Phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng sau phát biều của bà Yellen (Ảnh minh họa: AFP)

Phố Wall tiếp tục duy trì đà tăng sau phát biều của bà Yellen (Ảnh minh họa: AFP)

Bà Yellen giúp chứng khoán duy trì đà tăng, giá vàng lao dốc

(ĐTCK) Sự lạc quan của bà Yellen, Chủ tịch Fed khi điều trần trước Quốc hội Mỹ giúp chứng khoán duy trì đà tăng trong phiên thứ Ba bất chấp áp lực chốt lời, trong khi lại khiến giá vàng lao dốc mạnh.

Điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm qua, bà Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn lạc quan về triển vọng nền kinh tế Mỹ và giảm lo ngại nguy cơ về một cuộc suy thoái. Bà Yellen cho biết, Fed sẽ tiếp tục thận trọng trong việc tăng lãi suất cho đến khi nền kinh tế được cải thiện một cách rõ ràng.

Theo Chủ tịch Fed, rủi ro trước mắt chính là cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý của Anh về việc đi hay ở lại với Liên minh châu Âu (EU) sẽ tổ chức vào ngày 23/6 tới. Nếu Brexit - Anh rời EU xảy ra, sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng kinh tế Mỹ.

Bà Yellen cũng đề nghị Fed không tăng lãi suất trong cuộc hợp tới đây sẽ diễn ra vào cuối tháng 7 cho đến khi có được báo cáo việc làm hàng tháng trong tay.

Sau phát biểu của bà Yellen tự tin về triển vọng kinh tế Mỹ, giảm nguy cơ cuộc suy thoái, nhóm cổ phiếu công nghệ bật tăng, giúp phố Wall có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp trong ngày thứ Ba.

Kết thúc phiên 21/6, chỉ số Dow Jones tăng 24,86 điểm (+0,14%), lên 17.828,73 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,65 điểm (+0,27%), lên 2.088,90 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 6,55 điểm (+0,14%), lên 4.843,76 điểm.

Sau phiên khởi sắc đầu tuần, chứng khoán châu Âu có những rung lắc trong phiên thứ Ba do áp lực chốt lời và ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu khi giá kim loại giảm. Tuy nhiên, về cuối phiên, các thị trường chứng khoán châu Âu đã hồi phục và đóng cửa với sắc xanh khi nhà đầu tư đặt cược vào khả năng Anh sẽ ở lại với EU.

Kết thúc phiên 21/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 22,55 điểm (+0,36%), lên 6.226,55 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 53,52 điểm (+0,54%), lên 10.015,54 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 26,48 điểm (+0,61%), lên 4.367,24 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, dù mở cửa trong sắc đỏ, nhưng chứng khoán Nhật Bản đã đảo chiều thành công để có phiên tăng mạnh tiếp theo nhờ đồng yên giảm giá. Tuy nhiên, thanh khoản trong phiên này không mạnh khi nhà đầu tư vẫn thận trọng với cuộc bỏ phiếu về Brexit sắp diễn ra.

Tương tự, chứng khoán Hồng Kông cũng duy trì đà tăng trong phiên thứ Ba khi tâm lý lo sợ Brexit trước phần nào được giảm bớt sau cuộc thăm dò cuối tuần trước. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục quay đầu giảm điểm khi lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế nước này vẫn hiện hữu.

Kết thúc phiên 21/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 203,81 điểm (+1,28%), lên 16.169,11 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 158,24 điểm (+0,77%), lên 20.668,44 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 10,25 điểm (-0,35%), xuống 2.878,56 điểm.

Trên thị trường vàng, sau khi giá kim loại quý này leo lên sát ngưỡng 1.300 USD/ounce, áp lực chốt lời ngắn hạn gia tăng, đẩy giá kim loại quý này đảo chiều, Bước sang phiên Mỹ, đà giảm còn mạnh hơn sau khi Chủ tịch Fed tự tin về triển vọng tích cực của nền kinh tế lớn nhất thế giới và giảm nguy cơ về một cuộc suy thoái. Bên cạnh đó, đồng USD hồi phục trở lại sau 4 phiên giảm liên tiếp cũng góp phần đẩy giá vàng giảm mạnh trở lại.

Kết thúc phiên 21/6, giá vàng giao ngay giảm 22,3 USD (-1,73%), xuống 1.267,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 19,6 USD (-1,52%), xuống 1.272,5 USD/ounce.

Sau 2 phiên tăng mạnh khi nhà đầu tư dự đoán người Anh sẽ bỏ phiếu để ở lại với Liên minh châu Âu, giới đầu tư đã chốt lời khá mạnh trong phiên thứ Ba, khiến giá dầu thô quay đầu giảm.

Giá nhiên liệu này có lúc giảm hơn 2% trong phiên, tuy nhiên, bước vào phiên Mỹ, khi thông tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến, áp lực chốt lời đã dừng lại, giúp giá dầu thô dần hồi trở lại và chốt phiên chỉ còn giảm khoảng 1%.

Theo dữ liệu vừa được Viện Dầu khí Mỹ (API) công bố, kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 5,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 17/6, cao hơn nhiều so với con số 1,7 triệu thùng mà các nhà phân tích dự báo.

Kết thúc phiên 21/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,52 USD (-1,06%), xuống 48,85 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,03 USD (-0,06%), xuống 50,62 USD/thùng.

Tin bài liên quan