Trong Lễ kỷ niệm 25 năm hoạt động Thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) và ra mắt hệ thống công nghệ thông tin mới diễn ra sáng 28/7 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Nguyễn Văn Thắng cho rằng, đây là một dấu mốc có ý nghĩa quan trọng trong chặng đường phát triển của TTCK và một bước tiến mới về hạ tầng công nghệ thông tin cho chặng đường phát triển tiếp theo của thị trường.
Cách đây đúng tròn một phần tư thế kỷ, ngày 20/7/2000, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) chính thức đi vào hoạt động và sau đó, ngày 28/7, TTCK đã chính thức giao dịch phiên đầu tiên.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sự ra đời của TTCK là một trong những kết quả cụ thể, sinh động của quá trình đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước.
Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, vượt qua nhiều giai đoạn đầy khó khăn, biến động, thăng trầm – đặc biệt là trong các cuộc khủng hoảng kinh tế, đại dịch COVID-19, hay những biến động địa - chính trị toàn cầu – TTCK ngày càng phát triển vượt bậc cả về khung khổ pháp lý, cấu trúc thị trường, quy mô, thanh khoản, chất lượng, minh bạch, hiệu quả và hội nhập quốc tế.
Nếu như những ngày đầu thành lập, thị trường chỉ có 2 doanh nghiệp, quy mô vốn hóa chỉ khoảng 0,2% GDP, thì đến nay đã có trên 1.600 doanh nghiệp tham gia thị trường, với quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu và trái phiếu đạt gần 100% GDP, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế và các tổ chức kinh tế.
TTCK ngày càng hoàn thiện về khung khổ pháp lý, cấu trúc thị trường, hạ tầng công nghệ, sản phẩm, tổ chức trung gian… và đặc biệt là kênh đầu tư hấp dẫn với hơn 10 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong, ngoài nước.
![]() |
Ra mắt hệ thống công nghệ thông tin mới KRX. Ảnh: Lê Toàn |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, thị trường chứng khoán đã góp phần huy động được hàng triệu tỷ đồng cho đầu tư phát triển, khẳng định vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế hiện đại và là một trong các trụ cột quan trọng của hệ thống tài chính quốc gia, bên cạnh hệ thống ngân hàng và bảo hiểm.
Một phần tư thế kỷ dù không quá dài nhưng đó là hành trình xây dựng, phát triển đầy bản lĩnh và bền bỉ của TTCK, từ sơ khai đến chuẩn mực của một thị trường bậc cao của nền kinh tế đất nước. TTCK đã cho thấy vai trò, đóng góp hiệu quả trong từng chặng đường phát triển của kinh tế đất nước; từ đó đã khẳng định là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế và doanh nghiệp.
“Việt Nam đang bước bước vào Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Để đạt được các mục tiêu to lớn, toàn diện mà Đảng, Chính phủ đặt ra, trọng trách và nhiệm vụ của ngành Tài chính nói chung và lĩnh vực Chứng khoán nói riêng trong thời gian tới cũng rất nặng nề, nhưng chúng tôi quyết tâm biến thách thức thành động lực, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước”, Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu.
Trong thời gian qua, ngành Tài chính cũng đã và đang nỗ lực hết mình, đặt quyết tâm cao nhất để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tài chính - ngân sách trong bối cảnh thế giới có nhiều thách thức phải vượt qua.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, thu ngân sách nhà nước đạt 67,7% dự toán, vượt mức kế hoạch dự toán, bảo đảm nguồn lực chi cho quốc phòng, an sinh xã hội, đầu tư phát triển. Cơ cấu chi ngân sách tiếp tục được cơ cấu lại theo hướng tăng chi đầu tư, giảm chi thường xuyên, đảm bảo kỷ luật tài chính.
“Đây là những kết quả tích cực nhất trong cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, phản ánh sức phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong nước, hiệu quả của các chính sách tài khóa linh hoạt và vai trò nổi bật của khu vực sản xuất, kinh doanh trong cấu trúc thu ngân sách”, Bộ trưởng cho biết.
Cùng với đó, cân đối ngân sách nhà nước tiếp tục được giữ vững, nợ công được kiểm soát trong giới hạn an toàn, xếp hạng tín nhiệm quốc gia được cải thiện. Đây là nền tảng vững chắc để tiếp tục mở rộng dư địa tài khóa, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế bền vững trong thời gian tới.
Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước…, tiếp tục triển khai hiệu quả, chủ động, sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ tài chính – ngân sách, đưa chính sách tài khóa là động lực phát triển thực chất của nền kinh tế; đồng thời, tăng cường các giải pháp, chính sách để phát triển thị trường tài chính, thị trường vốn, thị trường chứng khoán mạnh mẽ và bền vững hơn.
Phát huy các kết quả đã đạt được, quyết tâm cao nhất hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ giao, thời gian tới Bộ trưởng đề nghị toàn lĩnh vực Chứng khoán quán triệt tinh thần, triển khai quyết liệt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính ổn định, minh bạch và hiệu quả của thị trường.
Thứ hai, tổ chức vận hành thị trường một cách an toàn, ổn định, hiệu quả; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường; nâng cao năng lực quản lý, chất lượng giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhằm nâng cao tính minh bạch và kỷ cương thị trường.
Thứ ba, tiếp tục tái cấu cơ cấu các trụ cột của thị trường hiệu quả, tăng cường nhà đầu tư tổ chức, nâng cao chất lượng hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ trên thị trường chứng khoán, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường và nhà đầu tư.
Thứ tư, thúc đẩy chuyển đổi số, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, vừa phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường trong giai đoạn mới.
Thứ năm, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và đào tạo kiến thức cho nhà đầu tư; thúc đẩy hợp tác quốc tế toàn diện, có chiều sâu, nâng cao vị thế của thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên thị trường mới nổi, qua đó thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.
Trong thời gian tới, vai trò của thị trường chứng khoán sẽ cần phát huy mạnh mẽ, khẳng định rõ nét hơn trong việc huy động nguồn lực vốn trung, dài hạn chủ lực cho nền kinh tế trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tin tưởng rằng, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả của nhiều bộ, ban, ngành…; với nền tảng thành quả của 25 năm qua và đặc biệt là sự quyết tâm và đồng lòng, sáng tạo, đổi mới của ngành Chứng khoán, TTCK sẽ sớm được nâng hạng lên thị trường mới nổi, tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững và hội nhập.