Ứng viên đại biểu Quốc hội sẽ được đảm bảo bình đẳng trong vận động bầu cử

Ứng viên đại biểu Quốc hội sẽ được đảm bảo bình đẳng trong vận động bầu cử

Bình đẳng trong vận động bầu cử đại biểu Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
Còn 1 tháng nữa là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV diễn ra. Công việc quan trọng với các ứng cử viên trong giai đoạn này là tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử.

Cuộc “sát hạch” trực tiếp

Có những chi tiết tưởng như rất nhỏ, nhưng nếu không được chú ý đúng mức thì sẽ không đảm bảo được một trong những nguyên tắc rất quan trọng trong vận động bầu cử là sự bình đẳng giữa các ứng cử viên.

Theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND, số người trong danh sách ứng cử ĐBQH ở mỗi đơn vị bầu cử phải nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử đó ít nhất là 2 người. Vì vậy, bất cứ ứng cử viên nào cũng cần tạo dựng được sự tin cậy để cử tri bỏ phiếu cho mình. Khi tiếp xúc với ứng cử viên, cử tri có thể hỏi ứng viên bất cứ điều gì mà họ quan tâm, về chương trình hành động và cả việc kê khai tài sản.

Đây có thể coi là cuộc “sát hạch” trực tiếp, trực diện với những người ứng cử làm đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Thông qua các cuộc tiếp xúc, ứng cử viên có điều kiện “ghi điểm” với cử tri qua việc chứng tỏ năng lực, phẩm chất, những đóng góp của mình và đặc biệt là khả năng làm người đại diện cho nhân dân nếu được cử tri tín nhiệm. Nhưng, cũng có thể dễ dàng “mất điểm” nếu chương trình hành động không đủ thuyết phục, hay trả lời những vấn đề cử tri nêu ra một cách ngắc ngứ, ấp úng.

Ghi điểm hay mất điểm, đôi khi không phụ thuộc vào bằng cấp, trình độ, mà còn phụ thuộc vào kỹ năng. Với yêu cầu về tính đại diện của Quốc hội thì không phải ứng viên nào cũng từng làm quen với việc đối thoại ở nơi đông người.

Cuộc sát hạch này không hề dễ dàng, nhất là với những người lần đầu tiên ứng cử, nên sau hiệp thương lần ba, các cơ quan của Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều tổ chức tập huấn cho các ứng viên về kỹ năng vận động bầu cử.

Theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND, người ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó.

Chẳng hạn, một vị trong danh sách 205 ứng viên ĐBQH ở Trung ương được phân về khu vực bầu cử gồm 2 huyện Kim Bảng, Lý Nhân và thị xã Duy Tiên của tỉnh Hà Nam, thì sẽ phải về cả 3 nơi này, thực hiện quyền vận động bầu cử chung với các ứng viên khác cùng danh sách.

Đảm bảo bình đẳng cho ứng viên

Hai hình thức vận động bầu cử được luật quy định là gặp gỡ, tiếp xúc cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi ứng cử và thông qua phương tiện thông tin đại chúng.

Thực tế cho thấy, với hình thức gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi ứng cử thì nguy cơ bất bình đẳng có thể xảy ra.

Hiện nay, luật chưa quy định cụ thể về số cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử của những người ứng cử. Vì thế, ở các cuộc bầu cử trước đã có sự chênh lệch đáng kể giữa các tỉnh, thành phố khi mà có nơi mỗi đơn vị bầu cử chỉ tổ chức khoảng 4 - 5 cuộc tiếp xúc cử tri, cá biệt có nơi chỉ tổ chức 2 - 3 cuộc, còn ở một số tỉnh, thành khác lại tổ chức đến 10, có nơi là 15 cuộc. Điều này đương nhiên là không công bằng giữa các ứng viên. Theo các chuyên gia, rất cần có sự hướng dẫn tương đối để phù hợp với đặc thù về phạm vi địa lý và số lượng cử tri của đơn vị.

Thời điểm hiện tại, một số ứng viên ở các tỉnh, thành phố khác nhau cho biết, họ đã được thông báo sẽ tham dự 10 cuộc tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Con số này được cho là tương đối phù hợp.

Song, một số người tái ứng cử cũng cho rằng, có những vấn đề tuy nhỏ, nhưng lại tác động đến cử tri không nhỏ. Đó là, theo trình tự của chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri, từng người ứng cử sẽ báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm ĐBQH. Thứ tự người báo cáo xếp theo ABC, cử tri nghe đến người cuối cùng thường là đã kém tập trung, vì thế, người báo cáo đầu tiên bao giờ cũng lợi thế hơn. Để đảm bảo công bằng, một số nơi đã đảo thứ tự báo cáo trong các cuộc tiếp xúc tiếp theo. Nhưng một số nơi vẫn cứng nhắc, gây tâm lý mệt mỏi cho các ứng viên cuối bảng.

Quy định của luật thì công bằng, nhưng việc thực hiện vẫn là khâu yếu, bên cạnh đó, cũng cần đa dạng hóa hình thức tiếp xúc cử tri để tránh hình thức, vì thực sự số người đến dự các cuộc tiếp xúc thường chỉ khoảng vài ngàn người, quá ít là so với số cử tri sẽ đi bầu (thường là vài trăm ngàn) - một ứng cử viên đã qua 3 lần vận động bầu cử bày tỏ.

Theo GS-TS. Đỗ Quang Hưng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bầu cử ĐBQH trên ý nghĩa rộng lớn nhất là sự đối diện của cử tri với người ứng cử. Vì vậy, phải tạo điều kiện thực sự để cử tri có thể trao đổi, đối thoại một cách thực chất với ứng cử viên, để họ có thể vững tâm lựa chọn người đại diện cho mình.

Tin bài liên quan