Một dự án điện gió tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Đinh. Ảnh minh họa.

Một dự án điện gió tại Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Đinh. Ảnh minh họa.

Bình Định tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư về năng lượng

0:00 / 0:00
0:00
Hiện nay, Bình Định ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi, điện rác và thủy điện tận dụng các hồ thủy lợi.

UBND tỉnh Bình Định cho biết, trong giai đoạn tới, địa phương sẽ ưu tiên phát triển điện gió ngoài khơi (Dự án của Tập đoàn PNE), điện rác và một số dự án thủy điện tận dụng các hồ thủy lợi hiện có trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, Bình Định chỉ có Dự án Thủy điện Nước Lương (công suất 22MW) do Công ty cổ phần thủy điện Nước Lương làm chủ đầu tư là đang triển khai thi công xây dựng các hạng mục cụm đầu mối, nhà máy, đường hầm, đường dây 110kV đấu nối.

Dự án này dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành phát điện cuối năm 2023.

Ngoài ra, tỉnh Bình Định hiện có 3 dự án thủy điện đã được phê duyệt trong Quy hoạch thủy điện toàn quốc (trước khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt), với tổng công suất là 50,9 MW.

3 dự án này đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục đầu tư để triển khai thi công.

Cụ thể, Dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 4 (công suất 18 MW) do Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn 4 làm chủ đầu tư. Hiện nay, chủ đầu tư đang tiếp tục hoàn tất các thủ tục liên quan đến đất đai để triển khai thi công xây dựng; dự kiến sẽ đi vào hoạt động phát điện quý II/2025.

Dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 3 (công suất 30 MW) do Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, đã thi công hạng mục đường công vụ. Tuy nhiên, hiện dự án đang tạm ngừng thi công.

Dự án Thủy điện hạ lưu Đập dâng Phú Phong (công suất 2,9 MW, tận dụng nước xả của Đập dâng Phú Phong) do Công ty TNHH Thủy điện Phú Phong làm chủ đầu tư đang hoàn tất các thủ tục liên quan để triển khai đầu tư xây dựng; dự kiến đưa vào hoạt động phát điện quý II/2025.

UBND tỉnh Bình Định đánh giá, các dự án thủy điện nêu trên có khả thi để tiếp tục triển khai xây dựng góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cung cấp một nguồn năng lượng sạch lên lưới điện Quốc gia; đồng thời tăng công suất đảm bảo, tăng hiệu quả đầu tư cho các dự án thủy điện bậc thang bên dưới trên dòng sông Kôn và góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp cho địa phương.

Bên cạnh đó, Bình Định hiện cũng có 4 dự án thủy điện được đã được phê duyệt nhưng đến nay chưa triển khai thi công xây dựng gồm Dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 2 (công suất 80 MW); Dự án Thủy điện Đăk Ple (công suất 4,4 MW); Dự án Thủy điện Nước Trinh 1 (công suất 3,5 MW) và Dự án Thủy điện Nước Trinh 2 (công suất 8 MW).

“Các dự án này ảnh hưởng lớn đến đất rừng hoặc kém hiệu quả nên đề xuất chưa xem xét triển khai trong giai đoạn Quy hoạch điện VIII”, UBND tỉnh Bình Định cho hay.

Đáng chú ý, trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư có tiềm năng về tài chính và kinh nghiệm đã đăng ký nghiên cứu, khảo sát để triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Trong đó, 12 dự án thủy điện đăng ký triển khai với tổng công suất là 63,71 MW; 23 dự án điện gió đăng ký triển khai với tổng công suất 12.231,5 MW (gồm 11 dự án đã lập hồ sơ và đề nghị Bộ Công Thương xem xét bổ sung quy hoạch; 2 dự án triển khai công tác đo gió); 1 dự án điện rác đăng ký triển khai với công suất 30 MW; 1 dự án điện địa nhiệt đăng ký triển khai với công suất 15 MW…

Một số nhà đầu tư như Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty TNHH Marubeni Asian Power Việt Nam đề xuất phát triển dự án điện gió ngoài khơi; Công ty cổ phần Điện địa nhiệt LIOA đề xuất khảo sát nghiên cứu Dự án Điện địa nhiệt Hội Vân (huyện Phù Cát); Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP đề xuất đầu tư Dự án Liên hợp điện rác Bình Định; Công ty cổ phần Đầu tư Năng lượng Phát Đạt đề xuất thực hiện các dự án năng lượng tái tạo.

Công ty TNHH Nam Hải đề xuất khảo sát, lắp đặt cột đo gió và nghiên cứu lập Dự án Nhà máy điện gió Vân Canh 1 và Vân Canh 2; Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 đề xuất nghiên cứu, khảo sát đánh giá tiềm năng điện gió ngoài khơi xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn…

Tin bài liên quan