Big-trends: Cơ hội đầu tư trên thị trường vẫn còn nhiều

Big-trends: Cơ hội đầu tư trên thị trường vẫn còn nhiều

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Phiên giao dịch cuối tuần thật sự đặc biệt khi chỉ số VN-Index đã quay lại mốc điểm cao nhất mà TTCK Việt Nam đạt vào năm 2019, tương đương với mốc 1021 – 1022 (giai đoạn đầu tháng 11/2019).

Cách đây hơn 1 năm khi đó TTCK Việt Nam với thanh khoản trung bình trên 2 sàn giao dịch khoảng 4.500 tỷ đồng thì năm nay, khối lượng giao dịch trung bình đã vượt hơn gấp đôi so với giai đoạn 2019.

Điều gì đã làm nên kỷ lục này, điều gì đã khiến kênh đầu tư chứng khoán đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn khi số lượng nhà đầu tư tăng nhanh đến như vậy? và các cơ hội đầu tư đã trở nên nhiều hơn với số lượng cổ phiếu vượt đỉnh mới liên tục gia tăng.

Câu chuyện về Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 đã tốn rất nhiều giấy mực trong thời gian vừa qua trên tất cả các phương tiện truyền thông.

Việt Nam không chỉ ghi điểm trước cộng đồng quốc tế ở cách kiểm soát dịch bệnh cũng như sự đoàn kết đồng lòng từ chính phủ, các bộ ngành đến các đơn vị, người dân địa phương. Không chỉ có như vậy, số liệu kinh tế vĩ mô của Việt Nam cũng tương đối khả quan trong tình hình dịch bệnh đang lan rộng trên toàn thế giới.

Các tổ chức tín dụng quốc tế cũng đồng thuận đưa ra các dự báo lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế tốt trong năm 2021. Chính sách tiền tệ nới lỏng dự báo được duy trì đến giữa năm 2021 ít nhất sẽ là động lực rất lớn khiến nền kinh tế hồi phục mạnh. TTCK phần nào cũng sẽ được hưởng lợi rất lớn khi đang nổi lên là kênh đầu tư rất hấp dẫn.

Chỉ số VN-Index không chỉ được coi là 1 chỉ số trung bình chứng khoán đơn thuần mà nó còn mang ý nghĩa phản ánh sức khỏe nền kinh tế, sức khỏe của các doanh nghiệp niêm yết.

Số liệu kinh tế Vĩ mô Việt Nam đang cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu đang là điểm sáng chưa kể hoạt động xuất siêu kỷ lục tăng mạnh vào thị trường Mỹ. Mặc khác, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng vượt ngưỡng 100 tỷ trong bối cảnh Việt Nam đang phần nào gặp khó với những ngành nghề chịu tác động trực tiếp bởi đại dịch Covid-19 như du lịch, dịch vụ, hàng không…

Tuy nhiên, những mảng dịch vụ, du lịch không phải là lĩnh vực đóng góp nhiều vào tăng trưởng GDP của Việt Nam. Tăng trưởng GDP Việt Nam 2020 được dự báo vẫn có thể đạt mức 2,6 - 2,8% cũng được coi là khả quan trong bối cảnh GDP có thể tăng trưởng âm 4,4% (2020) (theo báo cáo của IMP, HSBC mới đây).

Dù diễn biến vĩ mô đang khởi sắc và còn nhiều mảng tối như thế nào đi nữa thì cũng không thể phủ nhận TTCK Việt Nam đang tăng trưởng mạnh chưa từng thấy với thanh khoản giao dịch tăng mạnh nhất trong lịch sử.

Nhiều nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, xây dựng… được các nhà đầu tư quan tâm, dòng tiền tham gia tăng vọt ở các cổ phiếu “hot” như TCB, VPB, HBC, DIG, CVT, HSG, HPG, GAS, PVS…, và khi giá trị giao dịch toàn thị trường gia tăng thì chỉ số VN-Index cũng sẽ duy trì xu hướng tăng tốc.

Câu hỏi đặt ra đó là VN-Index sẽ lên ngưỡng nào trong năm nay, mốc 1020 - 1025 điểm có phải ngưỡng điểm cuối của năm 2020.

Các nhà đầu tư dù sao cũng nên lạc quan và đừng quên lựa chọn chiến lược đầu tư thận trọng. Xu hướng thị trường tích cực chí ít đang được duy trì trong ngắn hạn thì việc quản trị danh mục quan trọng hơn bao giờ hết.

Mua tập trung cổ phiếu nào với tỷ trọng ra sao là điều quan trọng. Dự báo thị trường có thể sai nhưng hành động lại phải đúng trong hoàn cảnh thị trường càng lên cao thì rủi ro điều chỉnh, biến động mạnh càng diễn ra.

Dù thế nào đi nữa thì cơ hội đầu tư trên thị trường vẫn còn nhiều – hãy chú ý đến những cổ phiếu chưa tăng nhiều hoặc đang có dấu hiệu tích lũy. Hãy suy nghĩ kỹ câu nói” Nếu đúng thì bạn được bao tiền và nếu sai bạn mất bao tiền” để làm kim chỉ nam khi tham gia vào thị trường.

Tin bài liên quan