Thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đã giúp khu vực doanh nghiệp tư nhân bung ra, lớn mạnh. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty CP Ô tô Trường Hải - doanh nghiệp tiên phong trong ngành công nghiệp ô tô và đang phát triển theo mô hình tập đoàn đa ngành. Ảnh: C.Cường

Thể chế và môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đã giúp khu vực doanh nghiệp tư nhân bung ra, lớn mạnh. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty CP Ô tô Trường Hải - doanh nghiệp tiên phong trong ngành công nghiệp ô tô và đang phát triển theo mô hình tập đoàn đa ngành. Ảnh: C.Cường

Bài học về cải cách và tâm thế của người tiên phong

0:00 / 0:00
0:00
Trong vô vàn dấu ấn của ngành Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung chia sẻ về những chính sách mang tính kích hoạt đổi mới, cải cách.

Những người hay đụng chạm...

Cuộc hẹn làm việc với ông Cung phải chậm lại, vì nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chưa xong việc. Họ đang lên kế hoạch cho đợt nghiên cứu thực tế vào đầu năm tới, để chuẩn bị cho các đề xuất chính sách, nhưng gặp khá nhiều khó khăn. Một vài bộ, ngành, địa phương cho rằng, các đề xuất của họ không phù hợp với quy định hiện hành, nên thiếu hợp tác...

“Chúng ta phải xác định là không thiết kế chính sách trong căn nhà cũ, mà là xây dựng khung nhà mới, thậm chí có thể phá nhà cũ, xây mới. Đó là lý do chúng ta ngồi đây”, ông Cung chia sẻ tâm tư với những đồng nghiệp của mình.

Thưa ông, va chạm giữa những cái mới và cũ là tất yếu trong quá trình phát triển, nhưng điều này hẳn cũng tạo áp lực nhất định cho những nhà hoạch định chính sách?

Về bản chất, đổi mới, cải cách kinh tế Việt Nam chính là chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Nếu định hình rõ như vậy, thì quá trình cải cách sẽ xuôi chèo mát mái, không có quá nhiều zíc zắc.

Tuy nhiên, cho đến giờ, sau hơn gần 35 năm Đổi mới, chúng ta vẫn nói đang trong quá trình chuyển đổi. Lý do là không thực sự dứt khoát.

Tôi có cơ hội được tham gia quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách về doanh nghiệp, môi trường kinh doanh, rồi sau này là tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nên thấy rõ từ khóa của cải cách chính là tự do, tự do và tự do hơn trong kinh doanh, từ đó sẽ dẫn đến thị trường, thị trường và thị trường hơn và vì vậy sẽ cạnh tranh, cạnh tranh hơn.

Với những từ khóa này, việc đụng chạm với hệ thống thể chế và quyền lực hiện hữu là chắc chắn. Vì khi đặt vấn đề tự do kinh doanh, sẽ đẩy vai trò của Nhà nước phải thay đổi. Sự ngăn cản sẽ xuất hiện, vì quản lý nhà nước là quyền lực, quyền lợi.

Sự đụng chạm này chính là đụng chạm giữa quan hệ nhà nước và thị trường, hệ thống quyền lực, quyền lợi, lợi ích của các nhóm, nên rào cản rất lớn.

Quá trình xây dựng, hoàn thiện Luật Doanh nghiệp từ năm 1999 đến giờ có thể là minh chứng cho sự va chạm này, thưa ông? Còn nhớ, trong khá nhiều cuộc làm việc giữa Ban Soạn thảo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì với nhiều bộ, ngành, câu hỏi tại sao lại bỏ công cụ quản lý nhà nước của họ rất hay được nhắc lại.

Mấu chốt nằm ở chỗ, Luật Doanh nghiệp đã chuyển hẳn cách thức xây dựng pháp luật, đúng hơn là tư duy về quản lý nhà nước. Đó là tiếp cận theo hướng chọn bỏ, nghĩa là, thay vì doanh nghiệp được làm những gì pháp luật cho phép, sang được làm những gì pháp luật không cấm.

Sau này, cả Luật Đầu tư cũng theo hướng tư duy này.

Như vậy, quyền và lợi của cơ quan nhà nước, vai trò của cơ quan nhà nước và các bên liên quan thay đổi hẳn. Nhiều điều kiện kinh doanh bị bãi bỏ. Nhà nước từ cấp phép, cho phép phải chuyển sang hậu kiểm.

Cũng cần nói thêm, hậu kiểm đến giờ, theo tôi, vẫn phải làm rõ, đó là cách quản lý nhà nước theo hình thức quản lý rủi ro, dựa trên các nguồn thông tin để phân loại, để có công cụ phù hợp với mức độ rủi ro, mức độ tuân thủ của đối tượng quản lý, chứ không phải như nhiều nơi đang thực hiện là cứ cho doanh nghiệp làm trước rồi kiểm tra, thanh tra sau. Cách hậu kiểm này khiến hoạt động của doanh nghiệp trở nên rủi ro, bất ổn.

Thực tế, nhiều cơ quan quản lý nhà nước kêu ca là bị Luật Doanh nghiệp bỏ đi công cụ quản lý...

Bỏ giấy phép, điều kiện kinh doanh là bỏ đi một công cụ quản lý không còn phù hợp, chứ không bỏ đi chức năng quản lý nhà nước. Các cơ quan quản lý nhà nước phải tìm kiếm các công cụ phù hợp hơn. Khi bảo vệ cho các phiên bản Luật Doanh nghiệp hơn 20 năm qua, chúng tôi đều nhấn mạnh rất rõ điều này.

Nhưng thực tế, việc này không dễ dàng, nhất là khi công cụ quản lý bằng điều kiện kinh doanh, bằng giấy phép thường gắn với quyền lực, lợi ích. Tôi còn nhớ, trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2003, mấy trăm giấy phép con được bãi bỏ, thì đến năm 2015, chúng tôi phát hiện hầu hết đã được khôi phục, thậm chí còn tăng thêm nhiều.

Năm 2018 - 2019 vừa qua, với áp lực của Chính phủ, hơn 50% điều kiện kinh doanh đã được cắt bỏ, đơn giản hóa, nhưng tôi cho là chưa thể nói về thành công, vì nguy cơ quay lại rất lớn.

Nguyên nhân là gì, thưa ông?

Đó là tư duy, vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường chưa được xác định rõ, dẫn đến sức ỳ lớn trong tìm kiếm công cụ quản lý nhà nước mới thay thế những công cụ không còn phù hợp.

Nếu chúng ta quản lý vì sự phát triển, thì Nhà nước sẽ mở không gian hoạt động cho người dân, doanh nghiệp thỏa sức sáng tạo, sáng kiến song song với việc nâng cao, hoàn thiện năng lực quản lý, chủ động tìm kiếm công cụ quản lý phù hợp với sự phát triển, phù hợp với kinh tế thị trường...

Còn nếu quản lý theo kiểu năng lực đến đâu, cho người dân, doanh nghiệp làm đến đó, thì sẽ vẫn là yêu cầu xin phép, báo cáo...

Bài học cải cách

Nhìn lại các phiên bản Luật Doanh nghiệp, có thể hình dung phần nào sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Cứ mỗi lần Luật Doanh nghiệp được sửa đổi là một lần khu vực doanh nghiệp tư nhân bung ra, lớn mạnh, đầy sức sống.

Năm 1990, với Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân, lần đầu tiên, doanh nghiệp tư nhân được chính thức thừa nhận về mặt pháp lý. Nhưng phải đến khi có Luật Doanh nghiệp năm 1999, với triết lý doanh nghiệp được kinh doanh những gì pháp luật không cấm, quyền tự do kinh doanh thay đổi rất lớn, số lượng doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam tăng đột biến, 1 năm bằng cả 10 năm trước đó.

Đến năm 2014, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư hoàn thiện nguyên tắc tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm bằng danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện được đưa vào Luật Đầu tư. Năm 2016, lần đầu tiên, số doanh nghiệp thành lập mới trong năm ghi nhận kỷ lục trên 100.000 doanh nghiệp/năm. Kỷ lục này đều được phá sau mỗi năm.

Điều đáng nói là cùng với đó, môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ.

Trong chặng đường cải thiện môi trường kinh doanh, ngành Kế hoạch và Đầu tư ghi đậm dấu ấn không chỉ ở các phiên bản của Luật Doanh nghiệp, mà còn ở các nghị quyết về môi trường kinh doanh từ năm 2014 đến nay. Nếu đánh giá về những việc làm được, ông có thể nói đến bài học gì?

Muốn cải cách thành công, không thể xử lý từng văn bản, từng quy định được, dù việc này luôn luôn cần được làm thường xuyên.

Giai đoạn 2000 - 2003, chúng tôi đề xuất giấy phép, điều kiện kinh doanh không có cơ sở pháp lý sẽ phải bỏ. Sau đó, toàn bộ quy định mang tính điều kiện ở các công văn hướng dẫn của các bộ, ngành, địa phương bị bãi bỏ.

Năm 2014, Luật Doanh nghiệp xác định giấy phép, điều kiện kinh doanh phải được quy định ở văn bản cấp nghị định trở lên, hàng ngàn điều kiện kinh doanh ở các thông tư bị bãi bỏ...

Đến năm 2017 - 2018, sau hàng loạt nghiên cứu, đánh giá thực tiễn, tiến hành tập hợp toàn bộ điều kiện kinh doanh, đề nghị bãi bỏ ít nhất 50% điều kiện kinh doanh hiện hành của các bộ, ngành được trình Chính phủ. Trong 2 năm qua, tỷ lệ này đã đạt được với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các bộ, ngành vào cuộc để thực hiện nhiệm vụ được giao bằng cách rà soát, chủ động cắt giảm...

Tương tự như vậy với các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, sau khi đề xuất cắt giảm ít nhất 50% mặt hàng cần kiểm tra trước thông quan được chấp nhận và thực hiện, các bộ, ngành liên quan vào cuộc, ngồi với nhau để tìm cách cắt giảm và đạt được những kết quả đáng kể. Điều mà chúng tôi đã không thể làm được trong nhiều năm trước.

Chính cách làm này đã kích hoạt toàn bộ hệ thống vào cuộc cùng lúc, theo cùng một hướng.

Trong quá trình này, quyết tâm chính trị rất lớn để tạo nên sức ép cho các bộ, ngành đóng vai trò quan trọng, thưa ông?

Cải cách luôn cần sức ép, để vượt qua sức ỳ, tư duy vốn có. Sự thành công bước đầu trong công việc này là nhờ quyết tâm chính trị rất lớn của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.

Tôi còn nhớ, khi trình các đề xuất phải cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, nhiều bộ, ngành hỏi là dựa trên cơ sở khoa học nào, tại sao là một nửa, mà không phải là con số khác.

Là cơ quan nghiên cứu, hoạch định chính sách, chúng tôi phải chuẩn bị rất kỹ càng bằng chứng, các nghiên cứu thực tiễn, có bề dày để bảo vệ đề xuất, kiến nghị của mình, tạo niềm tin cho người ra quyết định. Chúng tôi theo nguyên lý đơn giản là tự do, tự do hơn, thị trường, thị trường hơn cho doanh nghiệp. Cơ quan quản lý nhà nước phải tìm kiếm công cụ quản lý khác để thúc đẩy việc này.

Nhưng nếu không có quyết tâm của Thủ tướng, của Chính phủ, nếu Thủ tướng không tin vào nỗ lực cải cách của chúng ta, có thể chúng tôi không có cơ hội trình bày những nghiên cứu của mình, vì sự va chạm là rất lớn.

Cũng không thể không nhắc tới liên minh cải cách tạo sức ép rất lớn tới yêu cầu thay đổi quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. Đó là mạng lưới các chuyên gia kinh tế, các nhà tư vấn độc lập, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp và cả truyền thông.

Hiện tại, liên minh này vẫn đang hoạt động mạnh mẽ, nhưng cũng phải thẳng thắn, các chuyên gia hoạch định chính sách của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nghiên cứu viên của CIEM, các viện nghiên cứu phải tiếp tục là những người tiên phong, sáng tạo, tận tâm trong nghiên cứu, đề xuất có giá trị với sự phát triển của đất nước, kích hoạt cải cách và đổi mới...

Chính phủ rất cần những cơ quan làm chính sách như vậy!

Tin bài liên quan