Tăng mức lợi suất cho trái phiếu là cách duy nhất kéo các tổ chức đầu tư trở lại với trái phiếu chính phủ.

Tăng mức lợi suất cho trái phiếu là cách duy nhất kéo các tổ chức đầu tư trở lại với trái phiếu chính phủ.

Bài “test” trái phiếu đã kết thúc

(ĐTCK) Sau nhiều tuần liên tiếp trái phiếu chính phủ không phát hành được hoặc phát hành với khối lượng thấp, tình hình đã đột ngột thay đổi.

Hôm thứ Tư (24/6), trong tổng số 2.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn hai năm do Ngân hàng Chính sách Xã hội phát hành, đã có 1.500 tỷ đồng được mua. Hai thành viên tham gia đấu thầu đã mua với mức lợi suất chào bán tối đa là 9,00%/năm.

Trong suốt gần bốn tháng qua, 13 cuộc đấu thầu trái phiếu chính phủ bằng VND đã không thành công như mong đợi. Mức lợi suất chào thầu thấp hơn mức lợi suất trên thị trường thứ cấp đã khiến giới đầu tư quay lưng lại với trái phiếu chính phủ.

“Gần bốn tháng qua là khoảng thời gian thử thách sự kiên nhẫn của các tổ chức phát hành. Bài test này đã kết thúc với việc các tổ chức phát hành chấp nhận tăng lợi suất chào thầu”, một vị lãnh đạo ngân hàng thương mại nhà nước cho biết.

Đây là lần đầu tiên sau nhiều tháng, lợi suất cho trái phiếu kỳ hạn 2 năm được đưa lên mốc 9,00%/năm (các lần trước cao nhất chỉ là 8,7%/năm). Mức lợi suất này tương đương với mức lợi suất đang giao dịch của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm trên thị trường thứ cấp. Điều này có nghĩa là các tổ chức đầu tư có thể mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm trên thị trường thứ cấp với giá tương đương. Vậy tại sao họ lại tham gia đấu thầu?

Trên thực tế, trên thị trường giao dịch thứ cấp, nơi các tổ chức mua đi, bán lại những trái phiếu đã phát hành, không phải lúc nào cũng có thể mua được những lô trái phiếu với khối lượng lớn lên tới vài trăm tỷ đồng. Trong trường hợp có tổ chức muốn mua một mã trái phiếu với khối lượng lớn, lập tức sẽ có thể tác động tới thị trường và làm tăng giá trái phiếu đó (nghĩa là lợi suất giảm đi). Việc mua trái phiếu qua đấu thầu có ý nghĩa ở chỗ này. Các tổ chức tham gia có thể mua những lô trái phiếu giá trị lớn, mà không phải chịu những thay đổi về giá như trên thị trường thứ cấp.

Như ĐTCK đã từng phân tích, tăng mức lợi suất cho trái phiếu là cách duy nhất kéo các tổ chức đầu tư trở lại với trái phiếu chính phủ. Điều này đã xảy ra. Có thể sức ép từ mục tiêu phát hành tổng cộng 55.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong năm 2009 đã khiến các tổ chức phát hành phải chấp nhận tăng lợi suất chào bán trái phiếu. Đợt đấu thầu thành công ngày 24/6 mới chỉ là dấu hiệu ban đầu cho thấy, các tổ chức phát hành chấp nhận tăng mức lợi suất chào bán trái phiếu theo mức giá thị trường.

Trong ngày hôm nay (26/6), sẽ có một đợt đấu thầu trái phiếu nữa do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) phát hành với 500 tỷ đồng kỳ hạn 2 năm và 500 tỷ đồng kỳ hạn 10 năm. Theo các chuyên gia ngân hàng, nhiều khả năng đợt đấu thầu này VDB sẽ đưa ra các mức lãi suất sát với thị trường và sẽ thành công.

Với 1.500 tỷ đồng phát hành hôm thứ Tư (24/6), tổng khối lượng trái phiếu được phát hành kể từ đầu năm đã tăng lên mức xấp xỉ 7.500 tỷ đồng. Mục tiêu phát hành tổng cộng 55.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong năm 2009 cũng còn khá xa. Tuy nhiên, với động thái tích cực từ các tổ chức phát hành cộng với kế hoạch phát hành trái phiếu ngoại tệ sắp tới, Chính phủ vẫn có “cửa” để đạt được mục tiêu. Đó là còn chưa kể tới khả năng phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế trong năm nay, như Ngân hàng HSBC từng dự báo hồi đầu năm 2009.