Ông Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc CTCK SHB

Ông Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc CTCK SHB

Bình tâm trước biển Đông, sẽ nhìn thấy cơ hội

(ĐTCK) Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương (Haiyang Shiyou) 981 vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam để khai thác không chỉ khiến lòng dân Việt sôi sục, mà cũng ảnh hưởng một cách rõ nét nhất lên TTCK Việt Nam. 

Diễn biến tiếp theo của sự kiện này như thế nào tác động rất lớn đến sự tăng giảm của thị trường và quyết định của các nhà đầu tư. Với góc nhìn của cá nhân, tôi xin được đưa ra nhận định như sau.

Trước hết, chúng ta cùng nhìn lại một số thông tin cơ bản: trước khi đưa giàn khoan 981 vào thực hiện thăm dò, Cục Hải sự Trung Quốc đã ra thông báo giàn khoan có tên Hải Dương 981 (HD-981) sẽ tiến hành khoan và tác nghiệp tại vị trí có tọa độ 15o29’58” vĩ Bắc - 111o12’06” Kinh Đông từ ngày 2/5 đến 15/8. Giàn khoan thuộc sở hữu của Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC), DN lớn nhất nước này trong lĩnh vực khai thác dầu khí.

Giàn khoan Hải Dương 981 mà phía Trung Quốc đưa vào thực hiện khoan thăm dò tại vùng biển Việt Nam là loại giàn khoan nửa chìm nửa nổi, có chiều dài 114 m, chiều rộng 89 m và chiều cao 117 m, độ sâu hoạt động tối đa là 3.000 m và độ khoan sâu tối đa là 10.000 m. Trị giá ước tính của giàn khoan này lên tới 1 tỷ USD. Chúng ta cần biết thêm rằng, đây là gian khoan duy nhất của Trung Quốc có quy mô lớn như vậy. Và nếu vậy, vai trò thực sự của 981 là phục vụ cho lợi ích kinh tế chứ không thể là cứ cắm chốt bất hợp pháp tại một vị trí thuộc lãnh thổ của một quốc gia khác như hiện tại. Thông qua vấn đề này, có thể rút ra ý thứ nhất là Trung Quốc đã chuẩn bị một khả năng rút giàn khoan. Tuy nhiên, việc này sẽ được thực hiện không chỉ theo ý đồ của họ mà Trung Quốc sẽ theo dõi rất sát sao thái độ của dư luận quốc tế và phản ứng của Việt Nam để có bước đi tiếp theo.

Tiếp theo, chúng ta có thể phân tích rằng, đối tượng mà Trung Quốc đang thực hiện ý đồ của mình là Việt Nam, một đất nước với hơn 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, với những con người giàu lòng yêu nước thì nếu có đối đầu, Trung Quốc không dễ gì đạt được mục đích của mình. Hơn nữa, chúng ta thời gian qua cũng đã trang bị cho mình những thiết bị quân sự hiện đại mà lớp tàu ngầm Kilo của Nga là một ví dụ, cũng là một đối trọng thực sự về tiềm lực quân sự, nhất là khi chúng ta ở vị trí phòng thủ chứ không phải những người đi gây hấn. Điều này, chắc hẳn Trung Quốc sẽ tính toán rất kỹ nếu muốn có thêm những hành động quân sự.

Yếu tố thứ ba tôi muốn đề cập là vị thế của Việt Nam đối với các nước trong khu vực ASEAN và các nước lớn đã tăng lên rất nhiều. Một yếu tố nữa có thể tính tới là hai quốc gia đang có số vốn đầu tư vào Việt Nam lớn nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc. Như vậy, sự ủng hộ của các quốc gia trên thế giới và đặc biệt là của Nhật Bản và Hàn Quốc, chắc chắn tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Nhật Bản có thể được coi là “người bạn” cùng cảnh ngộ với chúng ta khi cũng đang là quốc gia đang có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc thông qua sự kiện “Senkaku” mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Qua phân tích như trên, kết luận rút ra là Trung Quốc đang thực hiện chính sách thăm dò và thử thách thái độ của Việt Nam, đồng thời “test” liên minh ASEAN và “những người bạn” của Việt Nam. Nếu Việt Nam kiên trì, nhất quán trong việc xử lý tranh chấp theo những bước mà hiện nay chúng ta đang đi thì tin chắc, Trung Quốc sẽ phải rút giàn khoan 981.

Vậy nhà đầu tư trên TTCK nên hành động như thế nào trong lúc này? Trước hết, chúng ta nên tham khảo lại những cuộc khủng hoảng chính trị hoặc liên quan đến chiến tranh trên thế giới trước đây đã ảnh hưởng đến TTCK như thế nào và xu hướng sau khi khủng hoảng qua đi để có được những bài học. Ở đây, tôi muốn nói đến vụ khủng hoảng 11/9 của Mỹ, căng thẳng chính trị tại Ukraine, vụ tranh chấp đảo Điếu Ngư - Senkaku, tranh chấp ở Bãi Cỏ Mây của Philippines… được xem là những bài học thiết thực nhất để nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định đúng đắn cho mình.

Tôi rất đồng ý với quan điểm của nhóm phân tích CTCK Rồng Việt trong một bài phân tích gần đây cho rằng, sau mỗi một sự kiện chính trị lớn xảy ra phải chăng sẽ là một cơ hội kiếm lời rất lớn cho nhà đầu tư. Bởi xu hướng tăng điểm của  TTCK trong dài hạn là luôn đúng, đặc biệt với TTCK Việt Nam từ đầu năm 2014 đến nay, nếu bỏ ra ngoài sự kiện Biển Đông thì đa số các chuyên gia đều có cùng chung nhận định là thị trường đang bắt đầu đi vào giai đoạn tăng giá (uptrend).

Tin bài liên quan