
Hàng loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm được đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Trong ảnh: cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền
Đầu mối giao thông của vùng
Phát biểu chỉ đạo tại lễ công bố các nghị quyết về sáp nhập tỉnh, quyết định thành lập Đảng bộ tỉnh và nhân sự lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long vào ngày 30/6, khi đề cập tiềm năng, lợi thế của tỉnh Vĩnh Long mới (sáp nhập 3 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long), Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng, tỉnh có vị trí chiến lược ở trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với hệ thống giao thông thủy - bộ đan xen, kết nối thuận lợi nội vùng và liên vùng, tạo điều kiện phát triển các hành lang kinh tế động lực.
Nằm giữa hạ lưu sông Tiền, sông Hậu và giáp biển Đông, tỉnh Vĩnh Long đóng vai trò đầu mối giao thông thủy - bộ của vùng ĐBSCL. Thời gian qua, nhiều dự án trọng điểm cấp quốc gia và cấp tỉnh được triển khai đồng bộ, mang lại hiệu ứng lan tỏa rõ rệt, kết nối thuận lợi Vĩnh Long với các tỉnh trong vùng ĐBSCL và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP.HCM thông qua các tuyến giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1, Quốc lộ 60, Quốc lộ 53, Quốc lộ 53B, Quốc lộ 57, Quốc lộ 57B, Quốc lộ 57C, Quốc lộ 54, Quốc lộ 80, các tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, cùng với hệ thống các cầu Mỹ Thuận 1, Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Hàm Luông, cầu Cần Thơ...
Đặc biệt, là tỉnh có sông Tiền, sông Hậu chảy qua, Vĩnh Long còn có hệ thống giao thông đường thủy thuận lợi, với 6 cửa sông lớn đổ ra biển Đông, gồm cửa Đại, cửa Ba Lai, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu và cửa Định An. Cùng với đó, nhiều tuyến vận tải thủy liên tỉnh, quốc gia đi qua, tiêu biểu là tuyến vận tải Vũng Tàu - Thị Vải - TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ; tuyến TP.HCM - Cà Mau; tuyến sông Cổ Chiên từ cửa Cổ Chiên đến ngã ba sông Tiền; tuyến cửa Định An - biên giới Campuchia (qua sông Hậu). Đây là các tuyến giao thông thủy quan trọng thông thương ĐBSCL với biển Đông, kết nối với cả nước và quốc tế.
![]() |
Động lực bứt phá
Bên cạnh các dự án giao thông trọng điểm đã được đưa vào khai thác, hàng loạt công trình dự án hạ tầng giao thông chiến lược, có tính lan tỏa, kết nối giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với các vùng, miền khác của cả nước đang triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long như cầu Rạch Miễu 2 (kết nối Đồng Tháp - Vĩnh Long), cầu Đại Ngãi (kết nối Vĩnh Long - TP. Cần Thơ), cầu Cửa Đại (kết nối Vĩnh Long - Đồng Tháp), cầu Cần Thơ 2 (kết nối Vĩnh Long - TP. Cần Thơ) và các dự án cầu kết nối nội tỉnh như Ba Lai 8, Đình Khao, Cổ Chiên 2… Đây là các dự án hạ tầng giao thông có ý nghĩa rất quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân trong vùng ĐBSCL nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng.
Trong đó, Dự án cầu Rạch Miễu 2 có tổng mức đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng, đã hợp long cầu chính dây văng vào ngày 30/4/2025, dự kiến thông xe dịp Quốc khánh 2/9/2025. Đây là một trong những công trình giao thông trọng điểm của quốc gia, khi đưa vào hoạt động góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trên tuyến Quốc lộ 60 - trục hành lang ven biển kết nối các tỉnh duyên hải phía Nam với TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ, giảm tải cho cầu Rạch Miễu hiện hữu thường xuyên ùn tắc, nhất là vào các giờ cao điểm, dịp lễ, tết…
Cũng trên tuyến Quốc lộ 60, Dự án cầu Đại Ngãi (kết nối Vĩnh Long - TP. Cần Thơ) đang được khẩn trương thi công. Đây là công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, có vốn đầu tư 7.962 tỷ đồng. Dự án có tổng chiều dài hơn 15 km, điểm đầu giao Quốc lộ 54 (tỉnh Vĩnh Long); điểm cuối giao Quốc lộ Nam Sông Hậu (TP. Cần Thơ). Dự án gồm 2 cầu chính gồm cầu Đại Ngãi 1 qua luồng Định An dài hơn 2,5 km, rộng 19 m. Phần cầu chính dạng dây văng có 2 trụ tháp cao 110 m (tính từ mặt cầu), nhịp chính 450 m; cầu Đại Ngãi 2 dài 862 m, dạng đúc hẫng cân bằng qua luồng Trần Đề, mặt cầu rộng 17,5 m.
Trong đó, cầu Đại Ngãi 2 đã hợp long vào ngày 5/1/2025, dự kiến đưa vào khai thác dịp lễ Quốc khánh 2/9 tới. Còn cầu Đại Ngãi 1 đang được các nhà thầu tăng tốc thi công nhằm đảm bảo tiến độ dự án.
Theo tiến độ, công trình cầu Đại Ngãi sẽ hoàn thành cơ bản trong năm 2027, hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2028, giúp nối thông suốt toàn tuyến Quốc lộ 60, tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam và với TP.HCM, rút ngắn thời gian đi lại, giảm chi phí vận tải, lưu thông hàng hóa, mở rộng giao thương và phá bỏ thế độc đạo của Quốc lộ 1, rút ngắn khoảng 80 km so với tuyến Quốc lộ 1 khi di chuyển từ Cà Mau về TP.HCM.
Trong khi đó, Dự án cầu Đình Khao, nối hai tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre (cũ), đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 10/2024. Dự án dài khoảng 4,3 km; đầu tư theo quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h; tuyến và các cầu trên tuyến rộng 12 m, giai đoạn hoàn thiện rộng 20,5 m, giải phóng mặt bằng hoàn thiện một lần; riêng cầu Đình Khao vượt sông Cổ Chiên dài 1,54 km, hoàn thiện rộng 17,5 m (4 làn xe). Dự án có tổng mức vốn đầu tư (gồm cả lãi vay) khoảng 2.971 tỷ đồng.
Sau khi đưa vào sử dụng (dự kiến trong năm 2028), Dự án sẽ góp phần hoàn thiện và nâng cao năng lực khai thác cho Quốc lộ 57, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại tuyến phà Đình Khao, bảo đảm kết nối với hệ thống quốc lộ và cao tốc, rút ngắn thời gian di chuyển giữa Vĩnh Long với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, tăng cường liên kết vùng giữa các tỉnh.
Còn các dự án cầu Cổ Chiên 2, cầu Cửa Đại thuộc Dự án tuyến đường bộ ven biển ĐBSCL đang được tiến hành các thủ tục đầu tư theo quy định.
Riêng Dự án cầu Cần Thơ 2, ngày 18/6/2025, tại trụ sở Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà đã chủ trì cuộc họp về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 và đường dẫn hai đầu cầu. Về quy mô đầu tư, thống nhất phương án đầu tư theo quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h, bề rộng làn xe 3,75 m; ưu tiên phương án không bố trí làn dừng xe khẩn cấp trên cầu chính để tiết kiệm kinh phí đầu tư.
Cùng với các dự án cầu, Vĩnh Long còn có nhiều dự án giao thông qua địa bàn tỉnh đã được đưa vào Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, như Cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng (CT.33); Cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh (CT.36) và Tuyến đường bộ ven biển kết nối TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL.
Trong đó, cao tốc TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng (CT.33) và Tuyến đường bộ ven biển ĐBSCL là trục kết nối không gian hướng Bắc - Nam của tỉnh, tạo thuận lợi cho các hoạt động giao thương hàng hóa giữa tỉnh Vĩnh Long với các trung tâm đầu mối tiểu vùng phía Đông và các chùm đô thị liên vùng ĐBSCL, kết nối với TP.HCM.
Còn tuyến cao tốc trục ngang Hồng Ngự - Trà Vinh (CT.36) là trục kết nối Đông - Tây của tỉnh Vĩnh Long, kết nối các trung tâm kinh tế, đô thị của tỉnh với các tỉnh thượng nguồn sông Cửu Long, các khu kinh tế cửa khẩu và Campuchia.
Ngoài ra, Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ (đi qua tỉnh Vĩnh Long) đang được Bộ Xây dựng lập Báo cáo tiền khả thi, mục tiêu đưa vào khai thác đồng bộ cùng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Tuyến này có chiều dài khoảng 175 km, lộ trình đầu tư trước năm 2030.
Với việc kết nối thông suốt hệ thống đường bộ cao tốc, đường ven biển phía Đông cùng hệ thống giao thông thủy đồng bộ sẽ hình thành các trục động lực, mở ra không gian phát triển kinh tế rộng lớn cho tỉnh. Từ đó, hình thành các khu đô thị, dịch vụ, công nghiệp; đồng thời tháo gỡ “điểm nghẽn” về logistics, tăng thêm sức cạnh tranh hàng hóa, sản phẩm; tăng thêm sức hấp dẫn về môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh để tỉnh thu hút đầu tư ngày càng tốt hơn.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, tỉnh đang phối hợp với Trung ương đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, triển khai các công trình, dự án trọng điểm như cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi, cầu Đình Khao, tuyến tránh Quốc lộ 57, cải tạo Quốc lộ 53 đoạn Long Hồ - Ba Si; nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 54; Quốc lộ 60; tranh thủ nguồn lực trung ương đầu tư xây dựng Tuyến đường hành lang ven biển, cầu Cổ Chiên 2.
Đồng thời, tập trung đầu tư xây dựng và nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh, đường huyện mới và kéo dài, đầu tư thay thế các cầu yếu gắn với công tác bảo trì nhằm bảo đảm đồng bộ, thông suốt giữa giao thông đường bộ với đường thủy, cảng biển, các khu, cụm công nghiệp và Khu kinh tế Định An.