Phối cảnh dự án Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh, một trong những dự án của Bình Dương ACC

Phối cảnh dự án Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh, một trong những dự án của Bình Dương ACC

Bình Dương ACC (ACC) gặp khó dòng tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bình Dương ACC (Bình Dương ACC, mã ACC) đang bộc lộ rõ khó khăn về dòng tiền.

Trì hoãn thanh toán cổ tức năm 2022

Hội đồng quản trị Bình Dương ACC vừa thông qua Nghị quyết về việc hoãn trả cổ tức năm 2022, tỷ lệ 8% vốn điều lệ, tương ứng tổng số tiền khoảng 84 tỷ đồng. Nguyên nhân là do các công trình thi công đang triển khai, chưa hoàn thành nghiệm thu như dự kiến, dẫn đến việc thu hồi công nợ bị chậm trễ và Công ty ưu tiên dòng tiền phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh trong mùa cao điểm của ngành xây lắp (quý IV/2023 và quý I/2024).

Báo cáo tài chính quý III/2023 của Bình Dương ACC cho thấy, tại thời điểm 30/9/2023, Công ty chỉ có 14,8 tỷ đồng tiền mặt, giảm 86,6% so với đầu năm. Lượng tiền mặt này thấp hơn so với tổng số tiền phải thanh toán cổ tức năm 2022.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp phải thanh toán cổ tức cho cổ đông trong vòng 6 tháng kể từ ngày tổ chức đại hội cổ đông thường niên. Với việc tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 28/4/2023, Bình Dương ACC đã chậm trả cổ tức hơn 1 tháng so với quy định. Đồng thời quỹ tiền mặt hạn chế, Công ty cũng bỏ ngỏ thời điểm thanh toán khoản cổ tức này.

Bên cạnh việc nợ cổ tức, động thái đáng chú ý gần đây của Bình Dương ACC là Công ty đã thay đổi mục đích của đợt huy động vốn từ cổ đông hiện hữu.

Cụ thể, tháng 2/2022, doanh nghiệp này chào bán cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 300 tỷ đồng, lên 1.050 tỷ đồng, huy động 750 tỷ đồng. Mục đích sử dụng vốn ban đầu của đợt huy động này là dùng 300 tỷ đồng để trả nợ vay ngân hàng, 450 tỷ đồng còn lại thực hiện thanh toán cho đối tác theo Hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà ở với Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP để thực hiện dự án nhà ở tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương.

Tuy nhiên, đến ngày 13/9/2023, Công ty đã tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thông qua một số nội dung, trong đó có việc thay đổi mục đích sử dụng nguồn vốn này. Theo đó, toàn bộ 750 tỷ đồng dành để trả nợ vay ngân hàng; trong đó, trả 300 tỷ đồng cho VietinBank Chi nhánh Đồng Nai, thời gian từ quý IV/2022 đến quý III/2024; trả 250 tỷ đồng cho BIDV Chi nhánh Tây Hồ, thời gian trả từ quý IV/2022 đến quý III/2023; 110 tỷ đồng trả cho Ngân hàng First Commercial Bank Việt Nam – Chi nhánh TP.HCM, thời gian trả từ quý IV/2023 đến quý IV/2024; gần 90 tỷ đồng còn lại trả cho Eximbank Chi nhánh Bình Dương, thời gian trả từ quý IV/2022 đến quý III/2023.

Theo tìm hiểu, tại thời điểm 30/9/2023, Công ty tiếp tục tăng thêm 18,9% tổng nợ vay so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 120,19 tỷ đồng, lên 755,73 tỷ đồng. Trong đó, nợ vay ngắn hạn là 555,95 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 199,78 tỷ đồng.

Bình Dương ACC tiếp tục cho thấy mô hình thâm hụt vốn kéo dài khi dòng tiền kinh doanh liên tục thâm hụt. Trong đó, năm 2020, Công ty ghi nhận âm 271,57 tỷ đồng, năm 2021 ghi nhận âm 457,49 tỷ đồng, năm 2022 ghi nhận âm 438,76 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2023 tiếp tục âm thêm gần 406 tỷ đồng.

Có thể thấy, Bình Dương ACC đang gặp khó về dòng tiền và vẫn chưa biết thời điểm cụ thể, cũng như động thái có thể bổ sung nguồn vốn mới nhằm giải quyết khó khăn ngắn hạn.

Hệ quả của chính sách quản trị dòng tiền thiếu thận trọng

Thực tế, việc gặp khó khăn về dòng tiền ở thời điểm hiện tại là hệ quả của chính sách quản lý dòng tiền thiếu thận trọng của doanh nghiệp này. Sở hữu quỹ tiền mặt hạn chế nhưng Bình Dương ACC duy trì chính sách cổ tức tiền mặt hấp dẫn trong nhiều năm liên tiếp, đồng thời không có kế hoạch dự phòng trường hợp khó khăn.

Thống kê theo dữ liệu lịch sử cho thấy, giai đoạn 2014 - 2015, Bình Dương ACC duy trì cổ tức 25%; giai đoạn 2016 - 2018 duy trì cổ tức tỷ lệ 18%; giai đoạn 2019 - 2020 duy trì cổ tức 5%, năm 2021 trả cổ tức 8% và theo kế hoạch trả cổ tức năm 2022 và năm 2023 lần lượt là 8% và 10%.

Đáng nói là, thời điểm cuối năm 2021, Công ty chỉ sở hữu quỹ tiền mặt là 92,1 tỷ đồng nhưng trả cổ tức tỷ lệ 8% (khoảng 84 tỷ đồng) cho cổ đông, số tiền mặt sẵn sàng ở quỹ gần như trả hết cho cổ đông. Thời điểm cuối năm 2022, Công ty sở hữu quỹ tiền mặt 110,3 tỷ đồng, nhưng vẫn quyết định trả cổ tức năm này theo tỷ lệ 8% (84 tỷ đồng).

Thêm nữa, Bình Dương ACC gần như dùng hết lợi nhuận kiếm được để chia cho cổ đông. Đơn cử, năm 2016, Công ty dùng 48,1% tổng lợi nhuận trong năm tài chính để trả cổ tức; năm 2017 dùng 78,4%; năm 2018 dùng 64,7%. Trong hai năm 2019 - 2020, tỷ lệ chia cổ tức trên tổng lợi nhuận của Bình Dương ACC giảm xuống còn 12,8% và 34,5%, nhưng đến năm 2021, Công ty lại dùng lợi nhuận luỹ kế các năm trước trả cổ tức, khiến số tiền trả cổ tức đạt tỷ lệ 227% tổng lợi nhuận kiếm được trong năm tài chính này. Năm 2022, tỷ lệ này đạt 101,4% (do Công ty tiếp tục dùng lợi nhuận luỹ kế năm trước đó trả cổ tức).

Thực tế, việc duy trì chính sách cổ tức tiền mặt với tỷ lệ khá hấp dẫn trong một thời gian dài của Bình Dương ACC đã thu hút nhà đầu tư quan tâm tới cổ phiếu của doanh nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp thực hiện thành công kế hoạch tăng vốn gấp 3,5 lần (huy động thêm 750 tỷ đồng) trong tháng 2/2022. Tuy vậy, việc “lãi bao nhiêu, chia hết bấy nhiêu” khiến Công ty không kết dư được nguồn vốn để sẵn sàng ứng phó với giai đoạn kinh tế khó khăn.

Bình Dương ACC được thành lập năm 2008, tiền thân là đơn vị trực thuộc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - CTCP (Becamex, mã BCM). Công ty hoạt động chủ yếu trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Bình Phước và một số tỉnh lân cận, với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng công trình dân dụng.

Công ty liên tục thực hiện nhiều dự án xây dựng dân dụng do Becamex và đơn vị thành viên của Becamex làm chủ đầu tư. Những năm gần đây, Công ty từng bước lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, với việc đầu tư dự án Khu đô thị và dịch vụ VSIP Bắc Ninh, giá trị đã đầu tư là 318,99 tỷ đồng và dự án Nhà ở hỗn hợp Thương mại Dịch vụ Định Hoà I (Bình Dương), quy mô 17.431,3 m2, giá trị đã đầu tư 392,5 tỷ đồng …

Tuy nhiên, do thị trường bất động sản khó khăn, dòng tiền đi đầu tư vào dự án bất động sản chưa mang lại dòng tiền quay trở về, dẫn tới Công ty bị thâm hụt vốn kéo dài.

Tin bài liên quan