Bán đấu giá 80 triệu cổ phiếu, Becamex IJC có gì đáng chú ý?

Bán đấu giá 80 triệu cổ phiếu, Becamex IJC có gì đáng chú ý?

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Dự án Sunflower khi bàn giao dự kiến mang về doanh thu 1.551 tỷ đồng, lợi nhuận 203 tỷ đồng và dự án Aroma mang về 1.106 tỷ đồng doanh thu và 83 tỷ đồng lợi nhuận.

Đây là 2 dự án của Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật (Becamex IJC, mã chứng khoán IJC) sẽ được huy động một phần vốn đầu tư thông qua việc đấu giá 80 triệu cổ phiếu IJC vào cuối tháng 11 này.

Dự kiến tăng vốn thêm 800 tỷ đồng

Becamex IJC hiện có vốn điều lệ 1.371 tỷ đồng, là công ty con của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex IDC Corp) - nhà phát triển hạ tầng công nghiệp hàng đầu tại Việt Nam. Trong hệ thống các đơn vị thành viên Becamex IDC, Becamex IJC có vốn điều lệ lớn nhất, có tỷ lệ sở hữu của Tổng công ty lớn nhất là 78,8% và nhận được sự hỗ trợ không nhỏ về nguồn quỹ đất sạch để triển khai các dự án.

Becamex IJC dự kiến phát hành 80 triệu cổ phiếu thông qua đấu giá công khai tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vào ngày 30/11/2020, qua đó tăng vốn điều lệ thêm 800 tỷ đồng, lên 2.171 tỷ đồng, tương ứng tăng 58%.

Tổng số vốn thu được từ đợt chào bán sẽ dùng để đầu tư dự án và bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Trong đó, Becamex IJC dự kiến rót 570 tỷ đồng vào giai đoạn tiếp theo dự án Sunflower và 230 tỷ đồng vào giai đoạn tiếp theo dự án Aroma.

Becamex IJC cho biết, nguồn vốn tăng thêm sẽ giúp Công ty giảm chi phí vốn vay, tăng năng lực hoạt động nhằm tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận theo kế hoạch.

Kế hoạch giai đoạn 2020 - 2021 của Becamex IJC là doanh thu tăng trưởng mạnh đến từ các dự án tiềm năng có quy mô lớn như Khu đô thị IJC, Khu dân cư Hòa Lợi, Aroma. Giai đoạn 2022 - 2025, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng ổn định, hiệu quả gia tăng do ghi nhận lợi nhuận từ các dự án có biên lợi nhuận cao như Khu dân cư và tái định cư Hòa Lợi, Aroma.

Bất động sản thúc đẩy tăng trưởng

Becamex IJC thành lập năm 2007 từ phương án cổ phần hóa dự án BOT Quốc lộ 13 của Tổng công ty Becamex IDC. Đến nay, hoạt động kinh doanh chính của Công ty là thu phí giao thông và kinh doanh bất động sản dân dụng. Trong giai đoạn 2017 - 2019, Becamex IJC tăng trưởng ấn tưởng, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) về doanh thu đạt gần 28%, biên lợi nhuận gộp đạt trên 33%.

Hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2019 của Becamex IJC ở mức cao nhất so với một số doanh nghiệp cùng ngành như DXG, TDC, LCG, BCE... Cụ thể, ROE của Becamex IJC đạt 15,9%, còn DXG có vốn điều lệ 5.200 tỷ đồng, ROE 15,8%; TDC và LCG có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, ROE lần lượt là 12% và 12,5%...

Chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu thuần của Becamex IJC là mảng bất động sản (khoảng 60% trong năm 2019) và thu phí giao thông, còn lại là mảng xây dựng, thương mại, dịch vụ nhà hàng, khách sạn.

Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp cao nhất thuộc về hoạt động thu phí, lên tới 80%, góp phần nâng tỷ trọng lợi nhuận mảng này tương đương với bất động sản. Biên lợi nhuận gộp mảng bất động sản của Becamex IJC cao so với nhiều doanh nghiệp cùng ngành, thậm chí có năm đạt 45% (năm 2017) nhờ các dự án có giá vốn thấp.

Năm 2019, Becamex IJC đạt tổng doanh thu hợp nhất 1.656 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2018. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thu phí cầu đường và kinh doanh khác (chủ yếu là mảng nhà hàng, khách sạn của hai công ty con) chiếm tỷ trọng lần lượt 57%, 17% và 19%.

Mảng bất động sản có doanh thu tăng mạnh 56% nhờ các dự án: Khu đô thị IJC, G10 Bàu Bàng, Khu dân cư ấp 5B Thới Hòa, Nhà ở thương mại, dịch vụ công nhân. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 đạt 284,4 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2018 và vượt 22% kế hoạch.

Hiện quỹ đất sạch chưa khai thác của Becamex IJC còn gần 68 ha, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, nằm trong quy hoạch tổng thể được phê duyệt, tọa lạc tại những vị trí đắc địa như trung tâm thành phố mới Bình Dương, hoặc liền kề các khu công nghiệp của Becamex IDC.

Được biết, quỹ đất của Becamex IJC có giá vốn thấp do các hợp đồng chuyển nhượng quỹ đất đã được hoàn tất ký kết từ những năm trước.

Bình Dương được đánh giá là đô thị thông minh, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm qua đạt 9,35%/năm, tỷ lệ đô thị hóa cao, luôn nằm trong Top thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với hàng chục khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%.

Đặc biệt, theo lộ trình phát triển đã được phê duyệt của Chính phủ, năm 2020, Bình Dương sẽ trở thành đô thị loại I và là một trung tâm công nghiệp hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bên cạnh đó, giới đầu tư bất động sản có xu hướng tích lũy đất tại Bình Dương, đón đầu các dự án đầu tư quy mô lớn và kết nối hạ tầng giao thông - là yếu tố thúc đẩy giá đất có xu hướng tăng. Qua đó, các doanh nghiệp bất động sản như Becamex IJC sẽ hưởng lợi.

Mảng thu phí giao thông duy trì nguồn thu ổn định

Đối với mảng thu phí giao thông, là hoạt động chính từ khi Becamex IJC thành lập, chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong tổng doanh thu. Nguồn thu của hoạt động này đến từ việc thu phí 2 trạm BOT trên Quốc lộ 13 đặt tại địa bàn thị xã Thuận An và TP. Thủ Dầu Một, có thời hạn thu phí đến năm 2037.

Hoạt động thu phí mang lại cho Becamex IJC từ 250 - 260 tỷ đồng doanh thu/năm, biên lợi nhuận gộp trên 80%, nhờ lưu lượng xe qua lại trên tuyến rất lớn. Trong đó, năm 2019, mảng thu phí giao thông mang lại doanh thu 286 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2018.

Theo nhiều dự báo, lưu lượng xe lưu thông qua trạm sẽ tăng lên khi tỉnh Bình Dương đang nỗ lực thúc đẩy các dự án liên kết vùng như dự án mở rộng Quốc lộ 13, kéo dài tuyến metro số 1 từ TP.HCM về thành phố mới Bình Dương, các dự án khu công nghiệp như Bàu Bàng 600 ha, Đại học quốc tế Việt Đức…

Diễn biến này sẽ giúp nguồn thu từ thu phí giao thông của Becamex IJC tăng trưởng trong những năm tới và đóng góp quan trọng trong việc đảm bảo dòng tiền của Công ty.

Bên cạnh hai mảng chính, Becamex IJC còn có mảng xây dựng, bất động sản đầu tư, trong đó chủ yếu thực hiện các dự án dân dụng và hạ tầng cho Becamex IDC, VSIP…, đóng góp doanh thu 180 - 200 tỷ đồng/năm và cho thuê một số tầng của tòa nhà Becamex Tower, tầng trệt block B tòa nhà IJC Aroma.

Ngoài ra, Becamex IJC có mảng dịch vụ nhà hàng, khách sạn thông qua việc vận hành 2 khách sạn tiêu chuẩn 3 sao và 4 sao tại thành phố Thủ Dầu Một và trung tâm thành phố mới Bình Dương.

Mảng này chủ yếu phục vụ khách hàng là các chuyên gia đến công tác và lưu trú với mức chi tiêu cao cùng nhu cầu ổn định nên doanh thu tăng trưởng ấn tượng, CAGR giai đoạn 2015 - 2019 đạt gần 40%/năm.

Về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020, Becamex IJC đạt tổng doanh thu 1.839,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 224 tỷ đồng.

Cả năm 2020, Công ty ước đạt 2.264 tỷ đồng doanh thu, 385 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt vượt 9% và 54% kế hoạch, dự kiến chi trả cổ tức từ 12% - 15%/vốn điều lệ.

Giai đoạn 2020 - 2025, Becamex IJC đặt mục tiêu CARG lợi nhuận gần 16% trên cơ sở ghi nhận kết quả từ các dự án có biên lợi nhuận cao, ước đạt 536 tỷ đồng lợi nhuận vào năm 2025.

Trong đó, bất động sản tiếp tục là mảng kinh doanh chính thúc đẩy tăng trưởng, còn thu phí giao thông, xây dựng và dịch vụ tăng trưởng đều đặn, tỷ trọng ổn định trong cơ cấu doanh thu.

Tin bài liên quan