Bài toán tạo bản sắc cho kiến trúc Việt

Bài toán tạo bản sắc cho kiến trúc Việt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi nhu cầu của người dân càng được nâng cao, việc thiết kế, tạo lập không gian sống hiện nay không đơn thuần chỉ là vật thể, mà ở đó còn phải đáp ứng những nhu cầu về tính thẩm mỹ, có cảm xúc, mà còn phải truyền cảm hứng được cho chủ nhân cũng như bất cứ ai ghé thăm nhưng phải gắn với giá trị văn hóa bản sắc Việt.

Đó cũng là nội dung chính được các chuyên gia chia sẻ tại buổi ra mắt các chuyên gia CiHUB và Tọa đàm “Tại sao phải cần một phong cách Việt Nam đương đại, có bản sắc” do CiHUB tổ chức cuối tuần vừa qua tại Hà Nội.

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, PGS, TS. KTS Vũ Hồng Cương Chuyên gia về nội thất cho biết, xung đột giữa bảo tồn và phát triển trong lĩnh vực kiến trúc, di sản kiến trúc vẫn luôn là chủ đề nóng trong nhiều năm trở lại đây của giới kiến trúc sư nói riêng và cả ngành quy hoạch đô thị nói chung.

Nền kinh tế phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng ghi nhận thực tế cho thấy, không gian mở rộng thiếu đồng bộ, thiếu không gian xanh hoặc các công trình chỉ chú trọng vẻ bề ngoài mà chưa có được “hơi thở” hay thể hiện được giá trị tinh hóa văn hóa Việt Nam.

"Đã có những nhìn nhận rõ hơn trong việc xây dựng “bản sắc kiến trúc Việt Nam” trong các công trình xây dựng tại Việt Nam, nhưng mức độ tiếp cận vẫn chưa đạt được như mong muốn khi các phong cách vẫn mang hơi hướng vay mượn và du nhập nhiều từ nước ngoài", ông Cương nói.

Nhìn ở một góc độ, điều này cũng xuất phát từ thực tế, Việt Nam vẫn đang là một nước phát triển và quá trình mở rộng, nâng cấp các đô thị trong khoảng thời gian ngắn. Đã có những kiến trúc sư có trình độ và góc nhìn ở đẳng cấp quốc tế, nhưng so sánh với mặt bằng chung, trình độ thiết kế và lập quy hoạch vẫn chưa thể bắt kịp được với thế giới.

Trong những năm gần đây, vấn đề bản sắc văn hóa trong kiến trúc đương đại đã được gắn với một vai trò quan trọng hơn trong cả tư duy của nhà quản lý lẫn các thành viên thị trường hay các kiến trúc sư Việt, từ đó tạo ra sự độc đáo trong một môi trường cạnh tranh ở cấp độ toàn cầu.

Bản sắc kiến trúc Việt vẫn mang giá trị văn hóa truyền thống, nhưng trong đó kết tinh thêm các tinh túy của kiến trúc đương đại toàn cầu. Đây cũng là điều được nhiều kiến trúc sư kỳ vọng trong 5 - 10 năm tới có thể thực hiện được.

Đồng quan điểm, Ths. Kts. Nguyễn Huy Khanh, chuyên gia về kiến trúc, BIM và quản lý chất lượng thiết kế cho rằng, kiến trúc Việt Nam hiện nay đã có nhiều điểm khác biệt so với giai đoạn trước. Các công trình xây dựng từ nhà ở truyền thống tới biệt thự hay các đại đô thị lớn không đơn thuần là những “hộp diêm” khuôn mẫu, nhiều công trình không chỉ phản ánh sự chuyển động của các hoạt động kinh tế - đời sống mà còn bao gồm nội hàm triết lý văn hóa xã hội của cộng đồng.

Ông Khanh cho biết, một số đô thị, công trình nhà ở đã xuất hiện với bố cục hài hòa giữa các di sản văn hóa và bối cảnh thiên nhiên, hình thức kiến trúc đa dạng và phong phú. Đã có những tư vấn thiết kế Việt Nam trẻ tuổi với tầm nhìn và đào tạo bài bản không chỉ tạo dựng nên những bản vẽ thiết kế đặc sắc, đẹp mắt, mà như thấu hiểu, tư vấn chuyên nghiệp, để biến những bản vẽ thiết kế đi vào hiện thực cuộc sống, mang tới trải nghiệm tuyệt vời nhất cho gia chủ.

“Đây là điều tốt với giới kiến trúc sư Việt Nam, nhưng tính chuyên nghiệp này cần được thể hiện rõ nhiều hơn. Đó không chỉ là nỗ lực của riêng từng kiến trúc sư mà còn là nỗ lực chung của cả cộng đồng kết nối, cùng có điểm chung, cùng chia sẻ và cùng góp sức xây dựng một nền bản sắc văn hóa kiến trúc Việt”, ông Khanh chia sẻ.

Là người nhiều năm sinh sống, học tập, định cư và làm việc ở phương Tây, theo KTS Lisa Đặng, kiến trúc phản ánh xã hội, mang tính tư tưởng, trong đó, văn hóa, tập quán sinh hoạt truyền thống, chung cư người Việt có rất nhiều nét khác biệt với các nước khác.

Theo KTS Lisa Đặng, tùy thuộc vào điều kiện đặc thù thiên nhiên, địa hình, khí hậu của từng nơi, từng vùng mà thiết kế các giải pháp kiến trúc phù hợp định hướng từ mặt bằng, bố cục không gian, xử lý vật liệu bao che. Không thể lấy nguyên kỹ thuật giải pháp kiến trúc của nước ngoài hoặc từ vùng này mang sang vùng khác để áp dụng máy móc, tuy nhiên, không vì thế không thể tận dụng những ưu điểm của kiến trúc cổ điển và đương đại của phương Tây áp dụng vào thiết kế các ngôi nhà Việt Nam.

“Ở đây, vai trò của những kiến trúc sư rất quan trọng khi họ sẽ phải đồng hành, giải mã ý tưởng và mong muốn tiềm ẩn của gia chủ, từ đó, phát huy vai trò của mình trong việc thiết kế và gợi ý tốt những kiến trúc để chủ công trình có thể áp dụng. Đó cũng là mong muốn mà CiHUB muốn tập hợp những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc để hiện thực hóa mục tiêu này”, bà Lisa Đặng nhấn mạnh thêm.

Ở một góc nhìn khác, theo Ths.KTS. Trần Thành Vũ, chuyên gia công trình xanh - chuyên ngành tiện nghi môi trường - tiết kiệm năng lượng, trong xu hướng hiện tại của kiến trúc Việt Nam, yếu tố “xanh”, thân thiện với môi trường cũng là một vấn đề thường được nhắc tới, thậm chí đã đi vào luật xây dựng sửa đổi và nghị đinh về xây dựng của chính phủ.

"Xu hướng xanh tại Việt Nam ở góc nhìn phổ thông vẫn chỉ là trồng cây xanh, hay thậm chí là sơn xanh, nhưng ở đây xanh mang nghĩa bóng, nó nói về tiết kiệm năng lượng, tiện nghi sống, giảm thiểu sử dụng lãng phí tài nguyên, tái chế nhiều nhất có thể…", ông Vũ chia sẻ.

Theo ông Vũ, Việt Nam đã từng làm rất tốt với các kiến trúc truyền thông, nhưng khi thị trường bùng nổ thì những yếu tố này dần bị quên lãng, việc thiết kế chủ yếu tập trung vào công năng mặt bằng và phối cảnh đẹp, nguyên nhân là do chúng ta đang trong giai đoạn quá độ của phát triển nóng. Và những hậu quả của cách làm này đã xuất hiện, điển hình là việc sử dụng năng lượng lãng phí mà tiện nghi sống vẫn thấp trong các công trình.

Nói thêm về vấn đề này, ông Vũ cho biết, tại các nước phát triển, việc kiểm soát tiện nghi công trình tối thiểu như cách âm, chiếu sáng tự nhiên, cách nhiệt và tiết kiệm năng lượng đều được kiểm tra chặt chẽ khi cấp phép xây dựng. Đối với thị trường cao cấp thì những vấn đề này còn phải được nâng tầm hơn nữa nhằm tạo ra lối sống xanh mà vẫn tiện nghi tối đa.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, những vấn đề này chưa bao giờ được làm một cách khoa học. Âm thanh, ánh sáng, tầm nhìn… đều được thiết kế dựa trên cảm tính, kinh nghiệm, thiếu hẳn quá trình khoa học để chắc chắn đạt được các mục tiêu phục vụ tiện nghi sống của con người.

"Trong quá trình tìm tòi, sáng tạo, đáp ứng các yêu cầu về tiện nghi sống, thích ứng với tự nhiên, phù hợp với con người Việt Nam… có thể phát sinh ra những yếu tố dần trở thành nét riêng, được chấp nhận, yêu thích rộng rãi trong cộng đồng và theo thời gian sẽ tạo nên nét bản sắc của Việt Nam", ông Vũ cho biết.

Theo các chuyên gia, trước đây, kiến trúc định nghĩa người dùng, nhưng trong tương lai sẽ là người dùng định nghĩa kiến trúc, người dùng sẽ góp phần tạo ra không gian kiến trúc cho ngôi nhà ở.

Tin bài liên quan