Bàn tròn chứng khoán: Cơ hội nhóm cổ phiếu chứng khoán

Bàn tròn chứng khoán: Cơ hội nhóm cổ phiếu chứng khoán

(ĐTCK) Nhóm cổ phiếu chứng khoán đồng loạt tăng giá mạnh trong phiên cuối tuần (16/8), đã khiến thị trường kỳ vọng có thể có một đợt sóng mới sau đợt sóng cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cảng biển... Liệu cơ hôi có đến với nhóm cổ phiếu này không? Cùng Báo Đầu tư chứng khoán tìm câu trả lời từ một số chuyên gia chứng khoán trong chuyên mục Bàn tròn tuần này.

Thị trường đang biến động với biên độ rộng hơn so với giai đoạn tháng 7 khi có những phiên, chỉ số VN-Index đã biến động trong khoảng 25 điểm, điều này khá tương đồng với biến động mạnh của thị trường chứng khoán quốc tế. Diễn biến “co giật” mạnh có tiếp diễn trong tuần tới, theo các ông/bà?

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Đầu tư, CTCK VNDRIECT (VNDS)

Theo cá nhân tôi thì biến động trong vài tuần qua của thị trường chứng khoán là khá tích cực khi so sánh tương quan với đà giảm mạnh liên tiếp của các thị trường chứng khoán quốc tế.

Thị trường Việt Nam chỉ chịu một vài phiên biến động mạnh và đa phần là các biến động trong trạng thái giảm điểm nhẹ với thanh khoản và sự phân hóa vẫn được duy trì. Hai phiên giao dịch cuối tuần cho thấy mức độ gần như "miễn nhiễm" của thị trường Việt nam với các ảnh hưởng của thị trường tài chính quốc tế. 

Hơn nữa, dòng tiền đang có dấu hiệu dần quay trở lại và thị trường sẽ tích cực hơn cũng như nhiều cơ hội tăng giá hơn trong tuần giao dịch tới.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK Dầu khí (PSI)

TTCK Việt Nam rõ ràng đang bị ảnh hưởng mạnh bởi diễn biến vĩ mô và tin tức quốc tế. Chúng ta chưa đề cập và cũng chưa nói đến tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam như thế nào, câu hỏi đặt ra là: Nếu Kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu suy thoái không có mối tương quan nhiều so với kinh tế Việt Nam cũng nhưng mức độ ảnh hưởng sâu rộng ra sao? Nói cách khác, tâm lý nhà đầu tư đang chi phối, lấn át và ảnh hưởng lên động thái mua bán cổ phiếu của chúng ta.

Trong tuần qua, VN-Index đã biến động mạnh đồng pha với TTCK quốc tế và trong tuần tới vẫn có những phiên điều chỉnh nhưng diễn biến co giật sẽ nhẹ nhàng hơn có lẽ chỉ soay quanh từ giải 970 - 985 điểm. Các phiên hồi phục tốt cuối tuần qua đã đem lại niềm tin lớn cho các nhà đầu tư.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Thị trường chứng khoán thế giới đã có những phiên biến động mạnh và khá khó lường theo các thông tin về diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và hiệu ứng đường cong lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đảo ngược.

Bàn tròn chứng khoán: Cơ hội nhóm cổ phiếu chứng khoán ảnh 1

Ông Vũ Minh Đức

Điều này đã có những ảnh hưởng đến biến động của TTCK trong nước, mặc dù chúng ta có thể quan sát thấy những nỗ lực tăng điểm rất đáng khích lệ của VN-Index.

Trong tuần tới, chúng tôi chưa thấy những dấu hiệu cho thấy sự ổn định đã quay trở lại với TTCK thế giới, do đó, không loại trừ TTCK trong nước sẽ tiếp tục có những phiên biến động mạnh về điểm số.

Việc phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc trong thời gian vừa qua và dự kiến có thể sẽ diễn biến xấu hơn nữa sẽ làm chao đảo thị trường tiền tệ trong khu vực và trên thế giới. Theo các ông/bà, điều này có khiến cho dòng vốn có xu hướng tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam không?

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Đầu tư, CTCK VNDRIECT (VNDS)

Tôi cho rằng, áp lực của đồng USD với dòng vốn ngoại tại các thị trường mới nổi và cận biên lớn hơn nhiều so với áp lực của đồng nhân dân tệ gây ra.

Mỗi khi đồng USD tăng giá mạnh các dòng vốn này ngay lập tức có áp lực rút vốn khỏi các thị trường cận biên và mới nổi còn việc đồng Nhân dân tệ phá giá theo tôi tác động là không đáng kể tới dòng vốn đầu tư của khối ngoại.

Tuy nhiên, dòng vốn ngoại đang đầu tư ở thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ chịu áp lực lớn nhất khi chứng kiến đồng vốn đầu tư bị hao hụt do Nhân dân tệ mất giá. Hiện tại, đồng USD sau quá trình tăng giá từ đầu tháng 6 tới đầu tháng 8/2019 đã tạm chững lại nên áp lực tới việc rút vốn của khối nhà đầu tư ngoại ở các thị trường mới nổi và cận biên cũng sẽ giảm bớt.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK Dầu khí (PSI)

Thống kê giao dịch khối ngoại kể từ đầu tháng 8 cho thấy, khối này đã liên tiép bán ròng có những phiên bán ra khá lớn. Giá trị bán ròng mạnh nhất ở các phiên đầu tháng khá trùng khớp với sự kiện căng thẳng mỹ trung leo thang.

Xu hướng bán ròng của khối ngoại vẫn chưa có dấu hiệu đao chiều nhất là trong bối cảnh Trung Quốc phá giá đông Nhân dân tệ, tỷ giá biến động. Nhà đầu tư đang có dấu hiệu rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc và một số nước khác như Thái Lan, Philipine.

Bàn tròn chứng khoán: Cơ hội nhóm cổ phiếu chứng khoán ảnh 2

Ông Lê Đức Khánh

Trái ngược với diễn biến bán ròng của khối ngoại trên TTCK Việt Nam thì dòng tiền giải ngân FDI FII lại tăng mạnh ở các tháng trong 7 tháng đầu năm 2019 đặc biệt là tháng 2,5. Xu hướng này vẫn có thể tiếp diễn trong giai đoạn cuối năm 2019.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Về mặt lý thuyết, nếu đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc tiếp tục bị phá giá có thể dẫn tới xu hướng tháo chạy của dòng vốn ngoại ra khỏi thị trường này. Tuy nhiên, tỷ giá tiền Đồng của Việt Nam vẫn khá ổn định trong thời gian gần đây bất chấp những bất ổn của thị trường tiền tệ thế giới. Do đó, chúng tôi chưa thấy lý do cho việc đảo chiều của dòng vốn ngoại.

Mặc dù vậy, nếu diễn biến của chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang, ảnh hưởng không chỉ đến TTCK Trung Quốc mà lan rộng ra toàn thế giới thì dòng tiền có thể sẽ có xu hướng rút ra khỏi thị trường chứng khoán nhiều rủi ro để tìm nơi trú ẩn an toàn hơn, khi đó, Việt Nam có thể sẽ không nằm ngoài xu hướng chung.

Sau sự sôi động của nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, Viettel, cảng biển…, dòng tiền “để mắt” hơn đến nhóm ngân hàng, chứng khoán, đặc biệt nhóm chứng khoán đã đồng loạt tăng giá trong phiên cuối tuần. Cơ hội có nhiều đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán ở thời điểm này?

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Đầu tư, CTCK VNDRIECT (VNDS)

Hiện nhiều cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng và chứng khoán đang ở vùng giá đáy của năm khi những lo ngại về rủi ro suy thoái và triển vọng đi xuống của ngành khiến giá giảm quá so với nội tại doanh nghiệp.

Chẳng hạn, nhóm ngành chứng khoán với hai quý đầu năm khó khăn chúng ta thấy thanh khoản chung của thị trường đang tốt dần lên so với các quý đầu năm nay và triển vọng nâng hạng thị trường, IPO nhiều doanh nghiệp lớn nhà nước và thoái vốn vẫn là cơ hội lớn cho ngành đang dần sáng hơn.

Những lo ngại về triển vọng ngành chủ yếu mang tính ngắn hạn trong khi triển vọng ngành dài hạn theo cá nhân tôi là rất tích cực. Điều này có thể thúc đẩy dòng tiền đầu tư mua vào trong các phiên gần đây khi những người có tầm nhìn xa hơn coi những khó khăn ngắn hạn là cơ hội để mua vào tích lũy cổ phiếu.

Ngoài ra, các quỹ đầu tư cũng đang có lộ trình triển khai các sản phẩm Quỹ ETF cho các cổ phiếu nhóm ngành tài chính như: Ngân hàng; Bảo hiểm; Chứng khoán..., tạo ra những kỳ vọng tích cực hơn cho các cổ phiếu ngành này.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK Dầu khí (PSI)

Nhóm chứng khoán thường là nhóm tăng điểm khi thị trường xuất hiện những bước ngoặt mới.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán được xếp vào danh sách cổ phiếu dầu cơ dẫn sóng mà khi chúng tăng điểm thì thị trường bước vào giai đoạn hồi phục mới mặc dù chúng ta vẫn cần kiểm chứng thêm các tín hiệu khác đến từ thị trường nhưng đo lường độ rộng của thị trường, số lượng các cổ phiếu vượt đỉnh mới hay giá trị giá trị hay thanh khoản thị trường chung tăng mạnh...

Nếu nói cơ hội thì tôi cho rằng là có - cơ hội cho giao dịch ngắn hạn - đầu cơ cổ phiếu hơn là cơ hội đầu tư dài hơi.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Tôi cho rằng các cổ phiếu chứng khoán thường khá nhạy với diễn biến chung của thị trường. Một VN-Index tăng trưởng bền vững với dòng tiền gia tăng dần mới là điểm tựa cơ bản tốt cho nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng trường.

Hiện tại, điều này vẫn chưa xuất hiện, vì thế tôi cho rằng nhịp tăng hiện tại của nhóm này là do sự dịch chuyển của dòng tiền ngắn hạn sang những cổ phiếu có dấu hiệu bị bán quá mức.

Một số khuyến nghị cho rằng, đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, có thể xem xét bán chốt lời một phần danh mục tại các phiên tăng điểm của thị trường. Vậy tỷ trọng danh mục ở mức bao nhiêu % cổ phiếu được xem là hợp lý trong giai đoạn này, theo các ông bà?

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Đầu tư, CTCK VNDRIECT (VNDS)

Theo tôi, mức độ tỷ trọng danh mục là bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào chiến lược và mức độ chịu rủi ro của mỗi nhà đầu tư.

Ở khía cạnh cá nhân tôi với thị trường khi chưa rõ ràng xu hướng và còn tiềm ẩn những bất ổn rất khó lường như hiện tại thì mức tỷ lệ cân bằng 50/50 là phù hợp để dự phòng rủi ro và có nguồn vốn cho các cơ hội mới.

Bàn tròn chứng khoán: Cơ hội nhóm cổ phiếu chứng khoán ảnh 3

Ông Nguyễn Trung Du

Ngoài ra, việc chốt lời cổ phiếu nào nhà đầu tư có thể căn cứ vào đánh giá của bản thân về mức độ đắt hay rẻ của cổ phiếu so với một mức định giá nào đó nếu là nhà đầu tư cơ bản hoặc sử dụng phân tích kỹ thuật để tìm thời điểm bán với các nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn.

Mức độ phân hóa của thị trường trong các năm gần đây ngày càng mạnh nên việc nghiên cứu cơ bản của doanh nghiệp và phân tích sâu từng cổ phiếu để có chiến lược cụ thể với từng cổ phiếu có ý nghĩa vô cùng quan trọng tới kết quả cuối cùng.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, CTCK Dầu khí (PSI)

Thị trường vẫn đang đối mặt với các ngưỡng kháng cự mạnh như 980 985, 995 1000 điểm. Chúng ta vẫn chưa thể kỳ vọng thị trường có thể có những bất ngờ hay chí ít là lạc quan về hiện tượng đảo chiều của thị trường. Nhà đầu tư vẫn nên cảnh giác và thận trọng đối với diễn biến điều chỉnh co giật của thị trường trong tuần tới.

Có thể thực hiện cơ cấu danh mục, vẫn có thể mua thêm các cổ phiếu có tín hiệu tốt mà không cần quan tâm đến diễn biến thị trường điều chỉnh hoặc có thể bán ra đối với những cổ phiếu mà chúng ta đã sai lầm mua vào bởi chúng không diễn biến nhưng chúng ta kỳ vọng hoặc đơn giản cũng có thể kiên nhẫn hơn với những cổ phiếu mà chúng chưa tăng nhiều.

Trong danh mục sẽ có nhiều cổ phiếu và diễn biến tăng giảm là khác nhau và cách ứng xử cũng khác. Quản trị danh mục thế nào linh hoạt và hiệu quả mới là mối bận tâm của các nhà đầu tư hiện nay.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, CTCK Bản Việt (VCSC)

Không có một tỷ trọng cụ thể được coi là hợp lý với tất cả mọi người vì các nhà đầu tư có quy mô, kỳ vọng lợi nhuận và khả năng chịu đựng rủi ro khác nhau.

Với cá nhân tôi, ở thời điểm hiện tại, tôi sẽ ưu tiên cho việc tăng dần tỷ trọng ở danh mục đầu tư dài hạn đối với một số cổ phiếu có mức định giá hấp dẫn; ngược lại, thu hẹp dần danh mục đầu tư ngắn hạn đối với các cổ phiếu có beta cao trong giai đoạn gần đây về mức thấp. 

Tin bài liên quan