Thị trường vàng “điên loạn” khiến chứng khoán càng trở nên mong manh

Thị trường vàng “điên loạn” khiến chứng khoán càng trở nên mong manh

Bất ổn từ giá vàng tăng vọt

Giá vàng trong nước sau khi vượt mức 40 triệu đồng/lượng hồi cuối tháng 7/2011 đã liên tục tăng cao lên trên 46,2 triệu đồng/lượng trong ngày hôm qua (9/8). Điều đặc biệt là trong lần tăng này, giá vàng trong nước đã tăng cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới, với mức chênh lệch hơn 1 triệu đồng/lượng.

Trong ba tháng qua, nguồn cung vàng trong nước giảm mạnh khi Việt Nam liên tiếp xuất khẩu vàng với số lượng lớn. Theo Tổng cục Thống kê, giá trị xuất khẩu đá quý và kim loại quý trong tháng 5, tháng 6 và tháng 7/2011 lần lượt là 242 triệu USD, 806 triệu USD, 800 triệu USD. Tổng giá trị đá quý và kim loại quý xuất khẩu từ đầu năm đến tháng 7/2011 đạt 2 tỷ USD.

Giá vàng trong nước tăng cao hơn giá vàng thế giới như vậy sẽ khuyến khích nhập khẩu vàng lậu. Điều này làm cho tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do gia tăng, do giới đầu cơ thu gom USD để nhập lậu vàng. Tuy nhiên, về bản chất thực sự, tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng mạnh gần 400 điểm trong những ngày qua là do nhiều người tìm mua những tài sản an toàn hơn như vàng và USD.

Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng tạo ra đà tăng kép của giá vàng. Với cách thức định giá vàng trong nước bằng "hệ số quy đổi 1,20556 nhân (x) với giá vàng thế giới và nhân (x) với tỷ giá USD/VND", có thể thấy, giá vàng tăng lần này kéo theo tỷ giá USD/VND tăng, tỷ giá tăng lại hỗ trợ tiếp cho đà tăng của giá vàng, giúp giảm bớt mức chênh lệch của giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quy đổi. Giá vàng và tỷ giá tăng đồng nghĩa với việc VND đang mất giá.

Bất ổn đó đã ảnh hưởng lớn tới TTCK. Cả HNX-Index và VN-Index đều sụt giảm mạnh. Thêm vào đó, thông tin về khối NĐT nước ngoài bán ròng càng khiến cho niềm tin vào sự phục hồi của thị trường trở nên mong manh. Trường hợp các NĐT nước ngoài rút tiền khỏi TTCK nếu xảy ra có thể làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ trên thị trường ngoại hối.

Những ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường thế giới đang khiến cho thị trường tài chính trong nước tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần nhanh chóng có các động thái tích cực để dưa ra những chính sách hỗ trợ thị trường trong thời điểm hiện tại. Các chính sách này nên được thực hiện một cách tổng thể tác động tới toàn bộ nền kinh tế để có thể giúp cơ cấu lại nền kinh tế hiệu quả, tăng năng suất lao động, từ đó tạo dựng được đà tăng trưởng bền vững. Có như vậy, các thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối, thị trường hàng hóa, thị trường bất động sản, TTCK và các thị trường khác mới có thể ổn định trở lại được.