Việt Nam cần gia tăng nhanh hơn nữa số lượng các bất động sản xanh. Ảnh: Dũng Minh

Việt Nam cần gia tăng nhanh hơn nữa số lượng các bất động sản xanh. Ảnh: Dũng Minh

Bất động sản xanh, lộ trình phải đi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Là lĩnh vực phát thải lớn, ngành bất động sản đang đứng trước nhiều đòi hỏi chuyển mình để hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26.

Những người “đặt gạch”

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Sen Vàng Group - công ty chuyên tư vấn quy hoạch dự án cho biết, với bất động sản xanh, đầu tư ban đầu có thể tăng 1% chi phí, nhưng bù lại giá bán có thể tăng từ 5-10%. Tính bền vững của sản phẩm cũng được thể hiện rõ khi dự án không chỉ có mức tiêu thụ nhanh, thanh khoản tốt, mà còn tăng giá theo thời gian.

Dữ liệu từ Sen Vàng Group cho thấy, tại dự án Ecopark, giá bán sơ cấp thấp nhất cho bất động sản xanh là 35,5 triệu đồng/m2, cao nhất là 54,18 triệu đồng/m2. Mức giá này tăng dần ở các loại hình sản phẩm từ 1-3 phòng ngủ. Đặc biệt, với sản phẩm Duplex, giá bán thấp nhất đạt 42,89 triệu đồng/m2, cao nhất đạt 90 triệu đồng/m2.

Thực tế, bất động sản xanh đã trở thành xu hướng phổ biến trên toàn thế giới từ nhiều năm qua. Việt Nam cũng đã ghi nhận những cái tên đi đầu trong việc phát triển các dự án nhóm này, có thể kể đến là Ecopark, Phúc Khang, Gamuda Land, Phú Mỹ Hưng…

Là một trong những nhà đầu tư nước ngoài về bất động sản nhà ở đầu tiên tại Việt Nam, Gamuda Land đã cho thấy sự thành công của mình khi kiên trì theo đuổi triết lý xanh, bền vững, thân thiện môi trường.

Gamuda Land đã cải tạo “rốn” nước ô nhiễm của Hà Nội thành khu vực có môi trường tốt: Cải tạo, nạo vét và làm sạch nước 5 cụm hồ quanh khu vực công viên Yên Sở với nhà máy xử lý nước thải công suất lên tới 200.000 m3/ngày đêm; biến 323 ha công viên Yên Sở thành “lá phổi xanh” lớn nhất Thủ đô…

Cách làm của Gamuda Land là cải tạo môi trường, cảnh quan trước, phát triển dự án bất động sản sau. Cùng với nỗ lực trồng hơn 20.000 cây xanh các loại với loài cây gỗ lớn, cây bụi, cây trồng chậu nhỏ và trải thảm cỏ tại Gamuda City, đơn vị này còn thực hiện quy trình thi công xây dựng tuần hoàn để cắt giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp vào năm 2025 và 45% vào năm 2030.

Đại diện Gamuda Land cho hay, doanh nghiệp đã có “Kế hoạch Xanh Gamuda” (Gamuda Green Plan) - là một lộ trình toàn diện, thể hiện các mục tiêu hữu hình chịu sự chi phối của các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) được thiết lập cho 5-10 năm tới, mục tiêu là vận hành kinh doanh theo định hướng bền vững bằng cách ứng phó với sự biến đổi khí hậu và thiết lập các giới hạn phát thải CO2.

Con đường bắt buộc

Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), chuyển đổi xanh là quá trình chuyển đổi toàn diện sang nền kinh tế xanh, phát thải thấp, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ hiện đại và năng suất lao động cao, nhằm hướng tới mục tiêu thịnh vượng và bền vững.

Ông Thịnh cho biết, ở Việt Nam, theo số liệu báo cáo của chuyên gia Eurocham tại Diễn đàn kinh tế xanh 2023, các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ, phát thải khoảng 38% lượng khí thải carbon.

Về mặt xu hướng, trên phương diện toàn cầu và ở Việt Nam đều cho thấy xu hướng phát triển mạnh mẽ của công trình xanh và trong thời gian tới là công trình tự cân bằng năng lượng, công trình phát thải ròng bằng 0.

Ông Thịnh cho biết, tại Việt Nam, trong 305 công trình xanh, chỉ khoảng 10 công trình do nhà đầu tư trong nước thực hiện, còn lại phần lớn là của nhà đầu tư nước ngoài (văn phòng là chính), nên cần có quy định bắt buộc cho việc xây dựng các dự án nhà ở, nhà máy, xí nghiệp… theo tiêu chuẩn xanh, vì nếu chỉ để tự nguyện thì thời gian thực thi sẽ lâu.

Thực tế cho thấy, để phát triển theo xu hướng xanh, không chỉ đòi hỏi nỗ lực tự thân của mỗi doanh nghiệp, mà quyết tâm chính trị, ý chí từ các địa phương cũng vô cùng quan trọng. Nói đến câu chuyện chuyển dịch này, Quảng Ninh có lẽ là một ví dụ điển hình.

Hơn một thập kỷ trước, Quảng Ninh cơ bản “sống” nhờ than, nhờ khai thác tài nguyên thiên nhiên, ngành công nghiệp luôn chiếm tỷ trọng trên 50% tổng thu ngân sách, trong khi đầu tư cho du lịch rất hạn chế (giai đoạn 2001-2010, tỉnh chỉ đầu tư khoảng 20.000 tỷ đồng, trong khi với Đà Nẵng, con số này là 54.000 tỷ đồng). Giai đoạn đó, dù nằm trên “kho vàng” di sản, danh thắng, nhưng du lịch Quảng Ninh chủ yếu là tham quan vịnh, tắm biển Bãi Cháy và thưởng thức hải sản, nhìn chung khá nghèo nàn.

Tuy nhiên, Quảng Ninh đã chuyển mình mạnh mẽ theo định hướng “từ nâu sang xanh”, chỉ trong vòng 6 năm, từ 2013-2018, địa phương này thu hút 100 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 110.000 tỷ đồng, với hàng loạt dự án du lịch, nghỉ dưỡng quy mô lớn theo hướng bền vững, thân thiện hơn với môi trường, cùng với đó là nhiều dự án hạ tầng giao thông “không - thủy - bộ” được hoàn thiện.

Quảng Ninh đã hái trái ngọt với đà tăng trưởng du lịch ngoạn mục: Năm 2017 đón 9,87 triệu lượt du khách, doanh thu du lịch đạt trên 17.800 tỷ đồng, đến năm 2018, tổng lượng khách đạt trên 12 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt trên 23.000 tỷ đồng. Đỉnh cao là năm 2019, Quảng Ninh đón 14 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế đạt 5,7 triệu lượt; doanh thu du lịch đạt gần 30.000 tỷ đồng. Năm 2020, mặc dù ngành du lịch - dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng Quảng Ninh vẫn đón 8,8 triệu lượt du khách - con số được đánh giá là mức kỷ lục trong thời điểm đại dịch.

Cùng với đà tăng tốc du lịch là sự bứt tốc mạnh mẽ của tăng trưởng kinh tế. Từ tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 8,8% năm 2014 đã tăng lên 2 con số qua các năm từ 2015 (11%) đến 2019 (12,1%). Nếu năm 2013 GDP bình quân đầu người đạt 2.958 USD/người, thì năm 2018 tăng gần gấp đôi lên 5.110 USD/người.

Theo bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Tổng giám đốc Sun Hospitality Group (thành viên Sun Group), bối cảnh hiện tại đang đặt các doanh nghiệp bất động sản - du lịch trước đòi hỏi tiên quyết là chuyển hướng sang phát triển xanh.

“Đây không còn là lựa chọn, mà là hướng đi bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện nếu muốn tồn tại và tăng trưởng”, bà Quỳnh Anh nhấn mạnh và cho biết thêm rằng, sau dịch, 70% khách du lịch quốc tế có xu hướng lựa chọn lưu trú tại cơ sở có chứng chỉ xanh, nên để thu hút được khách và nâng tầm du lịch, việc đạt các tiêu chí xanh là bắt buộc.

Còn ông Trần Thành Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Edeec cho biết, chi phí đầu tư công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng luôn là câu hỏi đầu tiên của các nhà đầu tư khi có ý định thực hiện các sản phẩm bất động sản bền vững, thân thiện môi trường.

“Theo logic thông thường, lâu nay, chi phí đầu tư cho các dạng công trình này sẽ phải tăng lên và phần tăng này được bù đắp trong quá trình vận hành, đây là cách hiểu có phần rập khuôn từ các nước phát triển. Tuy nhiên, cách hiểu này có đúng với thực tế thị trường Việt Nam hiện tại, hay có con đường đổi mới, sáng tạo nào có thể giúp các công trình vừa đảm bảo tính bền vững, vừa giảm chi phí đầu tư, chi phí vận hành?”, ông Vũ nói và cho biết, câu trả lời sẽ được làm rõ qua các dự án thực tế, được tính toán, so sánh giữa thiết kế thông thường và thiết kế tối ưu hóa về chi phí đầu tư, chi phí vận hành trong điều kiện chi phí, vật liệu, thiết bị… tại Việt Nam.

Tại COP28 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những bài phát biểu rất quan trọng tại các diễn đàn khác nhau, với những thông điệp quan trọng gửi đến cộng đồng quốc tế, đó là phải biến cam kết từ các hội nghị trước thành những hành động cụ thể, nhanh chóng, quyết liệt, đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện là chìa khóa để củng cố lòng tin giữa các quốc gia và khai thông bế tắc trong đàm phán về biến đổi khí hậu.

Ông Đào Xuân Lai, Trưởng ban Biến đổi khí hậu, môi trường và năng lượng của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cho hay, năm nay, Việt Nam có một phòng họp riêng tại COP28 và ở đó, chúng ta đã tổ chức hơn 10 sự kiện bên lề để chia sẻ các kinh nghiệm, các bài học của Việt Nam trong thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như các giải pháp để giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho nỗ lực toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam cũng mong muốn học hỏi từ các nước, các chuyên gia về các giải pháp cho ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng.

“Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu nỗ lực của Việt Nam và các đối tác quốc tế. Chỉ sau 1 năm (12/2022-12/2023), Việt Nam đã đưa ra lộ trình cụ thể. Đây là điểm sáng và so với các nước, Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ và nhanh hơn, đó là điển hình cho các nước noi theo”, ông Lai nhấn mạnh.

Tin bài liên quan