
Ông Nguyễn Thanh An, diễn giả, giảng viên cao cấp trong ngành bảo hiểm nhân thọ
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về sản phẩm “may đo” mà bên mua bảo hiểm có cơ hội được sở hữu?
Theo Điều 101, Nghị định 46/2023/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm), quyền lợi của sản phẩm liên kết đầu tư được tách bạch giữa quyền lợi về rủi ro và quyền lợi về đầu tư. Cơ cấu phí bảo hiểm được tách bạch giữa phí đem đi đầu tư và phí bảo hiểm rủi ro. Bên mua bảo hiểm được hưởng toàn bộ kết quả đầu tư từ phần phí đem đi đầu tư sau khi khấu trừ các khoản phí liên quan đến hoạt động phát hành, quản lý hợp đồng bảo hiểm...
Điều 102 của nghị định này quy định, khi tham gia hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư, khách hàng sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm rủi ro (chi trả tiền trước rủi ro) và quyền lợi đầu tư (đầu tư gia tăng tài sản) cùng các quyền lợi thưởng khác (nếu có) nhằm tăng giá trị tài khoản. Quyền lợi bảo hiểm rủi ro bao gồm quyền lợi tử vong và quyền lợi thương tật toàn bộ vĩnh viễn. Quyền lợi đầu tư là toàn bộ kết quả đầu tư từ phần phí đem đi đầu tư của bên mua bảo hiểm sau khi trừ đi phí quản lý quỹ theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Điều 102, Nghị định 46/2023/NĐ-CP cũng nêu rõ, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực (1/7/2023), doanh nghiệp bảo hiểm được tiếp tục cung cấp các quyền lợi của hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư theo quy định tại quy tắc, điều khoản sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư đã được Bộ Tài chính phê chuẩn trước ngày nghị định này có hiệu lực.
Như vậy, kể từ ngày 1/7/2025, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ buộc thay đổi khi bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư ra thị trường. Nếu những sản phẩm bảo hiểm được sinh ra trước thời điểm 1/7/2025 như hàng may sẵn, thì sau mốc này, sản phẩm bảo hiểm sẽ giống như được “may đo”, phù hợp hơn với nhu cầu và khả năng tài chính của từng đối tượng khách hàng.
Vậy, phải giải thích thế nào về việc nhiều sản phẩm bảo hiểm nhân thọ được khai sinh trước ngày 1/7/2025 gần đây vẫn được các tư vấn viên giới thiệu là những sản phẩm “vô cùng ưu việt”?
Các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư được phê duyệt trước thời điểm Nghị định 46/2023/NĐ-CP vẫn tốt, hữu dụng, với điều kiện khách hàng được tư vấn chuẩn, tham gia đúng thông tin, đúng nhu cầu, không “bán ép, mua vội”. Bản thân tôi đã tham gia và vẫn đang duy trì một số hợp đồng của những sản phẩm đó.
Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2025, người tham gia bảo hiểm có cơ hội được sở hữu sản phẩm bảo hiểm phù hợp hơn với bản thân và gia đình. Từ quan điểm cá nhân, tôi thấy cách thiết kế sản phẩm này ưu việt hơn.
Thứ nhất, sản phẩm tập trung bảo vệ tổn thất lớn, chính là thu nhập của người trụ cột với mệnh giá bảo vệ cao hơn, nhằm đảm bảo cuộc sống vật chất của gia đình trong tình huống người trụ cột không đủ sức khỏe, hoặc không còn sống để làm việc kiếm tiền.
Thứ hai, các quyền lợi bổ trợ được thêm vào, bớt ra, tăng hay giảm linh hoạt hơn, không bị bó cứng, cố định mức chi trả. Khách hàng được chủ động hơn, được tham gia phù hợp hơn so với nhu cầu cũng như khả năng tài chính mỗi năm, mỗi giai đoạn cuộc đời, tránh được tình trạng lãng phí, dư thừa không cần thiết.
Thứ ba, do những quyền lợi chăm sóc sức khoẻ không còn nằm trong sản phẩm chính, mà được tách ra để khách hàng có nhu cầu, có khả năng tài chính thì tham gia kèm thêm, cho nên chi phí ban đầu của sản phẩm chính sẽ thấp hơn trước đây, khả năng tích luỹ (giá trị tiền mặt) của hợp đồng bảo hiểm sẽ tốt hơn. Bởi thế, nếu khách hàng đóng tiền đúng thời hạn, đủ số tiền, đều hàng năm và để lâu khoảng 15 - 20 năm thì tôi tin chắc, giá trị đáo hạn sẽ lớn hơn tổng tiền đã đóng cho sản phẩm chính.
Để có sản phẩm “may đo” vừa vặn nhất, đòi hỏi lực lượng tư vấn viên bảo hiểm phải thấu hiểu khách hàng. Ông có cho rằng đây là giai đoạn lực lượng tư vấn viên bảo hiểm sẽ có sự sàng lọc mạnh mẽ?
Đúng vậy. Người tư vấn phải am hiểu chuyên môn và có đạo đức nghề nghiệp mới có thể “thiết kế” ra những sản phẩm bảo hiểm phù hợp, vừa vặn với từng khách hàng. Cuộc thanh lọc đại lý bảo hiểm đã diễn ra mạnh mẽ trong thời gian qua. Tới đây, cuộc sàng lọc này tiếp tục diễn ra trước đòi hỏi mới từ thực tiễn. Đây cũng là cơ hội nâng tầm chất lượng đại lý nói riêng, toàn ngành bảo hiểm nói chung.