Ông Nguyễn Tất Thắng

Ông Nguyễn Tất Thắng

Bianfishco “lội ngược dòng”

(ĐTCK) Ngay từ sáng sớm, từng chiếc xe container đã trực sẵn tại cổng nhà máy để chuyển hàng ra cảng. Trong các phân xưởng, công nhân tấp nập trở lại làm việc.

4 tháng kể từ khi thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, CTCP Thủy sản Bình An (Bianfishco) đang hồi sinh. “Mắt thấy, tai nghe” hoạt động của nhà máy, ĐTCK đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Tất Thắng, tân Tổng giám đốc Bianfishco.

Nhìn vào hoạt động của Bianfishco hiện nay, khó có thể nghĩ rằng, 4 tháng trước đây, Công ty đứng bên bờ phá sản. Vậy doanh nghiệp đang có những chuyển biến ra sao, thưa ông?

Từ chỗ đứng bên bờ vực phá sản, chịu sức ép rất lớn về nợ nần từ các tổ chức tín dụng, người nông dân nuôi cá, đến nay Công ty đã hồi phục sản xuất, ký hợp đồng xuất khẩu đến năm 2013 với 300 container cá tra vào các thị trường châu Âu, châu Mỹ, các nước Hồi giáo. Tháng 11, Công ty xuất khẩu 15 container, tháng 12 dự kiến xuất khẩu khoảng 50 container. Riêng trong tuần này, chúng tôi xuất khẩu được 12 container. Lũy kế đến ngày 12/12/2012, Bianfishco đã xuất khẩu gần 100 container hàng cá tra phi lê.

Hoạt động của Công ty dần đi vào ổn định với 3 nhà máy (nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, nhà máy giá trị gia tăng chuyên gia công cá sama cho thị trường Nhật Bản và nhà máy đồ hộp Collagen), giải quyết việc làm cho 1.200 lao động trực tiếp tại nhà máy và hàng ngàn người lao động gián tiếp là nông dân nuôi cá, chế biến thức ăn chăn nuôi. Công ty cũng đã thanh toán hơn 2 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm xã hội trước đây và tiến hành đăng ký đóng bảo hiểm xã hội đối với cán bộ - nhân viên đang trực tiếp làm việc.

 

Những “dư âm buồn” trước đây có ảnh hưởng như thế nào đến việc tái lập các thị trường xuất khẩu truyền thống của Công ty?

Chúng tôi chủ trương gác lại quá khứ và tập trung cho tương lai. Mới đây, Ban lãnh đạo Bianfishco do Chủ tịch HĐQT đứng đầu đã có chuyến công tác dài ngày bên Mỹ và tái lập hoạt động của Công ty tại thị trường này, tìm kiếm các đối tác đảm bảo cho kế hoạch năm 2013. Hai tháng qua, chúng tôi ký được 40 hợp đồng xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến sang các thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ, các nước Hồi giáo và Nhật Bản. Các khách hàng truyền thống lớn trên thế giới đã quay lại hợp tác với Bianfishco như: Maak Enterprises, Obaba Seafood, Western United…, các khách hàng tiềm năng từ châu Âu và Trung Đông cũng đã bắt đầu ký kết hợp đồng mua sản phẩm của Công ty.

Bianfishco đặt mục tiêu tăng công suất lên gấp 2,5 lần hiện tại và đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 90 triệu USD trong năm 2013. Sản lượng sản xuất của Công ty dự kiến khoảng 250 tấn nguyên liệu/ngày, số lượng thành phẩm khoảng 5 container/ngày, số lượng xuất khẩu khoảng 1.500 container/năm.

 

Bianfishco “lội ngược dòng” ảnh 1

4 tháng kể từ khi thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, Bianfishco đang dần hồi sinh

Bianfishco dần lấy lại niềm tin của khách hàng nước ngoài, còn niềm tin của nông dân - những người trước đây từng bán cá cho Công ty thì sao, thưa ông?

Đến ngày 5/12, Bianfishco đã chi trả đợt cuối cùng 59 tỷ đồng tiền nợ cá cho nông dân, nâng tổng số tiền chi trả lên 261 tỷ đồng. Đây là đợt trả nợ dứt điểm công nợ cho người nông dân nuôi cá, đảm bảo đúng lộ trình cam kết cách đây hơn 3 tháng của Công ty. Người nông dân đã yên tâm tiếp tục nuôi và bán cá trở lại cho Bianfishco, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho Công ty.

 

Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có đơn đề nghị Chính phủ hỗ trợ ngành cá tra Việt Nam, vì doanh nghiệp càng xuất khẩu càng lỗ, người nuôi cá càng mở rộng ao càng thua thiệt. Bianfishco có rơi vào tình trạng này không?

Chúng tôi đã qua giai đoạn hòa và lỗ, hiện sản xuất, xuất khẩu hàng bắt đầu có lãi, với tỷ suất lợi nhuận khoảng 10%. Công ty đã bổ sung, nâng cấp máy móc, thiết bị, hoàn thiện quy trình công nghệ theo tiêu chuẩn quốc tế, đào tạo tay nghề cho công nhân lành nghề. Nhiều quy chế, quy trình mới được ban hành nhằm kiểm soát chặt chẽ từng công đoạn, tiết giảm chi phí tối đa, hạ giá thành.

Trong giai đoạn mới, Bianfishco đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn về chất lượng sản phẩm, tiến độ giao hàng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, chúng tôi đặt kế hoạch phát triển thị trường trong nước, nhằm tăng doanh thu cho Công ty.

 

Trên thế giới, chỉ Việt Nam có con cá tra, nhưng lâu nay các doanh nghiệp Việt mạnh ai người nấy bán, dẫn đến tình trạng phá giá và làm rớt giá thảm hại sản phẩm. Sẽ không dễ để Bianfishco xuất khẩu với giá cao và có lãi?

Chúng tôi sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm hình thành chuỗi sản xuất - kinh doanh khép kín: từ chế biến thức ăn nuôi cá đến mở rộng vùng nuôi và chế biến xuất khẩu. Công ty tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty vệ tinh: nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, công ty nuôi trồng thủy hải sản, tái cấu trúc Công ty sản xuất nước uống Collagen, Viện nghiên cứu Thủy sản…

Bianfishco cũng chú trọng mở rộng vùng nuôi trồng thủy hải sản nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định cho sản xuất - chế biến, mặt khác đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường châu Âu, châu Mỹ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là cơ sở để Công ty bán được hàng với giá cao hơn.

 

Phải có năng lực tài chính rất lớn, Công ty mới có thể tự phát triển vùng nuôi. Việc này quá sức với Bianfishco, ông nghĩ sao?

Bên cạnh chủ động phát triển nguồn nguyên liệu, chúng tôi sẽ tìm chọn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân có năng lực, đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng của thị trường Mỹ, EU để ký hợp đồng liên kết gia công, cung cấp nguồn cá nguyên liệu. Công ty sẽ mở rộng vùng nguyên liệu tại Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long...

 

Ngân hàng SHB tham gia tái cấu trúc toàn diện Bianfishco, vậy Công ty có được hưởng những ưu đãi đặc biệt từ Ngân hàng hay không?

Không chỉ SHB, nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính khác đều hỗ trợ cho Bianfishco hoạt động trở lại. Riêng SHB chịu trách nhiệm tham gia tái cấu trúc chính, Ngân hàng có hỗ trợ Công ty về nguồn vốn, song chúng tôi cũng là khách hàng bình thường, chịu các quy định chặt chẽ về thẩm duyệt cho vay như các khách hàng khác. Đó cũng là yêu cầu bắt buộc để Bianfishco tổ chức quản lý hoạt động chặt chẽ, từ đó có phương án kinh doanh tốt, phương án trả nợ khả thi.

 

Thất bại của Bianfishco trước đây còn có nguyên nhân từ quản trị doanh nghiệp yếu kém. Đảm nhận vị trí CEO, ông khắc phục điểm yếu này ra sao?

Chúng tôi đã thay đổi toàn diện về cơ cấu bộ máy nhân sự, hệ thống hóa các công việc thành quy trình, áp dụng các thông lệ quản trị hiện đại để có thể giám sát chặt chẽ, tiết giảm tối đa chi phí. Trước đây, gần như công nhân làm việc không phải quan tâm đến năng suất lao động, Công ty thì đầu tư dàn trải, vì thế bộ phận quản lý không đánh giá được hiệu quả từng công đoạn, không biết doanh nghiệp đang ở đâu. Lãi giả, lỗ thật cũng từ đó mà ra.

Tuy nhiên, thay đổi gì đi chăng nữa, thì Ban điều hành mới cũng cho rằng, con người là yếu tố cốt lõi và quan trọng nhất. Có cơ sở vật chất tốt, có quy trình tốt, mà không có nhân sự tốt và được đào tạo, thì cũng khó thành công. Chúng tôi chủ trương sử dụng đan xen cả người cũ và người mới. Có những người trước đây làm việc tại Bianfishco, có năng lực, nhưng không phát huy được năng lực của họ. Nhiều công nhân cũ là những người có kinh nghiệm, có tay nghề rất cao.

 

Điều hành một doanh nghiệp có thể gọi là “sắp chết”, trong một ngành đang rất khó khăn, bản thân ông có thấy áp lực không?

Cá nhân tôi đã quản lý các nhà máy sản xuất có quy mô phức tạp hơn rất nhiều, nhưng quả thực về làm việc tại Bianfishco cũng có những lúc cảm thấy rất áp lực. Xây dựng quy trình hoạt động mới đã khó, hướng dẫn và tạo động lực để mọi người làm theo còn khó hơn. Đó là chưa kể bộ máy nhân sự hỗ trợ cho tôi đang rất thiếu kinh nghiệm. Tuy nhiên, tôi tin rằng, mọi việc đang tốt dần lên và khoảng 4 - 5 năm sau, Công ty sẽ hoạt động rất ổn định.