Techcombank sẽ hoàn thiện hệ sinh thái tài chính với việc thành lập Bảo hiểm Nhân thọ TCLife

Techcombank sẽ hoàn thiện hệ sinh thái tài chính với việc thành lập Bảo hiểm Nhân thọ TCLife

Ngân hàng tham gia sâu vào “sân chơi” bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong thời gian tới, dự báo sẽ có thêm nhiều ngân hàng thành lập công ty bảo hiểm hoặc công ty con hoạt động theo mô hình đại lý bảo hiểm.

Hoàn thiện hệ sinh thái

Mùa đại hội cổ đông vừa qua, Techcombank và VPBank đã chia sẻ kế hoạch thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ. Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, đến nay, Techcombank đã nộp hồ sơ xin cấp phép thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ lên Bộ Tài chính, còn VPBank vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ.

Sau khi thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ, cả hai nhà băng trên sẽ hoàn thiện “mảnh ghép” trong mảng kinh doanh bảo hiểm, bên cạnh mảng bảo hiểm phi nhân thọ hiện hữu (VPBank có công ty bảo hiểm phi nhân thọ mang tên OPES, Techcombank có Công ty cổ phần Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom).

Theo thông tin từ Techcombank, công ty bảo hiểm nhân thọ dự kiến mang tên Công ty cổ phần Bảo hiểm Nhân thọ Kỹ Thương (TCLife); có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, trong đó Techcombank góp 1.040 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ sở hữu cổ phần là 80%, 20% cổ phần còn lại do Tập đoàn Vingroup góp.

Thực tế, từ 10 năm trước, cả Techcombank, VPBank và VinGroup từng có ý định thành lập công ty bảo hiểm trực thuộc, nhưng đến nay mới khởi động lại kế hoạch này.

Ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank cho biết, việc bổ sung hai mảnh ghép còn thiếu là bảo hiểm nhân thọ và quản lý quỹ sẽ giúp hoàn thiện hệ sinh thái tài chính của Ngân hàng. Ngoài ra, việc lập công ty bảo hiểm cũng giúp VPBank chủ động mô hình kinh doanh và chăm sóc khách hàng. Năm 2024, OPES lãi trước thuế 474 tỷ đồng, cao gấp 3 lần mức thực hiện trong năm 2023. Năm 2025, Công ty đặt mục tiêu lãi trước thuế 636 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với cùng kỳ.

Tuy vậy, theo một số chuyên gia trong ngành, nguyên nhân căn bản, quan trọng nhất là, tiềm năng của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam còn rất lớn. Hiện tỷ lệ dân số đang được bảo vệ bởi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mới chỉ tương đương 20% dân số trong độ tuổi lao động và 10% dân số cả nước. Trong khi tỷ lệ này ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản… lên tới 80 - 90%; ở một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia lần lượt là 80% và 50%...

Kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã khẳng định vai trò là kênh phân phối hiệu quả, đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu phí bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam. Sau giai đoạn suy giảm do hệ quả của tăng trưởng “nóng”, với những điều chỉnh trong hành lang pháp lý liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm qua ngân hàng theo hướng chặt chẽ hơn và nỗ lực từ cả phía ngân hàng và công ty bảo hiểm, bancassurance bước qua giai đoạn khó khăn và đang ghi nhận sự hồi phục khá tích cực.

Điều đáng chú ý là sau nhiều năm làm “đại lý phân phối” cho các công ty bảo hiểm nhân thọ, các nhà băng giờ đây đã đủ kinh nghiệm để tự phát triển một lĩnh vực được coi là không dễ, bởi bảo hiểm nhân thọ đòi hỏi khả năng quản trị nguồn vốn dài hạn, vốn đối nghịch với tính chất ngắn hạn của vốn vay thương mại, bên cạnh kỹ năng khó trong phân phối bảo hiểm.

Bên cạnh mảng bảo hiểm, các ngân hàng còn đang hoàn thiện hệ sinh thái của mình khi phát triển hoặc góp vốn phát triển các công ty công nghệ, phát triển mảng ngân hàng số, công ty chứng khoán và tới đây có thể là các sàn giao dịch tài sản ảo khi được phép.

Thị trường cần thêm công ty bảo hiểm nhân thọ nội

Theo số liệu của Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện có tổng 32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Số lượng công ty bảo hiểm như trên, theo góc nhìn của ông Chung Bá Phương, Chủ tịch Công ty Bảo hiểm Techcom, là phù hợp. Tuy nhiên, thị trường vẫn chưa có đủ các công ty bảo hiểm nhân thọ do người Việt Nam làm chủ (công ty thuần Việt), thực sự thấu hiểu nhu cầu của khách hàng. Đó cũng là lý do các ngân hàng, tổ chức uy tín của Việt Nam thành lập thêm công ty bảo hiểm nhân thọ.

Ông Phương từng có kinh nghiệm dẫn dắt Manulife Việt Nam và Generali Việt Nam trong vai trò CEO.

Hiện cả nước đang có duy nhất công ty bảo hiểm nhân thọ nội địa là Bảo Việt Nhân thọ. Doanh nghiệp này do Tập đoàn Bảo Việt (có đối tác ngoại là Sumitomo Life, Nhật Bản) nắm 100% vốn. Đây cũng là công ty bảo hiểm nhân thọ có “phong độ” hoạt động ổn định nhất. Trong 5 tháng đầu năm 2025, Công ty tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu toàn ngành về doanh thu phí bảo hiểm và doanh thu khai thác mới từ kênh đại lý.

Trở lại với câu chuyện ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực bảo hiểm, tính đến nay, nhiều ngân hàng đã sở hữu công ty bảo hiểm phi nhân thọ, nhưng ngân hàng đã sở hữu cả hai phân khúc nhân thọ và phi nhân thọ mới dừng ở hai cái tên, là MB, BIDV. Ngân hàng MB hiện sở hữu 2 công ty bảo hiểm là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ MB Ageas (MBAL). Còn BIDV sở hữu BIC (hoạt động trong lĩnh vực phi nhân thọ) và BIDV- Metlife (hoạt động ở mảng bảo hiểm nhân thọ).

Đáng chú ý, một số ngân hàng như ACB, VIB, MSB… chưa thành lập, hoặc góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp bảo hiểm.

Trong bối cảnh trên, giới quan sát dự báo, thời gian tới, ngành bảo hiểm sẽ có sự gia nhập của một số công ty mới trực thuộc ngân hàng.

Theo ông Trương Minh Cát Nguyên, CEO TILA Finance, ngoài việc thành lập công ty bảo hiểm, ngân hàng có thể mở thêm công ty hoạt động theo mô hình đại lý bảo hiểm tổ chức.

“Các ngân hàng có thể đầu tư mạnh hơn vào đội ngũ bán bảo hiểm chuyên biệt, thông qua việc thành lập các công ty hoạt động theo mô hình đại lý bảo hiểm tổ chức. Nhân viên của các công ty này sẽ được đào tạo bài bản, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật nghiêm ngặt hơn và cải thiện đáng kể trải nghiệm của khách hàng’, CEO TILA Finance dự báo.

Thực tế, mô hình này đã được triển khai tại Techcombank. Hiện Techcombank là ngân hàng duy nhất sở hữu cả công ty bảo hiểm lẫn công ty hoạt động theo mô hình đại lý bảo hiểm tổ chức là TCA.

Theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, ngân hàng thương mại không được tự kinh doanh bảo hiểm mà phải thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết để thực hiện hoạt động kinh doanh này.

Theo Luật sư, TS. Lê Hồng Phúc, Công ty Luật Rajah&Tann LCT, nếu chưa có công ty con hoặc công ty liên kết là doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng vẫn được tiếp tục bán bảo hiểm nhưng chỉ được thực hiện dưới hình thức đại lý bảo hiểm, không được trực tiếp kinh doanh bảo hiểm. Các hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền đã ký kết trước ngày 1/7/2024 có thể tiếp tục thực hiện, nhưng phải đảm bảo không vi phạm các quy định mới, đặc biệt là không được ép buộc khách hàng mua bảo hiểm khi sử dụng dịch vụ khác của ngân hàng. Ngân hàng cần rà soát lại các hợp đồng đại lý bảo hiểm hiện tại để đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật.

Tin bài liên quan