HOSE vừa hủy bán đấu giá cổ phần CTCP Nhựa Rạng Đông do không có NĐT đăng ký tham gia

HOSE vừa hủy bán đấu giá cổ phần CTCP Nhựa Rạng Đông do không có NĐT đăng ký tham gia

Bán đấu giá doanh nghiệp Nhà nước, những chuyện khó tin

(ĐTCK) Bộ Tài chính cho biết, Bộ vừa ban hành Thông tư 09/2014, nhằm khắc phục những bất cập của quy định về phí bán đấu giá cổ phần.

Kỳ cuối: Bất cập phí bán đấu giá, sửa hướng nào?

Sở GDCK cũng gặp khó

Không chỉ CTCK, mà các sở GDCK đang phải đối mặt với tình trạng làm… không công, khi phiên bán đấu giá cổ phần thất bại hoặc rất ít NĐT tham gia, trong khi chuyện này thường xuyên xảy ra.

Mới đây nhất (ngày 6/3), Sở GDCK TP. HCM (HOSE) thông báo hủy tổ chức bán đấu giá quyền mua cổ phần của CTCP Nhựa Rạng Đông do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước nắm giữ, do sau khi hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá và nộp tiền cọc quyền mua cổ phần, không có NĐT đăng ký.

Cũng với lý do không có NĐT đăng ký tham gia mua cổ phần, HOSE vừa phải hủy cuộc bán đấu giá mua cổ phần của CTCP Xây dựng Thương mại Thái Dương do Công ty TNHH Một thành viên Phát triển Khu công nghiệp Sài Gòn nắm giữ.

Thực tế trên cho thấy, khá nhiều phiên bán vốn Nhà nước, bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng diễn ra không thành công. Thất bại là điều không mong muốn của sở GDCK cũng như các DN, nhưng nếu vì việc này mà Sở GDCK và CTCK không thu được phí thì không hợp lý. Lý do là bởi, trên thực tế, để chuẩn bị cho một phiên bán đấu giá cổ phần, sở GDCK phải huy động nhiều nhân sự thuộc các bộ phận khác nhau, cũng như hệ thống cơ sở vật chất của sở và các CTCK thành viên tham gia... Nói cách khác, xét ở khía cạnh quy luật cung cấp dịch vụ trên thị trường, sở GDCK, CTCK đã cung cấp dịch vụ bán đấu giá cổ phần cho các DN, nên tuy cuộc đấu giá không diễn ra do nguyên nhân khách quan thì DN vẫn phải thanh toán phí cho sở GDCK, CTCK.

Không thu được phí do DN thất bại trong bán vốn đã đành, sở GDCK còn rơi vào tình trạng khó xử khi một thương vụ bán đấu giá cổ phần chỉ có rất ít NĐT đăng ký tham gia. Theo quy định, chỉ cần 2 NĐT trở lên đăng ký tham gia với số lượng đăng ký mua vài nghìn cổ phần, là sở GDCK phải tổ chức phiên đấu giá công khai. Cuộc đấu giá này phải được tiến hành với đầy đủ các thủ tục như có sự tham gia của DN bán đấu giá, các CTCK trong quá trình kiểm kê, giám sát, tổng hợp kết quả đăng ký mua cổ phần của NĐT, trên cơ sở đó nhập vào hệ thống của sở, để công khai ra thị trường... Vì số lượng cổ phần bán được quá ít, trong khi theo quy định, mức thu phí bán đấu giá cổ phần áp dụng tại Sở GDCK là 0,3% trên tổng giá trị cổ phần thực tế bán được, nên tiếng là tổ chức phiên đấu giá, nhưng sở GDCK và CTCK chỉ thu được rất ít phí, không tương xứng với công sức họ đã bỏ ra trong suốt quá trình chuẩn bị phiên bán đấu giá.

Vì bất hợp lý trên, mới đây, khi kiến nghị về các giải pháp thúc đẩy TTCK phát triển, sở GDCK TP. HCM đề xuất Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), Bộ Tài chính xem xét giải quyết tình trạng bất cập hiện tại. Theo đó, cần tính toán đưa ra mức phí sàn hợp lý, để phản ánh đúng bản chất của hoạt động cung cấp dịch vụ bán đấu giá cổ phần, do sở GDCK và CTCK thực hiện.

Đã có hướng khắc phục

Một lãnh đạo Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, cho biết, trên cơ sở tiếp thu kiến nghị của các thành viên thị trường, Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 09/2014 thay thế Thông tư 82/2009 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí bán đấu giá cổ phần, để phản ánh sát hơn bản chất của hoạt động cung cấp dịch vụ bán đấu giá cổ phần qua sở GDCK và các tổ chức tài chính trung gian.

Điểm mới của Thông tư 09/2014 là đưa ra mức phí tối thiểu 20 triệu đồng mà bên sử dụng dịch vụ bán đấu giá cổ phần là các DN phải thanh toán cho sở GDCK và CTCK. Mức phí này nhằm bù đắp công sức mà các sở GDCK và CTCK phải bỏ ra trong quá trình tổ chức các phiên bán đấu giá cổ phần… Thông tin chi tiết hơn về Thông tư 09/2014, cụ thể là về thời điểm bắt đầu có hiệu lực, dự kiến sẽ được Bộ Tài chính công bố trong tuần tới.

Xem thêm bài kỳ 1, 2 ở mục tin liên quan

Tin bài liên quan