Apple tăng trưởng kỷ lục ở Việt Nam, miếng bánh thị phần liệu có thay đổi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trái với bức tranh ảm đạm của nhóm bán lẻ sản phẩm ICT, doanh số của Apple khi mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam lại trở thành điểm sáng.
Apple tăng trưởng kỷ lục ở Việt Nam, miếng bánh thị phần liệu có thay đổi

Doanh thu quý IV của Apple đạt kỷ lục tại Việt Nam sau khi mở cửa hàng trực tuyến

Trong quý IV/2023 (từ 1/7 đến 30/9/2023), Apple ghi nhận doanh thu thuần đạt 89,5 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng và lợi nhuận ròng đạt 22,96 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Lũy kế trong niên độ tài chính năm 2023, Apple ghi nhận doanh thu đạt 383,29 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 97 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ.

Điểm đáng lưu ý trong quý IV là dù Apple giảm doanh thu nhưng lợi nhuận lại tăng trưởng, nguyên nhân chủ yếu do giảm giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp so với cùng kỳ, điều này dẫn tới lợi nhuận vẫn tăng trưởng tới 10,8% so với cùng kỳ.

Cơ cấu doanh thu Apple theo khu vực và dòng sản phẩm trong quý IV

Cơ cấu doanh thu Apple theo khu vực và dòng sản phẩm trong quý IV

Nếu xét cơ cấu doanh thu theo khu vực trong quý IV, Mỹ ghi nhận doanh thu đạt 40,12 tỷ USD, chiếm 44,8% tổng doanh thu; châu Âu ghi nhận doanh thu đạt 22,46 tỷ USD, chiếm 25,1% tổng doanh thu; Trung Quốc ghi nhận doanh thu đạt 15,08 tỷ USD, chiếm 16,9% tổng doanh thu; Nhật Bản ghi nhận doanh thu đạt 5,51 tỷ USD, chiếm 6,1% tổng doanh thu…

Nếu xét theo dòng sản phẩm, dòng iPhone ghi nhận doanh thu đạt 43,81 tỷ USD, chiếm 49% tổng doanh thu; dòng sản phẩm Macbook doanh thu đạt 7,61 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng doanh thu; dòng sản phẩm iPad doanh thu đạt 6,44 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng doanh thu; và các dòng sản phẩm khác.

“Chúng tôi đã đạt được doanh thu kỷ lục ở Ấn Độ cũng như kỷ lục quý kết thúc ngày 30/9/2023 ở một số quốc gia, bao gồm Brazil, Canada, Pháp, Indonesia, Mexico, Philippines, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE, Việt Nam... Doanh thu iPhone đã vượt kỳ vọng của chúng tôi, lập kỷ lục trong quý IV cũng như kỷ lục hàng quý tại nhiều thị trường, bao gồm Trung Quốc đại lục, Mỹ Latinh, Trung Đông, Nam Á và kỷ lục mọi thời đại ở Ấn Độ”, Tim Cook, CEO của Apple nói.

Tim Cook cho biết thêm, trong năm vừa qua, Apple đã cố gắng kết nối khách hàng ở nhiều thị trường hơn như mở cửa hàng đầu tiên tại Ấn Độ; mở thêm cửa hàng tại các thị trường như Hàn Quốc, Trung Quốc và Vương quốc Anh. Bên cạnh đó, động thái mở cửa hàng Apple trực tuyến tại Việt Nam và Chile cũng là một điểm nhấn được ông nhắc tới trong bài báo cáo của mình.

Trước đó, ngày 18/5/2023, Apple đã mở cửa hàng online tại thị trường Việt Nam, điều này đồng nghĩa khách hàng Việt Nam có thể mua trực tiếp các sản phẩm của Apple như iPhone, iPad, MacBook, Apple Watch… mà không phải thông qua các nhà bán lẻ tại Việt Nam.

Có thể thấy, việc mở cửa hàng trực tuyến đã giúp Apple đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng mà không cần thông qua trung gian, điều này đã góp phần giúp doanh số của Apple tại Việt Nam ghi nhận mức kỷ lục trong quý IV (từ 1/7 đến 30/9).

Thêm nữa, với sự kiện ra mắt dòng iPhone 15 vào ngày 13/9 và tới tay người tiêu dùng Việt Nam từ cuối tháng 9/2023, điều này dự báo sẽ giúp Apple tiếp tục ghi nhận doanh thu tích cực trong quý I niên độ tài chính năm 2024 (từ 1/10 đến 31/12/2023).

Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam về sản phẩm ICT đang lao dốc

Trái với bức tranh tích cực của Apple tại Việt Nam, hai công ty bán lẻ lớn tại Việt Nam là CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã MWG – sàn HOSE) và CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, mã FRT – sàn HOSE) lại cho thấy dấu hiệu đi lùi cả doanh thu và lợi nhuận khi bước vào cuộc chiến cạnh tranh về giá từ đầu năm 2023 tới nay.

Trước đó, đầu năm khi nhu cầu suy yếu, tại Đại hội đồng cổ đông thường của Thế giới Di động, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT tự tin khẳng định với cổ đông: “Với vai trò nhà đầu tư, nếu các bạn cũng đầu tư vào các đối thủ cạnh tranh, các bạn sẽ nghe thấy tiếng rên xiết trong thời gian sắp tới, và nó sẽ kéo dài chứ không phải ngắn hạn đâu. Các bạn chuẩn bị cho tinh thần đó đi”.

Tuy nhiên, bức tranh tài chính của nhóm bán lẻ đang cho thấy đà lao dốc trong quý III và 9 tháng đầu năm 2023, cũng như dự kiến sẽ tiếp tục suy giảm trong quý còn lại của năm 2023 do sức mua yếu, cạnh tranh về giá làm thu hẹp biên lợi nhuận của tất cả doanh nghiệp trong ngành.

Đối với Thế giới Di động, trong quý III/2023, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 30.287,7 tỷ đồng, giảm 5,4% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 38,82 tỷ đồng, giảm 95,7% so với cùng kỳ. Luỹ kế trong 9 tháng đầu năm 2023, Thế giới Di động ghi nhận doanh thu đạt 86.858,3 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 77,51 tỷ đồng, giảm 97,8% so với cùng kỳ.

Trong đó, 9 tháng đầu năm 2023, biên lợi nhuận ròng của Thế giới Di động giảm từ 3,39%, về 0,09%, thấp hơn trung bình giai đoạn trước đó dao động từ 3 - 4%.

Tương tự, đối với FPT Retail, trong quý III, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 8.235,95 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm ghi nhận 23.159,63 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế quý III lỗ 13,02 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng lỗ 225,7 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 301,4 tỷ đồng, giảm 527,1 tỷ đồng.

Quyền quyết định giá trần vẫn nằm trong tay của Apple

Quay trở lại với câu chuyện của Apple khi thị trường Việt Nam vẫn ghi nhận doanh số tăng trưởng kỷ lục bất chấp các nhà bán lẻ gặp khó khăn. Việc ghi nhận doanh số tăng trưởng sẽ là một tín hiệu tích cực và để ngỏ khả năng trong tương lai Apple sẽ có nhiều động thái hơn nữa để phát triển tại thị trường Việt Nam, cũng như đưa sản phẩm trực tiếp tới tay người tiêu dùng Việt Nam thay vì các kênh trung gian.

Thực tế, câu chuyện của Apple đang được nhiều chuyên gia phân tích liên tưởng tới kịch bản thương mại điện tử phát triển bùng nổ ở Việt Nam và trong khu vực trong những năm qua khi mà các nhãn hàng đã trực tiếp mở cửa hàng trên các trang thương mại điện tử, bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng thay vì thông qua các đơn vị trung gian như siêu thị, chợ truyền thống hay cửa hàng tạp hoá như những năm trước đây.

Các dòng sản phẩm Apple đều đã được khẳng định tên tuổi trên toàn cầu, vì vậy người tiêu dùng sẽ không quá quan trọng đơn vị trung gian bán hàng, mà quan trọng thời gian giao hàng, điểm bảo hành, trải nghiệm mua sản phẩm công nghệ và mức giá cạnh tranh.

Trước đó, khi mới mở cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam, các dòng sản phẩm do Apple bán vẫn có mức giá cao hơn so với các cửa hàng bán lẻ nếu không tính tới chương trình khuyến mãi cụ thể để cho các cửa hàng bán lẻ có thể vẫn kinh doanh bình thường.

Tuy nhiên, với việc áp dụng giá trần như vậy, các đơn vị bán lẻ không còn “thổi giá” dòng sản phẩm Apple mới ra mắt khi mới về Việt Nam như những năm trước, điều này giúp bình ổn giá ngay từ đầu, đồng thời cũng sẽ thu hẹp biên lợi nhuận của các chuỗi bán lẻ nếu xảy ra tình trạng khan hiếm hàng như những năm trước, cũng như khó thực hiện chiến lược giá hớt váng (price skimming) đối với các dòng sản phẩm mới ra mắt tại thị trường Việt Nam.

Như vậy, quyền quyết định, cũng như sự chủ động kinh doanh dòng sản phẩm Apple đang không còn thuộc về các nhà bán lẻ tại Việt Nam như những năm trước đây khi Apple không xem Việt Nam là thị trường ưu tiên, để cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước tự kinh doanh. Tuy nhiên, bắt đầu từ khi mở cửa hàng bán trực tuyến tại Việt Nam, Apple đã và sẽ thiết lập lại cuộc chơi, mức giá trần và giành thị phần từ các nhà bán lẻ trong nước là điều khó tránh khỏi.

Tin bài liên quan