Bảo vệ nhà đầu tư: kinh nghiệm của Philippines

(ĐTCK-online) TTCK Philippines có nhiều điểm khá tương đồng với TTCK Việt Nam. Những kinh nghiệm bảo vệ nhà đầu tư được ông Roel Refran, Luật sư trưởng Sở giao dịch chứng khoán Philippines chia sẻ với ĐTCK-online.

Ông có thể chia sẻ quan điểm của cơ quan quản lý chứng khoán Philippines về vấn đề bảo vệ nhà đầu tư?

Đối với chúng tôi, nhà đầu tư là nhân tố quan trọng của thị trường, TTCK là sân chơi bình đẳng với mọi thành phần, chính vì vậy thông tin truyền tải ra công chúng phải cập nhật, không thiên vị. Việc xử phạt với những vi phạm về công bố thông tin rất nặng. Chúng tôi từng đình chỉ giao dịch của 7 công ty niêm yết vì họ không nộp báo cáo thường niên đúng hạn và sau đó họ còn phải nộp phạt nữa.

Một doanh nghiệp xin niêm yết cổ phiếu bổ sung, trước đó 20 ngày, họ không hề công bố thông tin theo quy định. Qua phân tích số liệu, cơ quan chức năng thấy các nhân vật chóp bu trong HĐQT, cán bộ chủ chốt đã giao dịch cổ phiếu dựa vào thông tin quan trọng đó (giao dịch nội gián), Sở đã ra quyết định phạt công ty trên mức nặng nhất từ trước đến nay.

 

Sàn chứng khoán Philippines có quyền hạn như thế nào trong việc ra các quyết định xử phạt, thưa ông?

Trong giấy phép chúng tôi có quyền dự thảo và tạo ra quyết định của riêng mình, trong đó có cả xử phạt. Khi sửa đổi và ban hành một quy định nào mới phải có sự thông qua của Ủy ban Chứng khoán. Chúng tôi muốn nhấn mạnh là, Sở giao dịch cần có cơ chế tự quản vì không phải lần nào anh cũng có thể chạy đến Ủy ban Chứng khoán để xin xử phạt. Sở giao dịch có quyền xử phạt các thành viên liên quan đến hành vi sai phạm. Tiền xử phạt được chuyển đến Sở, chúng tôi còn yêu cầu nhà đầu tư bị thiệt hại có quyền đề nghị môi giới bồi thường, trường hợp môi giới lờ đi không giải quyết, họ có thể bị xử phạt nặng hơn.

 

Trong trường hợp cổ phiếu tăng giá một cách bất thường, các ông làm gì?

Chúng tôi cũng có những cổ phiếu tăng giá một cách bất thường. Thông thường, nếu giá cổ phiếu tăng thêm 50% thì công ty phải công bố thông tin để công chúng có cơ sở phán đoán tại sao nó lại tăng giá như vậy. Tuy nhiên, không chỉ yêu cầu doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin, bản thân Sở giao dịch cũng có biện pháp. Có nhiều cổ phiếu kém, xét về giá trị, thu nhập doanh nghiệp, chỉ số P/E cho thấy, không có lý do nào giá cổ phiếu tăng đến như vậy. Có thời điểm chúng tôi lập một danh sách 30 công ty hàng đầu và thống kê các tiêu chí như giá thị trường, doanh số, P/E..., so sánh hàng tuần, 4 tuần một lần rồi cho đăng tải rộng rãi để nhà đầu tư có cơ sở khi quyết định đầu tư, dựa vào những thống kê họ cũng có thể phân biệt loại cổ phiếu nào đang tăng giá bong bóng. Chúng tôi cũng khuyến cáo nhà đầu tư phải thận trọng khi ra quyết định, không chỉ dựa trên tin đồn.

 

Có bao giờ các ông linh động trong việc đưa ra quyết định không?

Với từng trường hợp, chúng tôi đều xem mục đích sâu xa của doanh nghiệp là gì. Chúng tôi có hình thức niêm yết theo kiểu giới thiệu, tức là không cần IPO cũng không nhằm mục đích gây vốn. Theo quy định, nếu doanh nghiệp niêm yết, cổ đông nắm trên 10% cổ phiếu phải giữ cổ phiếu và không bán ra trong 180 ngày. Có doanh nghiệp xin niêm yết, nhưng một cổ đông trong diện đó đã đem cầm cố một phần cổ phiếu ông ta sở hữu với ngân hàng. Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi xem xét và thấy đại đa số cổ phiếu còn lại đều ở trong tay một nhóm cổ đông, cho dù cổ đông kia có bán cổ phiếu đi thì công chúng vẫn được bảo vệ nên trường hợp này chúng tôi vẫn linh động xét duyệt.

 

Ông nói rằng, thông tin là quan trọng nhất, vậy các ông có cách làm gì để truyền tải đến nhà đầu tư?

Sự tham gia của cơ quan quản lý trong lĩnh vực này rất quan trọng vì thông tin họ truyền tải tới nhà đầu tư là bình đẳng, không thiên vị. Chúng tôi còn phải làm công việc nặng nề hơn là làm sao để nhà đầu tư có thể lấy dữ liệu, tính toán và hiểu được các thông tin chuyên ngành một cách dễ dàng. Ủy ban Chứng khoán Úc và Canada   có những thông tin rất đắt và chúng tôi muốn học tập họ, bên cạnh đó chúng tôi cũng có những nguồn tin được chia sẻ từ các tập đoàn.

Ngoài trang web, chúng tôi còn kết hợp chặt chẽ với báo chí, làm việc với các hãng marketing để chuyển thông điệp dễ hiểu đến nhà đầu tư. Cơ quan quản lý chứng khoán Philippines còn phối hợp với các trường đại học kinh tế để đưa nội dung liên quan đến thị trường vốn vào giáo trình, sau khi tốt nghiệp họ cũng có kiến thức khá cập nhật về lĩnh vực này.