Ảnh shuttetstock

Ảnh shuttetstock

Bán lớn, giá có thể gấp đôi

(ĐTCK) Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chuẩn bị tổ chức 2 phiên đấu giá thoái toàn bộ vốn tại Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 4 (TV3) và Công ty cổ phần Tư vấn Xây dựng điện 4 (TV4), với giá khởi điểm gần gấp đôi thị giá. Liệu EVN có thoái vốn thành công?

Thoái gần 49% vốn tại TV3 và hơn 71% vốn tại TV4

Ngày 25/6/2019, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ diễn ra phiên bán đấu giá 4,04 triệu cổ phần, tương ứng 48,78% vốn điều lệ TV3 do EVN sở hữu. Sau đó, ngày 2/7, EVN sẽ bán đấu giá 11,34 triệu cổ phiếu, tương ứng 71,59% vốn điều lệ TV4.

Theo Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 14/6/2017 của Thủ tướng phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017 - 2020, cả TV3 và TV4 đều nằm trong danh sách EVN thoái toàn bộ vốn, cùng nhóm với Công ty cổ phần Tài chính Điện lực, Công ty cổ phần Cơ điện Thủ Đức, Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Đông Anh và Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình. Điểm đáng chú ý trong đợt thoái vốn của EVN tại TV3 và TV4 là mức giá khởi điểm.

Cụ thể, mức giá khởi điểm TV3 là 76.700 đồng/cổ phần, căn cứ theo chứng thư thẩm định giá do Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC ban hành ngày 22/2/2019. Mức giá này cao gần gấp đôi thị giá cổ phiếu ngày 3/6 là 39.000 đồng/cổ phiếu và gấp rưỡi mức giá cao nhất sau điều chỉnh các quyền cổ tức, cổ phiếu thưởng của TV3 trong suốt 10 năm niêm yết trên HNX (kể từ năm 2009) là 53.000 đồng/cổ phiếu cách đây 1 năm.

Mức giá khởi điểm TV4 là 59.400 đồng/cổ phần, căn cứ theo chứng thư thẩm định giá do AASC ban hành ngày 22/2/2019. Mức giá khởi điểm này cao gấp đôi giá cổ phiếu TV4 trên sàn chứng khoán khi đóng cửa phiên giao dịch 1/6, dù đã tăng 70% trong nửa cuối tháng 5/2019.

Nếu thoái vốn TV3 và TV4 thành công tại mức giá khởi điểm, EVN sẽ thu về lần lượt 310 tỷ đồng và 671 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh của TV3 và TV4

TV3 và TV4 được cổ phần hóa vào năm 2007, sau đó niêm yết trên HNX, ngành kinh doanh chính là cung cấp dịch vụ tư vấn xây dựng các công trình nguồn điện và lưới điện, công trình công nghiệp, hiện là 2 trong 4 đơn tư vấn của EVN.

TV3 có vốn điều lệ 82,76 tỷ đồng, thời điểm cuối năm 2018, vốn chủ sở hữu là 101,7 tỷ đồng, tổng tài sản là 291 tỷ đồng. Với đặc thù hoạt động tư vấn, tỷ trọng tài sản cố định trên tổng tài sản của Công ty nhỏ, 10%, tương đương 29,2 tỷ đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoản phải thu và tiền các loại, lần lượt đạt 125 tỷ đồng và 86,3 tỷ đồng. Công ty không có vay nợ.

Trong năm 2018, TV3 đạt doanh thu 380,2 tỷ đồng, giảm 5%; lợi nhuận sau thuế 14,5 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm 2017; thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) là 1.747 đồng; tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lời trên vốn cổ phần (ROE) lần lượt là 5,0% và 14,3%.

Kế hoạch kinh doanh năm 2019 của TV3 là đạt lợi nhuận sau thuế 16 tỷ đồng, tỷ lệ cổ tức 10%. Kết thúc quý I, Công ty đạt 727 triệu đồng lợi nhuận.

Bán lớn, giá có thể gấp đôi  ảnh 1

Ngày 25/6, EVN sẽ thoái vốn tại TV3 và ngày 2/7 thoái vốn tại TV4.

TV4 có vốn điều lệ hơn 158,3 tỷ đồng, thời điểm cuối năm 2018, vốn chủ sở hữu là 183,5 tỷ đồng, tổng tài sản 269 tỷ đồng. Tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản là khoản đầu tư với tổng giá trị 103,9 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Thủy điện Buôn Đôn (vốn điều lệ 335 tỷ đồng, TV4 sở hữu 31%). Khoản phải thu và tiền chiếm tỷ lệ lần lượt 25,8% và 20,8%. Tài sản cố định chiếm chưa đến 10%. Công ty không có vay nợ.

Kết quả hoạt động của TV4 những năm gần đây ổn định với mức lợi nhuận sau thuế từ 20 - 25 tỷ đồng/năm. Năm 2018, Công ty đạt 247,5 tỷ đồng doanh thu, tăng 3%; 25,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 0,8% so với năm 2017; EPS đạt 1.598 đồng; tỷ lệ ROA và ROE lần lượt là 9,4% và 13,7%. Năm 2019, TV4 đặt mục tiêu doanh thu 235,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 25,1 tỷ đồng, cổ tức 14%. Kết thúc quý I/2019, Công ty đạt 2,1 tỷ đồng lợi nhuận.

Triển vọng thoái vốn của EVN

Kết quả kinh doanh, tỷ lệ cổ tức trong những năm gần đây của TV3 và TV4 nhìn chung kém hấp dẫn, trong khi mức giá khởi điểm mà EVN đưa ra tương ứng với giá trị doanh nghiệp được xác định ở quy mô lớn hơn nhiều tổng tài sản và vốn hóa trên thị trường. Tuy nhiên, điều này lại không gây bất ngờ cho nhiều nhà đầu tư, bởi tương tự như nhiều đợt thoái vốn nhà thời gian vừa qua, cơ sở cho mức giá khởi điểm cao của TV3 và TV4 được đánh giá nằm ở giá trị thị trường của tài sản mà doanh nghiệp đang sở hữu.

Bản công bố thông tin về việc chuyển nhượng vốn cổ phần của EVN tại TV3 và TV4 do Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam tư vấn cho biết, trước thời điểm thoái vốn nhà nước, TV3 có quỹ đất gồm 22.649 m2 đất thuê trả tiền 1 lần có thời hạn sử dụng 50 năm và 1.899 m2 đất thuê trả tiền hàng năm làm nhà chuyên gia, trụ sở điều hành. Trong đó, giá trị nhất phải kể đến 1.899 m2 trụ sở chính của Công ty tại Quận 3, TP.HCM và 2.382 m2 đất làm nhà điều hành tại Quận 2, TP.HCM.

Đối với TV4, quy mô đất đai quản lý là 4.405 m2 đất làm trụ sở, văn phòng, nhà xưởng, tất cả đều nằm tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ngoài đất đai, TV4 được đánh giá cao ở khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Thủy điện Buôn Đôn; mỗi năm, TV4 thu về 10 - 20 tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận được chia ghi nhận vào doanh thu tài chính, chiếm đến phân nửa lợi nhuận sau thuế.

Tuy nhiên, mức giá khởi điểm bán đấu giá tương ứng với hệ số giá trên thu nhập (P/E) là 44 lần với TV3 và 37 lần với TV4, cao so với mặt bằng chung của thị trường, cũng như cao so với thị giá trên sàn chứng khoán. Tham chiếu cổ phiếu TV2 của Công ty cổ phần Tư vấn điện lực 2, một trong 4 đơn vị tư vấn thuộc EVN, giá cổ phiếu này tăng gần 100% từ đầu năm đến nay, nhưng P/E cũng chỉ hơn 9 lần.

Lưu ý, với đặc thù là doanh nghiệp tư vấn, giá trị gia tăng của TV3 và TV4 chủ yếu nằm ở yếu tố con người. Khi là doanh nghiệp thuộc EVN, cả 2 công ty có lợi thế để trúng thầu các dự án tư vấn trong ngành, gồm cả dự án chỉ định thầu rút gọn. Liệu khi EVN hoàn tất thoái vốn, sức cạnh tranh của TV3 và TV4 trong mảng này có bị ảnh hưởng, khi mà EVN vẫn giữ lại 2 đơn vị tư vấn là TV1 và TV2 với tỷ lệ sở hữu trên 51% theo Quyết định 852/QĐ-TTg?

Chính báo cáo của TV3 và TV4 cũng thừa nhận, việc “chảy máu chất xám” do một bộ phận đội ngũ kỹ sư được đào tạo tại Công ty chuyển sang làm việc cho các đơn vị khác là một trong những khó khăn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và điều hành.

Tuy vậy, so sánh dựa trên kết quả hoạt động chỉ dừng lại ở hiệu quả khai thác các tài sản trong quá khứ. Trong câu chuyện thoái vốn nhà nước, nhất là khi tỷ lệ thoái vốn lớn, đủ thay đổi vị thế chi phối doanh nghiệp như tại TV3 và TV4, nhà đầu tư lớn có thể có góc nhìn khác, đem lại kết quả thoái vốn khả quan như trường hợp tại Công ty cổ phần Cao su Sao vàng (SRC) vừa qua.

Cụ thể, chiều 4/6/2019, phiên đấu giá bán 16% cổ phần SRC do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) sở hữu diễn ra tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM có 4 nhà đầu tư mua hết lượng cổ phần chào bán với mức giá bình quân 46.454 đồng/cổ phần, cao hơn 2 đồng/cổ phần so với giá khởi điểm và cao hơn 86% thị giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán cùng ngày. Lợi nhuận những năm gần đây của SRC đi xuống, nhưng nhà đầu tư lớn vẫn chấp nhận mua lượng lớn cổ phiếu thoái vốn với giá cao hơn nhiều thị giá, rõ ràng cho thấy họ có góc nhìn khác, thấy được triển vọng khai thác những tài sản mà doanh nghiệp đang sở hữu có thể đem lại mức lợi nhuận hấp dẫn trong tương lai.

Phiên đấu giá tại TV3 và TV4 vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 tới nếu thành công sẽ giúp EVN “tự tin” hơn trong việc đảm bảo thoái vốn tại các doanh nghiệp còn lại kịp tiến độ, đồng thời đảm bảo thoái vốn nhà nước đạt hiệu quả. Hiện tại, EVN dự kiến hoàn tất thoái toàn bộ 7,5% vốn tại Công ty cổ phần Tài chính Điện lực (EVF), 46,58% vốn tại Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh và Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình trong năm 2019.   

Tin bài liên quan