Bảo hiểm nhân thọ không chỉ là tiết kiệm

Bảo hiểm nhân thọ không chỉ là tiết kiệm

(ĐTCK-online) Người thu nhập thấp hoặc trung bình có thể tham gia bảo hiểm không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể, nếu như họ có một công việc với thu nhập ổn định hàng tháng. Khi đó, tùy theo điều kiện và nhu cầu của mình, họ có thể làm việc với các đại lý bảo hiểm để lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp.

Nhằm đáp ứng nhu cầu được bảo hiểm của phân khúc khách hàng có mức thu nhập trung bình hoặc những khách hàng chỉ quan tâm đến mục tiêu bảo vệ thuần túy, các công ty bảo hiểm nhân thọ đang tập trung đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm của mình, đặc biệt là những sản phẩm mang tính bảo vệ cao để khách hàng lựa chọn. Chẳng hạn như ACE Life vừa qua đã tung ra cùng lúc hai sản phẩm bảo hiểm tử kỳ: Bảo hiểm tử kỳ thời hạn 10 - 15 - 20 năm - 2010 và Bảo hiểm tử kỳ thời hạn 1 năm - 2010. Với mục tiêu bảo vệ thuần túy và không có giá trị hoàn lại, hai loại hình bảo hiểm này có mức phí khá thấp.

Không chỉ có ACE Life, trong rổ sản phẩm của hầu hết công ty bảo hiểm nhân thọ đang hoạt động trên thị trường đều đã có những sản phẩm mang tính bảo vệ cao. Prudential Việt Nam có Phú an gia thành tài và Phú an khang hưu trí;  Great Eatern có Đại an minh tâm và Đại bảo toàn cá nhân, sản phẩm bảo vệ không có yếu tố tiết kiệm…

Theo ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc điều hành khu vực Tập đoàn AIA, kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên AIA Việt Nam, hiện nay, phần đông người dân Việt Nam vẫn quan niệm bảo hiểm nhân thọ như là một kênh tiết kiệm. Tuy nhiên, với đặc trưng của bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ một phần đáp ứng nhu cầu tiết kiệm, đầu tư, phần cơ bản phải là mang lại sự bảo vệ. Cách đây 10 năm, người dân chưa quen với bảo hiểm và các kênh đầu tư, tiết kiệm vẫn còn hạn chế, thì phần lớn sản phẩm bảo hiểm nhân thọ là để đáp ứng nhu cầu tiết kiệm, tích lũy. Đó cũng là cách tiếp cận khách hàng phù hợp vào thời điểm đó. Nhưng những năm gần đây, sản phẩm bảo hiểm nhân thọ mang tính bảo vệ nhiều hơn, hoặc sản phẩm thuần túy bảo vệ đã được giới thiệu cho khách hàng.

"Một điều rõ ràng là người Việt Nam đang rất ít có cơ hội được bảo hiểm những rủi ro, tai nạn trong cuộc sống. Mới chỉ có khoảng 5% dân số được bảo hiểm nhân thọ và trong 5% số người có bảo hiểm này, mức độ bảo hiểm cũng chưa đủ", ông Phong chia sẻ.

Khi đề cập đến yếu tố tiết kiệm trong bảo hiểm, các chuyên gia trong ngành chia sẻ rằng, nếu bạn muốn tiết kiệm hãy chọn ngân hàng, còn nếu muốn bảo vệ cuộc sống trước những rủi ro bất khả kháng thì bảo hiểm là ưu tiên hàng đầu. Yếu tố tiết kiệm được các công ty bảo hiểm đưa vào một số sản phẩm bảo hiểm như hiện nay chỉ nhằm mục đích tăng thêm tính hấp dẫn cho sản phẩm, chứ mục đích chính của bảo hiểm phải là bảo vệ. Thống kê sơ bộ của một công ty bảo hiểm với một nhóm khách hàng có kế hoạch hoạch định tài chính rất rõ ràng cho thấy, trừ đi các chi tiêu cho sinh hoạt, những người biết hoạch định cuộc sống thường dành trung bình 6% tổng thu nhập hàng tháng cho bảo hiểm và 10% thu nhập gửi ngân hàng.

Trả lời câu hỏi, một người dân cần được bảo hiểm ở mức độ nào, ông Phong so sánh với các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực, nơi ngành bảo hiểm nhân thọ đã phát triển từ khá lâu. Ở Hồng Kông (Trung Quốc), dân số chỉ là 7 - 8 triệu người, nhưng có tới hơn 100 công ty bảo hiểm. Vậy mà sau gần 100 năm khai thác, nhu cầu bảo hiểm của người dân Hồng Kông vẫn còn thiếu tới 320 tỷ USD mới tương xứng (theo nguồn Swiss Re). Singapore cũng là nơi thị trường bảo hiểm nhân thọ đã phát triển gần 100 năm, nhưng lãnh đạo đất nước này vẫn phàn nàn về việc người dân còn thiếu bảo hiểm.

"Khi một người trụ cột không may gặp rủi ro, mức bảo hiểm phải cỡ khoảng 10 lần thu nhập một năm của người đó thì mới có thể gọi là đủ để bảo đảm an toàn tài chính cho gia đình", ông Phong nhận định.

Vậy làm sao để người dân có thể hiểu đúng về vai trò và sứ mệnh của bảo hiểm, các chuyên gia trong ngành cho rằng, trước tiên, cần phải có những sản phẩm mang tính bảo vệ cao để khách hàng lựa chọn. Thứ nữa, các công ty bảo hiểm nhân thọ phải có đội ngũ đại lý chuyên nghiệp để tư vấn phù hợp cho khách hàng. Những "đại sứ" thương hiệu này phải hiểu rất rõ về sản phẩm và đủ khả năng để phân tích tài chính với từng gia đình, trên cơ sở đó, tư vấn sản phẩm và số tiền bảo hiểm phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng.