Bank - Chứng - Thép “níu chân” thị trường

Bank - Chứng - Thép “níu chân” thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sắc đỏ lan rộng hơn trên thị trường, đặc biệt là sự điều chỉnh của bộ 3 trụ cột bank - chứng - thép, đã đẩy VN-Index lùi về vạch xuất phát.

Mặc dù thanh khoản phiên giao dịch sáng 29/1 cải thiện khá tích cực nhưng việc VN-Index nhanh chóng quay đầu khi vừa chạm mốc 1.180 điểm, đã khiến tâm lý thị trường có phần kém lạc quan hơn.

Bước vào phiên giao dịch chiều, áp lực bán tiếp tục lan rộng hơn khiến VN-Index giật lùi. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip không ngừng gia tăng sức ép lên thị trường, đã đẩy VN-Index về vạch xuất phát, thậm chí có thời điểm đảo chiều giảm điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu bluechip là nhân tố chính “níu chân” thị trường với bộ ba bank – chứng – thép đồng loạt điểm chỉnh giảm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 187 mã tăng và 283 mã giảm, VN-Index tăng 0,02 điểm lên 1.175,69 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 666,54 triệu đơn vị, giá trị 14.288,64 tỷ đồng, tăng 15,88% về khối lượng và 10,77% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 113,72 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.717 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép đồng loạt điều chỉnh. Trong đó, nhóm cổ phiếu thép giảm mạnh nhất, với cặp đôi HSG và HPG đều đóng cửa ở vùng giá thấp nhất trong ngày với mức giảm tương ứng 3% và 1,2%, xuống 22.850 đồng/CP và 28.000 đồng/CP, nhưng thanh khoản là sôi động nhất thị trường, đạt 22,5 triệu đơn vị và 21,58 triệu đơn vị. Ngoài ra, NKG kết phiên giảm 2,6% xuống mức thấp nhất trong ngày 25.950 đồng/CP.

Nhóm chứng khoán đứng thứ 2 với mức giảm hơn 0,5%, trong đó phần lớn đều đảo chiều giảm hoặc lùi về mốc tham chiếu, ngoại trừ một số mã thoát hiểm thành công như TVS, ORS, FTS, BSI có mức tăng chưa tới 1%.

Nhóm ngân hàng cũng chỉnh nhẹ khi chịu ảnh hưởng từ cặp đôi lớn VCB và BID đều mất điểm. Trong khi đó, một số cổ phiếu ngược dòng thành công là OCB tăng 1%, các mã khác như MBB, LPB, HDB, STB, CTG tăng nhẹ trên dưới 0,5%.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu sản xuất nhựa – hóa chất vẫn có mức tăng vượt trội hơn 3%. Cụ thể, LIX vẫn tăng trần, DCM tăng hơn 4%, DPM tăng 2,6%, SFG tăng 3,3%, LAS tăng 3%, PHR tăng 2,46%, DPR tăng 5,4%, CSV tăng 3,7%, DGC, BFC, APH đều tăng hơn 1%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HHS vẫn giữ được sức nóng và đóng cửa đứng tại mức giá trần 7.690 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt 7,34 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị. Trong khi đó, TCH giữ mức tăng 3,5%, đóng cửa tại mức giá 13.350 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 14 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán cũng gia tăng trong phiên chiều đã khiến thị trường rung lắc và liên tục đổi sắc.

Chốt phiên, sàn HNX có 86 mã tăng và 78 mã giảm, HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,17%) xuống 229,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 52,42 triệu đơn vị, giá trị 896,64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,95 triệu đơn vị, giá trị 12,48 tỷ đồng.

Cặp đôi có thanh khoản tốt nhất thị trường là SHS và CEO đều đóng cửa giảm nhẹ 0,5%, lần lượt đứng tại mức giá 18.300 đồng/CP và 21.600 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh tương ứng đạt 7,97 triệu đơn vị và 4,39 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí tiếp theo là DTD và TTH đều khớp hơn 2,5 triệu đơn vị, đóng cửa tương ứng tăng 4% và 4,3%, lên mức 25.900 đồng/CP và 4.800 đồng/CP.

Ở nhóm hóa chất phân bón, cổ phiếu LAS giữ mức tăng 3%, đóng cửa tại mức giá 17.300 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh xấp xỉ 1,5 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường lình xình đi ngang dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,11%) xuống 87,6 điểm với 134 mã tăng và 130 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 25,19 triệu đơn vị, giá trị 427,23 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 13,37 triệu đơn vị, giá trị 285,8 tỷ đồng, trong đó, đáng kể là 10,1 triệu cổ phiếu BHI, trị giá 191,9 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR giữ mức tăng nhẹ 0,5%, đóng cửa đứng tại mức giá 19.100 đồng/CP và vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với 3,55 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Bên cạnh đó, cổ phiếu phân bón DDV tiếp tục nới rộng biên độ và đóng cửa tăng 4,8% lên mức 10.900 đồng/CP, với khối lượng giao dịch đạt 1,34 triệu đơn vị.

Mặt khác, cổ phiếu VTP có chút hạ nhiệt sau chuỗi ngày dài tăng mạnh. Kết phiên, VTP giảm nhẹ 0,3% xuống mức 65.000 đồng/CP, thanh khoản vẫn thuộc top 5 dẫn đầu thị trường với hơn 1,12 triệu đơn vị giao dịch thành công.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm nhẹ chưa tới 5 điểm, với VN30F2402 giảm 3,4 điểm, tương đương -0,3% xuống 1.183,6 điểm, khớp gần 114.410 đơn vị, khối lượng mở 51.800 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền cũng tràn ngập sắc đỏ, với CHPG2325 khớp lệnh cao nhất đạt 5,12 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 30,4% xuống mức 160 đồng/cq. Tiếp theo là CHPG2326 khớp 3,39 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 9,2% xuống 690 đồng/cq.

Tin bài liên quan