Vào dịp cuối năm, lượng người rút tiền tăng gấp nhiều lần khiến các ngân hàng phải luôn tiếp quỹ cho các cây ATM (Ảnh minh họa: Vnexpress)

Vào dịp cuối năm, lượng người rút tiền tăng gấp nhiều lần khiến các ngân hàng phải luôn tiếp quỹ cho các cây ATM (Ảnh minh họa: Vnexpress)

ATM quá tải, các ngân hàng nói gì?

(ĐTCK-online) Đến hẹn lại lên, thời điểm sát Tết Nguyên đán, các cây ATM luôn quá tải, nghẽn mạng, lỗi… Mặc dù các ngân hàng đã lường trước và chuẩn bị những biện pháp đối phó với tình huống trên nhưng câu chuyện trên vẫn còn xảy ra. Vấn đề là thái độ ứng xử của các ngân hàng như thế nào trước những sự cố trên.

Đảo qua các trung tâm mua bán, siêu thị, toà nhà văn phòng… thời gian này, đều thấy, lượng khách hàng xếp hàng chờ rút tiền tại các cây ATM khá lớn. Dự đoán, lượng khách rút tiền sẽ còn tăng gấp 3, 4 lần trong những ngày cận Tết. Do vậy, ATM của hệ thống ngân hàng hoạt động quá công suất, đôi khi xảy ra sự cố không mong đợi như: thông báo hết tiền, kẹt giấy, nghẽn mạng, treo máy không hoạt động…

Theo NHNN, đến cuối năm 2010, có 53% đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện trả lương qua tài khoản, số lượng thẻ phát hành trên phạm vi cả nước đạt khoảng 28,5 triệu thẻ, hơn 11.000 ATM và gần 50.000 thiết bị chấp nhận thẻ (POS) được lắp đặt. Việc kết nối hệ thống ATM, POS thành một hệ thống thống nhất trên toàn quốc được triển khai tích cực, trong đó, liên minh thẻ Banknet-VNBC-Smartlink đã kết nối liên thông hệ thống ATM trên phạm vi toàn quốc.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank cho rằng, những con số trên cho thấy, năm 2010, là một năm thành công của ngành ngân hàng trong việc không sử dụng tiền mặt. Ông Vinh chia sẻ, Techcombank đã đầu tư hàng triệu USD thời gian qua và đưa vào hệ thống hơn 1.000 ATM tính đến tại thời điểm hiện tại. Do vậy, việc tiếp quỹ để đảm bảo lưu thông một cách trôi chảy cho 1.000 ATM không hề dễ dàng và việc nảy sinh những trục trặc là điều khó tránh, đặc biệt vào những ngày lễ, Tết Nguyên đán.

Cũng theo ông Vinh, tại Techcombank, trung bình 1 ngày, có trên dưới 30.000 đến 50.000 giao dịch cả ATM và POS; trong một tháng, số giao dịch lên đến hàng triệu. Bên cạnh đó, vẫn còn vài trăm và có thời điểm cao nhất là 2 nghìn giao dịch trong một tháng có trục trặc. Nếu nhìn vào tổng thể thì con số trên là không nhiều. Tuy nhiên, hiện nay, Techcombank và các ngân hàng khác đã có kinh nghiệm và đang nỗ lực làm cho hệ thống tốt lên để giảm thiểu tỷ lệ trục trặc. "Nếu trục trặc xảy ra, Ngân hàng sẽ tận tình tiếp cận với khách hàng để xử lý nhanh, giúp khách hàng ít bị ảnh hưởng nhất", ông Vinh nói.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Đức, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong chia sẻ, nhu cầu của khách hàng rút tiền vào thời điểm Tết đột biến chỉ mang tính chất thời vụ. Ngoài lý do khách quan là việc tiếp quỹ không kịp thì trục trặc đôi khi cũng do yếu tố hạ tầng, đường truyền chưa đảm bảo. "Do vậy, nếu có bất kỳ trục trặc gì, hãy liên lạc đến trung tâm thẻ, chúng tôi luôn sẵn sàng nhân viên túc trực 24/7 để hỗ trợ tối đa cho khách hàng", ông Đức nói.

Ông Nguyễn Tấn Vinh, Giám đốc Trung tâm thẻ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, từ cuối tháng 11, BIDV đã tăng cường rà soát các cây ATM. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Ngân hàng đã lường trước sự đột biến nên đã chỉ đạo giám sát trên hệ thống trung tâm và chi nhánh sát sao. Do vậy, cây ATM nào có vấn đề là xử lý kịp thời hay thiếu tiền là khẩn trương tiếp quỹ. "Có những ngày BIDV tiếp quỹ đến hai lần", ông Vinh chia sẻ.