Nợ công tại một số nước, đặc biệt là Hy Lạp vẫn đang đe doạ vị thế của đồng Euro

Nợ công tại một số nước, đặc biệt là Hy Lạp vẫn đang đe doạ vị thế của đồng Euro

Âu châu cuống quýt lo vá “lỗ thủng” Hy Lạp

(ĐTCK-online) “Con thuyền" đồng tiền chung châu Âu lại chực chìm khi "lỗ thủng" mang tên Hy Lạp vừa doãng ra trở lại trong thời gian gần đây. Các nhà lãnh đạo của lục địa già, từ Uỷ ban châu Âu (EU), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho đến lãnh đạo các chính phủ, bộ trưởng tài chính các nước thành viên (tất nhiên là bao gồm cả "khổ chủ" Hy Lạp") đang cuống quýt tụ họp để bàn cách lấp lại "lỗ hổng" này nhanh nhất có thể.

Cái giá phải trả cho thất bại trong việc lấp lỗ thủng này là điều rất tồi tệ mà việc đồng EUR nhanh chóng rớt giá sau khi S&P hạ mức xếp hạng tín dụng của Hy Lạp vừa qua chỉ là một dấu hiệu cảnh báo.

Một cảnh báo lớn tiếng cũng đã được phát ra từ ECB, rằng, một sự tái cơ cấu các khoản nợ của Hy Lạp, dù nhẹ nhàng, cũng có thể gây ra một sự "tan chảy hạt nhân" ngay trong lòng hệ thống ngân hàng của nước này và sẽ lan rộng thành một cuộc khủng hoảng tài chính trên phạm vi toàn châu Âu.

Các quan chức từ ECB, IMF và EU hiện đang có mặt tại Athens (thủ đô của Hy Lạp) để bàn cách huy động một lượng tiền bổ sung, trong đó có cả việc đề nghị Chính phủ Hy Lạp phải bán bớt tài sản nhà nước. Bộ ba này được kỳ vọng sẽ đi đến kết luận vào đầu tuần tới.

Trong khi đó, bộ trưởng tài chính các nước thành viên của liên minh tiền tệ châu Âu cũng đã hẹn gặp nhau vào hôm nay, thứ Tư, mục đích cũng là để cùng nhau đi đến một thoả thuận chung nhằm giải cứu Hy Lạp.

"Chúng tôi sẽ cố gắng giải quyết vấn đề của Hy Lạp trong khoảng thời gian từ giờ cho đến cuối tháng 6", Bộ Trưởng Tài chính Luxembourg, Jean-Claude Juncker, nói hôm thứ Hai.

Các quan chức châu Âu đã dự tính một gói hỗ trợ mới cho Hy Lạp trị giá 60 - 70 tỷ EUR (86 - 100 tỷ USD) để bổ sung cho gói cũ là 110 tỷ EUR nhằm giúp nước này thoát khỏi khả năng vỡ nợ. Trong gói mới này, Chính phủ Hy Lạp sẽ phải tự lo một nửa thông qua việc bán bớt các tài sản nhà nước (tư nhân hoá), tăng thuế và cắt giảm chi tiêu (biện pháp khắc khổ), đồng thời đàm phán giãn nợ với các chủ nợ tư nhân. Các biện pháp này của Chính phủ Hy Lạp cũng được xem là điều kiện đối trọng để cộng đồng hỗ trợ giải ngân số tiền còn lại.

Tuy nhiên, bản kế hoạch trên vẫn chưa hội đủ chữ ký của các bên tham gia đàm phán. Chính một số quan chức tham gia đàm phán đã cảnh báo, bất kỳ thành tố nào trong gói cứu trợ mới nói trên cũng có thể vấp phải sự phản đối kịch liệt của ít nhất một trong các chính phủ hoặc tổ chức tham gia vào cuộc đàm phán đang diễn ra và vì thế, nó vẫn có thể rơi vào bế tắc.

Một trong các thành viên được đồn đoán sẽ tiên phong hỗ trợ Hy Lạp là Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Giới thạo tin cho rằng, Đức đang xem xét giảm sự thúc giục Hy Lạp cơ cấu lại các trái phiếu nhằm dọn đường cho một gói hỗ trợ tín dụng mới đối với Hy Lạp. Sự nhượng bộ của Đức, theo đó nước này sẽ cho Hy Lạp vay thêm tiền ngay cả khi không có sự san sẻ gánh nặng từ các trái chủ trong ngắn hạn, sẽ giúp châu Âu vượt qua được thế bế tắc trong việc tài trợ gấp cho Hy Lạp hiện nay, trước khi nước này cạn kiệt tiền vào giữa tháng 7 tới.

Gần như đối lập với Đức hiện nay là IMF, quỹ này hiện vẫn khăng khăng yêu cầu Hy Lạp phải đưa ra một cách rõ ràng kế hoạch tài chính đến năm 2012 trước khi tổ chức này giải ngân tiền để hỗ trợ Hy Lạp vượt qua được mùa hè này. IMF hiện đang từ chối chi ra thêm bất cứ khoản tiền nào.

Vai trò của IMF là rất quan trọng. Nếu không có sự hỗ trợ từ tổ chức này, không chỉ các chính phủ của khu vực đồng Euro sẽ phải chịu áp lực lấp chỗ trống mà Hy Lạp còn có thể sẽ vỡ nợ thực sự. Để đưa IMF trở lại, một thỏa thuận chung cần phải được thống nhất thông qua bởi các bộ trưởng tài chính EU trong cuộc họp tới đây.

Mặc dù phải đối diện với những rào cản và áp lực được tạo ra từ 3 tuần trước, khi mà IMF dọa sẽ từ chối giải ngân 12 tỷ EUR tiền cứu trợ cho Hy Lạp trừ khi nước này có thể chứng tỏ sẽ đáp ứng được tất cả các yêu cầu của khoản tài trợ, các quan chức châu Âu vẫn nghĩ rằng, Hy Lạp sẽ có thể trở lại thị trường tài chính để tìm kiếm các khoản vay mới.

Hy Lạp cũng đã có những động thái tích cực nhằm làm hài lòng cộng đồng cứu trợ. Dù thất bại trong việc đi đến một sự đồng thuận giữa các đảng phái đối với các biện pháp khắc khổ mới và dù làn sóng người phản đối đang lan rộng trên các đường phố ở thủ đô Athens, Chính phủ Hy Lạp cũng đã có bước tiến quan trọng trong việc chuẩn bị tự thu xếp hàng tỷ EUR thông qua cắt giảm chi tiêu, tăng thuế và tư nhân hóa tài sản nhà nước.