Bàn tròn chứng khoán: Chọn chiến lược lướt sóng hay “Buy & hold“

Bàn tròn chứng khoán: Chọn chiến lược lướt sóng hay “Buy & hold“

(ĐTCK) Bên cạnh sự hồi phục của thị trường, nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ cũng đã có những phiên giao dịch bùng nổ trong những ngày cuối tuần. Liệu chiến lược chớp cơ hội để lướt sóng hay chiến lược "Buy & hold" sẽ là giải pháp đầu tư hợp lý? Cùng Báo Đầu tư Chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần mới. 

Với sự hỗ trợ của nhiều nhóm cổ phiếu buechips, đặc biệt là VIC đã giúp thị trường giao dịch tích cực hơn so với tuần trước. Ông/bà dự báo như thế nào về xu hướng thị trường trong tuần tới?

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tuần tới có thể còn tăng, nhưng rủi ro cũng khá cao. Lúc này diễn biến của VN-Index đang bám sát vào diễn biến bên sàn Mỹ, mà ở đó tôi chỉ thấy chỉ số Nasdaq còn rõ dấu hiệu tăng, chứ 2 chỉ số Dow và S&P500 thì vẫn còn năm ăn năm thua.

Không chỉ ở Việt Nam, chứng khoán quốc tế cũng có rất nhiều F0, và thị trường đang chiều những người đó. Các chỉ số chính sàn Mỹ lẫn VN-Index có 2 cú hụt chân ngày 11 và 15/06, nhưng chỉ số đang leo lên đỉnh trở lại, điều này giúp nhà đầu tư F0 lẫn nhiều người đang lời khác thêm tự tin.

Tuy nhiên, tôi nghĩ trước rủi ro Covid-19 bùng phát trở lại, cũng như sát đến kỳ công bố báo cáo tài chính quý II, dự báo VN-Index tuần nào biết tuần ấy thôi, tạm thời khó nhìn xa hơn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Phiên giao dịch cuối tuần rồi đã nhen nhóm tín hiệu tích cực trở lại sau 1 tuần giao dịch khá ảm đạm. Cú giật mạnh của Index vào tuần trước đã làm thị trường hụt thanh khoản khá nhiều. Sau cú sốc đó, dĩ nhiên nhà đầu tư cũng thận trọng hơn và sẽ không còn cảnh kiếm tiền dễ dàng như hai tháng trước.

Giai đoạn cuối tháng 6 sang tháng 7 là cao điểm nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo bán niên nên sẽ tạo nhiều đợt sóng giao dịch cổ phiếu. Chỉ số VN-Index sẽ khó tăng mạnh mà xu hướng sẽ duy trì theo hướng tịnh tiến đi lên dzic dzac. Thị trường vẫn đang rất tốt cho các giao dịch ngắn hạn vì vậy nhà đầu tư tiếp tục mạnh dạn nắm giữ cổ phiếu.

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Ông Nguyễn Hữu Bình

Thực ra cổ phiếu VIC tăng mạnh phiên cuối tuần bởi đó là ngày các quỹ ETF đảo danh mục. Đó cũng là phiên giao dịch ấn tượng nhất nếu xét về xu hướng tăng giá nhưng nó vẫn không bù được những gì đã trải qua hồi đầu tuần.

Xét trên xu thế và dưới góc nhìn kỹ thuật thì xu hướng giảm vẫn đang hiện diện. Tuy nhiên, có ngoại lệ rằng đó là tuần gần cuối cùng của tháng 6 và hẳn nhiên nhiều quỹ đang có kết quả kinh doanh kém, thậm chí âm đều mong muốn kéo giá cổ phiếu lên nhằm cho NAV của quỹ khởi sắc hơn. Do đó tôi nghĩ rằng, thị trường có đôi chút tích cực nhưng sẽ phân hóa trrrn từng cổ phiếu.

Dòng tiền đầu cơ vẫn chảy mạnh giúp các mã vừa và nhỏ khởi sắc, đặc biệt nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ như HQC, ITA, FLC… đều bật tăng mạnh ở những phiên cuối tuần. Việc các cổ phiếu đầu cơ tăng mạnh có phù hợp với nhận định sự tăng trưởng của thị trường được dẫn dắt bởi các dòng vốn ngắn hạn, theo các ông/bà? 

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ là có. Thanh khoản hiện ở mức cao, nhưng có lẽ tiền xoay vòng cũng cao. Nhiều ý kiến ca ngợi nhà đầu tư F0, nhưng tôi nghĩ họ chủ yếu là đầu cơ, hoặc ban đầu có thể là đầu tư, nhưng thắng nhanh thắng lớn nên giờ thành đầu cơ. 

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Do khủng khoản dịch bệnh toàn cầu bối cảnh thị trường năm nay có nhiều yếu tố khác biệt hơn những năm trước. Doanh nghiệp nhìn chung rõ ràng là khó khăn hơn rất nhiều dẫn đến hàng loạt thương vụ M&A lớn và điều này tạo nên yếu tố kích thích dòng vốn với thị trường. 

Nhiều doanh nghiệp cơ cấu lại hoạt động và nhận dòng tiền M&A mới có thể thay đổi toàn bộ mặt trong thời gian tới. Ngoài ra, cũng do đại dịch đã gián tiếp tạo điều kiện một số nhóm ngành về thực phẩm, tiêu dùng nổi lên như trường hợp DBC vừa rồi.

Bàn tròn chứng khoán: Chọn chiến lược lướt sóng hay “Buy & hold“ ảnh 2

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Thị trường vẫn cần động lực của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cầm giữ chỉ số nhưng không vì vậy mà giảm tính hấp dẫn của những cổ phiếu dòng penny và midcap vì những yếu tố kể trên.

Mặt khác, sự tham gia tích cực của nhóm penny góp phần làm dòng tiền thị trường ngắn hạn xoay vòng nhanh hơn đẩy thanh khoản chung sôi động.

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Có thể nói sau 2 phiên giảm mạnh vừa qua đẩy thị trường từ 900 điểm rới xuống điểm thấp nhất 832 điểm báo hiệu một nhịp thoái lui đầu tiên. Chắc chắn, sau nhịp này một lượng tiền sẽ rời cuộc chơi trên TTCK.

Việc bán mạnh và chốt lời hay cắt lỗ đều đã xảy ra. Vì thế tôi nhìn nhận rằng, cú hồi phục 1-2 phiên gần đây của nhóm đầu cơ trên chỉ là hồi phục kỹ thuật nhiều hơn. Về cơ bản đó là những cổ phiếu đầy rủi ro và thiết nghĩ nhà đầu tư nên cân nhắc khi mua vào.

Theo dữ liệu của FiinPro, tự doanh CTCK bán ròng gần 572 tỷ đồng và là tuần bán ròng thứ 2 liên tiếp. Điều này có tác động đến tâm lý thị trường không, theo các ông/bà?

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Tôi nghĩ là không. Cũng có thể ai đó sẽ hô lên cảnh báo nhà đầu tư, nhưng tôi nghĩ không nhiều nhà đầu tư để ý.

Tự doanh không chỉ đầu tư cho danh mục của họ, mà còn cho vài mục đích khác, trong đó có mục đích hoán đổi với ETF. Vì không "tách bạch" được mục đích giao dịch của tự doanh, với lại thị trường đang hưng phấn như lúc này, thì rõ ràng không nhất thiết phải lo sợ khi họ bán ròng.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Hoạt động tự doanh các công ty chứng khoán khá đa dạng nhưng các thống kê mua bán ròng của khối này chỉ mang tính tham khảo.

Có nhiều công ty đang nắm giữ cổ phiếu giai đoạn trước đó khi đạt giá mục tiêu sẽ tăng cường bán ra và chuẩn bị dòng vốn mới khi hoạt động doanh nghiệp có nhiều thay đổi ở giai đoạn cuối năm. Chưa kể sắp kết thúc quý II, nhiều công ty chứng khoán sẽ cơ cấu lại hoạt động tự doanh chuẩn bị cho mùa báo cáo bán niên.

Hiện nay, cơ cấu thị phần của các công ty chứng khoán đã thay đổi đáng kể so với cách đây hai năm và xuất hiện nhiều công ty chứng khoán có dòng vốn lớn từ nước ngoài. Hoạt động tự doanh từ đó cũng trở nên phân tán khó đoán hơn và không còn mang tính chỉ điểm xu hướng thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Quỹ hay tự doanh có vấn đề lớn là phải chốt lời mới được ghi nhận lãi trong báo cáo bán niên. Với dịch Covid-19 vừa qua chúng ta đều thấy kết quả kinh doanh quý I đều thảm hại như thế nào nên họ có áp lực lớn với kết quả kinh doanh 6 tháng. Cộng với xu thế như tuần qua, việc họ bán mạnh là điều dễ hiểu.

Bán rồi mua và mua rồi bán cũng đều hết sức bình thường, quan trọng là với lượng bán trên không phải quá lớn với thị trường hiện tại.

Ở thời điểm này, chiến lược chớp cơ hội để lướt sóng so với chiến lược “Buy & hold” thì giải pháp hợp lý với các nhà đầu tư hơn, theo các ông/bà? Nếu được chọn, đâu là nhóm cổ phiếu được ưu tiên hơn?

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Rồng Việt

Ông Hoàng Thạch Lân

Lúc này vẫn là lướt sóng, kể cả hàng cơ bản tốt lẫn hàng đầu cơ. Hàng đầu cơ thì không cần dài dòng, cứ theo chart mà chọn, nhưng tôi chỉ nói 1 câu, bắt hụt sóng thì nên cắt, hơn là giữ. hàng cơ bản thì ngược lại chút, nếu hụt thì có thể giữ, nếu nhà đầu tư chấp nhận nắm lâu dài, nhưng lời thì có thể chốt, bởi nhiều mã giá đã tăng vượt cả định giá.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Cho đến hiện tại, nhiều cổ phiếu từ dòng penny cho đến bluechip vẫn còn thấp hơn vùng đỉnh giá từ 10 - 30%. Trong khi đó, khá nhiều doanh nghiệp đang hồi phục mạnh sau giai đoạn giãn cách và kỳ vọng đạt lợi nhuận tăng trưởng tương tự như năm trước.

Điều này tạo sự kích thích dòng tiền tham gia mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, có thể nhận thấy chỉ số VN-Index hiện tại cũng không phải quá hấp dẫn, vì vậy nhà đầu tư tận dụng chiến lược lướt sóng ngắn sẽ hiệu quả hơn. 

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán

Cá nhân tôi có suy nghĩ rằng, thị trường giai đoạn hiện nay xét chung trong ngắn hạn không còn quá rẻ như trước, xét riêng theo từng cổ phiếu thì vẫn có nhiều cơ hội trong dài hạn.

Nhiều nhà đầu tư rồi cũng sẽ nhìn nhận thấy xu thế này nên họ sẽ cẩn trọng hơn khi mua vào. Vì thế trong thời gian tới xu hướng phân hóa sẽ rất mạnh. Một lượng nhà đầu tư chốt lời đã và sẽ rút tạm thời khỏi thị trường chờ cơ hội, nhưng lượng còn lại đủ lớn để tiếp tục khuấy đảo thị trường.

Với mùa báo cáo bán niên sắp tới cho thấy sự phân hóa càng rõ nét hơn nữa, có nghĩa dòng tiền trên thị trường sẽ tìm đến những cổ phiếu tốt, có kết quả kinh doanh khả quan và còn GAP tăng giá để lưu trú với mục tiêu dài hạn hơn.

Ngược lại, những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh bán niên kém khả quan sẽ bị bán mạnh. Do đó, cá nhân tôi lựa chọn chiến lược mua và nắm giữ những cổ phiếu có lợi thế, có cơ hội phát triển dài hạn và nếu có thể thực hiện việc Trading với những cổ phiếu sẵn có.

Tin bài liên quan