Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Bất cập từ cơ chế hòa giải, đối thoại

(ĐTCK) Mặc dù có tính ưu việt vượt trội, song cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án trên thực tế cũng phát sinh một số bất cập mới như ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bên thứ ba hoặc không thể thi hành án. 

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án đang được Quốc hội đưa ra lấy ý kiến. Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, cơ chế này đang phát sinh một số bất cập mới.

Mặc dù hiện nay chưa có con số thống kê chính thức số lượng quyết định hòa giải thành tại tòa án bị hủy, nhưng qua thực tế ghi nhận, đã có một số trường hợp tòa án phải hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự.

Chẳng hạn, năm 2011, Ngân hàng BIDV cho một doanh nghiệp ở Khánh Hòa vay số tiền 15,5 tỷ đồng.

Doanh nghiệp chỉ trả được một phần nợ gốc là 3,5 tỷ đồng. Tính đến ngày 21/7/2016, công ty còn nợ gốc và lãi lên tới 26 tỷ đồng. Hai bên đã đạt được thỏa thuận là công ty sẽ trả nợ gốc và lãi số tiền trên.

Nếu công ty không trả được nợ thì ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự bán tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Ngày 11/9/2016, tòa án đã ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận này.

Tuy nhiên, đến ngày 14/5/2018, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Khánh Hòa kháng nghị giám đốc thẩm quyết định trên với lý do “khi các bên thỏa thuận thì tài sản thế chấp đã không còn, nhưng tòa án không tiến hành thu thập chứng cứ, xác minh làm rõ hiện trạng tài sản thế chấp”.

Theo các hợp đồng tín dụng thì doanh nghiệp đã thế chấp máy móc, thiết bị gồm hệ thống tủ đông, máy phát điện công suất 600 KVA, lô hàng (lô tôm, cá).

Hồ sơ do Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa và ngân hàng cung cấp thì có 3 tài sản đã được xuất bán cho khách hàng nước ngoài. Còn hai tài sản là lô hàng tôm the thịt, tôm sú thịt đông lạnh và cá hố thì quá trình bảo quản đã quá thời hạn nên công ty buộc phải tiêu hủy.

Công ty bán tài sản thế chấp, nhưng không dùng nguồn tiền thu được để trả nợ cho Ngân hàng. Tòa án xác định doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định theo Ðiều 320, Ðiều 321, Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, thỏa thuận là trái luật và không thể thi hành được vì đối tượng thi hành án không còn.

Vừa qua, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Ðà Nẵng quyết định hủy một phần quyết định trên về phần xử lý tài sản thế chấp để xét xử lại.

Vì luật pháp mang tính dự liệu, khó có thể điều chỉnh hết các quan hệ phức tạp rối rắm và phức tạp diễn ra trong đời sống hàng ngày nên sẽ phát sinh câu chuyện thỏa thuận của các bên ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của bên thứ ba hoặc thỏa thuận để ghi nhận trên sổ sách. Ðơn cử như trong vụ việc trên, tòa án đã nhấn mạnh: Khi giải quyết lại, cần làm rõ vì sao tại thời điểm hòa giải, tài sản thế chấp không còn mà các bên vẫn thỏa thuận. Nếu có dấu hiệu hình sự thì tạm đình chỉ vụ án, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý.

Hoặc trong một vụ việc khác, khi cơ quan thi hành án nhà đất thế chấp thì phát hiện còn các hộ gia đình khác sinh sống.

Theo đó, vào năm 2010, ngân hàng cho hộ gia đình bà Ðặng Thị Kiều Trúc L. vay số tiền 350 triệu đồng để bổ sung vốn kinh doanh.

Khách hàng đã thế chấp cho ngân hàng quyền sử dụng đất ở tỉnh Khánh Hòa. Quá trình vay vốn, khách hàng còn nợ tiền gốc và lãi gần 1 tỷ đồng.

Năm 2016, hai bên đã thỏa thuận khách hàng phải thanh toán số tiền trên và có nghĩa vụ trả tiền lãi phát sinh đến khi thanh toán xong nợ. Nếu không trả được nợ thì ngân hàng có quyền phát mại tài sản.

Khi tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án phát hiện trên diện tích hơn 1.000 m2 đất thế chấp còn hộ gia đình ông Lê Công M. đang sinh sống và không biết việc quyền sử dụng đất bị thế chấp.

Năm 2019, Chi cục Thi hành án dân sự đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm vì không đưa người thứ ba tham gia tố tụng và được tòa án chấp thuận.

Quyền lợi của bên thứ ba còn có thể bị xâm phạm nếu một đương sự có liên quan đến nhiều đối tác với nhiều món nợ khác nhau.

Nếu tòa án không xem xét hoặc đương sự cố tình “che giấu thông tin”, có thể dẫn tới tình huống nếu hai bên thỏa thuận giao hết tài sản để trả một món nợ, dẫn đến không còn tài sản để thi hành án đối với các món nợ khác.

Theo khoản 2, Ðiều 6, Bộ luật Dân sự, điều này không đảm bảo nguyên tắc lẽ công bằng.

Một số ý kiến chuyên gia còn cho rằng, để phòng tránh việc các bên có nghĩa vụ tẩu tán tài sản hoặc trốn tránh nghĩa vụ, bên khởi kiện có thể đồng thời nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (biện pháp trong tố tụng) cùng với đơn khởi kiện.

Do tính chất cấp bách của vụ việc mà hòa giải viên, đối thoại viên không có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì tòa án cần phải thụ lý ngay hồ sơ, mà không cần thiết phải trải qua thủ tục hòa giải, đối thoại.

Theo báo cáo của ngành tòa án, từ tháng 11/2018 đến tháng 9/2019, tức là sau 10 tháng triển khai hòa giải, đối thoại tại tòa án, có 36.985 vụ việc hòa giải thành, đạt tỷ lệ 78,08%. Trong đó, tỷ lệ án hôn nhân và gia đình đạt 86% (32.994 vụ việc), án dân sự đạt 47% (3.125 vụ việc), án kinh doanh thương mại đạt 39,43% (459 vụ việc), án hành chính đạt 33,07% (300 vụ), án lao động đạt 52,45% (107 vụ).

Tin bài liên quan