Áp lực cạnh tranh thu hút FDI ngày một lớn

0:00 / 0:00
0:00
Dù nhiều dự báo cho thấy, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong năm 2023 sẽ tích cực hơn, nhưng thực tế, áp lực cạnh tranh cũng ngày một lớn.
Dây chuyền sản xuất của Foxconn tại Bắc Ninh. Ảnh: Đức Thanh

Dây chuyền sản xuất của Foxconn tại Bắc Ninh. Ảnh: Đức Thanh

Tín hiệu vui đầu năm

Gần 1,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đã đăng ký vào Việt Nam trong tháng đầu năm 2023. Tuy con số này giảm 19,8% so với cùng kỳ năm trước và một phần nào đó có thể được lý giải bằng 2 kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Âm lịch kéo dài, nhưng điều đáng mừng là vốn đầu tư mới đã tăng mạnh cả về số dự án và số vốn đăng ký.

Cụ thể, đã có 153 dự án đăng ký mới, tổng vốn đăng ký đạt 1,2 tỷ USD trong tháng 1/2023. Với mức tăng 48,5% về số dự án và với việc một số dự án lớn hàng trăm triệu USD được đăng ký mới, tổng vốn đầu tư đăng ký mới trong tháng đầu năm đã tăng gấp hơn 3,1 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Không chỉ là vốn đăng ký mới, vốn đầu tư điều chỉnh tuy giảm tương đối lớn (giảm 75,9%, đạt 306,3 triệu USD), do không có nhiều dự án điều chỉnh vốn lớn, thậm chí chỉ có 1 dự án có vốn đầu tư điều chỉnh trên 50 triệu USD, song số lượt dự án điều chỉnh vốn vẫn tăng 25,4% so với cùng kỳ.

Ngược lại, tháng 1 năm ngoái, có nhiều dự án điều chỉnh vốn có quy mô vốn lớn trên 50 triệu USD. Chỉ riêng các dự án này đã chiếm tới 78,2% tổng vốn đăng ký đầu tư điều chỉnh của tháng 1/2022.

“Điều này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng và đưa ra các quyết định mở rộng dự án tại Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nói.

Sự tin tưởng cũng thể hiện ở các dự án được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư hay ký biên bản ghi nhớ (MOU) ngay từ tháng đầu năm. Điển hình là Dự án Nhà máy Công nghệ chính xác Fulian do nhà đầu tư Ingrasys Pte.Ltd (Singapore) triển khai tại Bắc Giang. Với tổng vốn đăng ký 621 triệu USD, đây chính là dự án đầu tư nước ngoài có vốn đăng ký lớn nhất kể từ đầu năm tới nay, góp phần quan trọng đưa vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, ngay trong tháng đầu của năm 2023, Bắc Giang đã trao MOU cho một loạt dự án. Chẳng hạn, Dự án Sản xuất, lắp ráp xe máy điện của Tập đoàn Yadea, với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, sẽ xây dựng nhà máy trên diện tích khoảng 23,3 ha bắt đầu từ quý II/2023. Hay Dự án Sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời Hainan Longi Green Energy Technology Company Limited, quy mô khoảng 140 triệu USD…

Tuy mới là tháng đầu năm, song dựa trên tiềm năng về thị trường và các dự án đã ký MOU, cũng như đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài dự báo, năm 2023, Việt Nam có thể thu hút 36-38 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng khoảng 30-37% so với năm 2022.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế cũng được cho là sẽ tác động tích cực tới thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài từng chia sẻ rằng, khi Trung Quốc mở cửa trở lại, sự dịch chuyển vốn đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… khỏi Trung Quốc sẽ được đẩy nhanh hơn. Sự dịch chuyển này sẽ được đẩy nhanh đến năm 2025 và khi đó Việt Nam sẽ là một điểm đến đầu tư được ưu tiên lựa chọn.

Áp lực cạnh tranh

Cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam là không nhỏ, nhưng thực tế, áp lực cạnh tranh cũng ngày càng gay gắt hơn, mà nếu không có sự chuẩn bị kịp thời và tiếp tục cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, Việt Nam có thể bị… hụt hơi.

Trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội trình bày tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đầu tư toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn do các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và lo ngại về suy thoái toàn cầu. Lãi suất tại Mỹ tăng cùng với USD tăng giá mạnh đã làm tăng chi phí tài chính. Bên cạnh đó, các điều kiện tài chính thắt chặt và triển vọng kinh tế không chắc chắn cũng làm giảm động lực của các nhà đầu tư.

Tuy vậy, trong bối cảnh này, khu vực Đông Nam Á đang được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng đi kèm với dòng vốn đầu tư, dẫn đến sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khối các nước ASEAN khi các doanh nghiệp thành lập nhà máy sản xuất, cơ sở kho bãi, mạng lưới phân phối và các cơ sở khác tại khu vực.

Trong nguy có cơ, song quan trọng là, Việt Nam có tận dụng được cơ hội này hay không?

Một báo cáo vừa được phía Indonesia công bố cho biết, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đã thu hút được 45,6 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2022, tăng 44,2% so với năm 2021. Đây là mức tăng trưởng đầu tư nước ngoài cao nhất thế giới vào năm ngoái. Nên nhớ, đây là số vốn giải ngân và chiếm 54,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Indonesia trong năm 2022.

Trong khi đó, Trung Quốc - mặc dù vẫn đóng cửa nền kinh tế - nhưng thu hút được một lượng vốn “khủng”. Chỉ trong 10 tháng năm 2022, Trung Quốc đã thu hút được gần 1.090 tỷ nhân dân tệ, tương đương 140 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2021. Thậm chí, nếu tính theo USD, dòng vốn đầu tư này còn tăng 17,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 168,34 tỷ USD.

Khi Trung Quốc mở cửa trở lại, có thể dòng vốn đầu tư sẽ dịch chuyển khỏi nền kinh tế này, nhưng đây cũng sẽ là “thỏi nam châm” hút đầu tư nước ngoài. Ở khu vực châu Á, thậm chí là trên toàn cầu, Trung Quốc vẫn là địa điểm đầu tư và sản xuất hấp dẫn. “Ở khu vực, Trung Quốc vẫn là điểm đến đầu tư hàng đầu, do vậy, khi họ mở cửa, vốn sẽ chảy vào thị trường này, hạn chế vào Việt Nam và các nền kinh tế khác trong khu vực”, ông Đỗ Văn Sử cũng đã nói như vậy.

Trong khi đó, Indonesia thực sự là một “đối thủ” đáng gờm với Việt Nam, khi những năm gần đây đã tung ra nhiều chính sách mới để cạnh tranh đón dòng vốn đầu tư dịch chuyển. Chưa kể, trong khu vực, Thái Lan cũng là một địa điểm đầu tư hấp dẫn…

Khi áp lực cạnh tranh lớn, Việt Nam buộc phải “nhanh chân” hơn trong cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài!

Trong một báo cáo vừa được công bố cách đây ít ngày, Ngân hàng HSBC đã có những nhận định về cơ hội đón dòng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại. Không chỉ là vốn từ Trung Quốc đại lục, mà còn là sự dịch chuyển từ các nhà sản xuất khác. HSBC đã dẫn những cái tên như Foxconn, Luxshare… để minh chứng cho nhận định của mình.

Tin bài liên quan