Bà Trần Thị Lâm, người theo học đại học tuổi 64, rời ghế Phó tổng giám đốc VietBank (VBB)

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương tín (VietBank, mã VBB - UPCoM) vừa có văn bản thông báo miễn nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc đối với bà Trần Thị Lâm theo nguyện vọng cá nhân. Quyết định miễn nhiệm có hiệu lực từ ngày 26/3.
Bà Trần Thị Lâm, người theo học đại học tuổi 64, rời ghế Phó tổng giám đốc VietBank (VBB)

Ngoài chức vụ tại VietBank, bà Lâm còn là Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm và tham gia sáng lập Bệnh viện Quốc tế CIH, Bệnh viện Gia An 115. Bà Lâm thôi điều hành tại VietBank nhằm tập trung xây dựng hai trung tâm chữa ung thư là Trung tâm tế bào gốc và Trung tâm hạt nhân thuộc Bệnh viện Gia An 115.

Hiện bà Lâm và Bệnh viện Gia An 115 đang đàm phán với Tập đoàn Siemens, Sumitumo để xây dựng 2 trung tâm này và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm nay.

Bà Trần Thị Lâm là cử nhân Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế Quốc dân. Bà bắt đầu theo học đại học ở tuổi 64 và tốt nghiệp năm 67 tuổi. Bà Lâm có hơn 30 năm kinh nghiệm trong công tác quản trị và điều hành. Từ ngày 19/5/2023, bà Trần Thị Lâm được Hội đồng quản trị VietBank bổ nhiệm giữ chức vụ Phó tổng giám đốc. Trước đó, vào năm 2006, bà Lâm là một trong những cổ đông sáng lập ngân hàng Vietbank với vốn điều lệ 200 tỷ đồng.

Từ năm 2006 đến 2021, ông Dương Ngọc Hòa, Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Lâm (chồng bà Lâm) làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị VietBank. Nhưng kể từ tháng 4/2021, con trai bà Lâm là ông Dương Nhất Nguyên đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT VietBank.

Sau quyết định miễn nhiệm bà Trần Thị Lâm, ban điều hành VietBank hiện còn lại 6 người, trong đó bà Trần Tuấn Anh giữ cương vị Tổng giám đốc Ngân hàng.

Theo Báo cáo quản trị 2023 của VietBank, hiện gia đình bà Lâm đang sở hữu 11,73% vốn VietBank, trong đó, ông Dương Ngọc Hòa (chồng) nắm 4,55% vốn, ông Dương Nhất Nguyên (con trai) nắm 3,36%, con gái Dương Mai Anh nắm 2,1% và Dương Bảo Anh nắm 1,7%.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, thu nhập lãi thuần của VietBank tăng đến 55% so với cùng kỳ, đạt gần 724 tỷ đồng. Lãi từ dịch vụ giảm 31% còn gần 26 tỷ đồng, chủ yếu do thu nhập dịch vụ giảm. Đặc biệt là thu nhập từ đại lý bảo hiểm, thu nhập từ quản lý tài khoản, trong khi chi phí từ dịch vụ tăng, chủ yếu do chi phí dịch vụ ngân hàng số.

Hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi gần 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 7 tỷ đồng, do tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Nhờ tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường trái phiếu Chính phủ, mang lại lợi nhuận cho hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư, Vietbank lãi hơn 35 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ thua lỗ.

Đặc biệt, trong quý IV/2023, Ngân hàng giảm 75% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích gần 23 tỷ đồng, do Vietbank kiểm soát các khoản vay, xử lý các khoản nợ quá hạn, nợ xấu. Ngân hàng này cũng cho hay, trong năm qua đã tích cực xử lý nợ và thu hồi nợ xấu. Kết quả, Vietbank lãi trước thuế gần 394 tỷ đồng trong quý IV/2023, gấp 3,5 lần cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2023, Vietbank cũng giảm 63% chi phí dự phòng so với năm trước, chỉ còn trích lập 111 tỷ đồng. Kết quả, Ngân hàng lãi trước thuế hơn 812 tỷ đồng, tăng 24%, nhưng chỉ hoàn thành được 85% so với kế hoạch đưa ra là 960 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2023, tổng tài sản đến cuối năm 2023 ghi nhận hơn 138.258 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại NHNN đạt 9.408 tỷ đồng, tiền gửi tại TCTD khác đạt 26.547 tỷ đồng; cho vay khách hàng tăng 27% so với năm 2023.

Mặc dù nợ xấu của VietBank tại ngày 31/12/2023 giảm 11% so với đầu năm qua còn hơn 2.071 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng giảm từ mức 3,65% đầu năm xuống còn 2,56%.

Trên thị trường, giá cổ phiếu VBB của Vietbank chốt phiên ngày 28/3 đứng ở mức 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan