của tất cả các cổ đông. Đào tạo người kế nhiệm, dù muốn hay không sẽ luôn là trọng trách lớn nhất của lãnh đạo doanh nghiệp.